Thứ 4, 08/05/2024, 16:39[GMT+7]

Tiêm vắc-xin bảo vệ thành quả chăn nuôi

Thứ 4, 07/02/2024 | 08:55:30
2,020 lượt xem
Tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi là một trong những biện pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả, đặc biệt là đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm để bảo đảm phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững và cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, bảo vệ môi trường sinh thái.

Cán bộ ngành chuyên môn thực hiện tiêm vắc-xin tại các hộ chăn nuôi.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Đối với tỉnh ta, chăn nuôi gia súc, gia cầm được xác định là một trong lĩnh vực mũi nhọn trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Ngành chăn nuôi đã từng bước đem lại hiệu quả kinh tế, tạo thêm việc làm, tăng nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân. Bên cạnh chăn nuôi hộ gia đình, thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều mô hình trang trại chăn nuôi có quy mô lớn an toàn sinh học. Việc phòng bệnh trong chăn nuôi hiện nay là một khâu rất quan trọng trong quy trình chăn nuôi, vì nếu xảy ra dịch bệnh gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Tiêm phòng vắc-xin là một biện pháp chủ động để tạo “lá chắn” ngăn ngừa sự xâm nhập của mầm bệnh, giúp cho vật nuôi không nhiễm bệnh, khỏe mạnh, duy trì sự tăng trưởng, phát triển và sản xuất. 

Năm 2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã làm thiệt hại 2 lứa lợn với 40 con trị giá gần 200 triệu đồng của gia đình ông Hoàng Văn Hiến, xã Vũ Tiến (Vũ Thư). Không chỉ gia đình ông Hiến, tổng đàn lợn trên địa bàn xã Vũ Tiến cũng giảm khoảng 2/3 do tâm lý e dè, sợ rủi ro do bệnh DTLCP gây ra. 

Ông Hiến chia sẻ: Từ khi có vắc-xin phòng bệnh DTLCP chính thức được lưu hành thương mại, triển khai tiêm tại các địa phương, tôi đăng ký với Ban Chăn nuôi và Thú y xã để tiêm cho 30 con lợn mới tái đàn. Thời gian qua, một số địa phương phát hiện bệnh DTLCP, nhưng trang trại lợn của tôi vẫn an toàn. Đến nay, tôi rất phấn khởi khi đàn lợn đủ trọng lượng xuất chuồng để bán. Từ đó, khẳng định tiêm vắc-xin cho vật nuôi đã đem lại hiệu quả phòng bệnh cao, giúp người chăn nuôi yên tâm phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững. 

Còn đối với xã Vũ Đoài hiện có 3 trang trại lớn chiếm hơn 80% tổng đàn gia súc, gia cầm của địa phương. Trong đó, trang trại của ông Phạm Xuân Thủy có quy mô 100.000 con gà thịt và hai trại lợn 1.000 con. Một trong những thành công giúp trang trại có thu nhập ổn định 1,7 tỷ  đồng/năm và tạo việc làm cho 15 lao động tại địa phương với thu nhập hàng tháng bình quân từ 7 - 10 triệu đồng/người là nhờ trang trại chủ động tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi theo định kỳ, dịch bệnh không gây thiệt hại cho trang trại. 

Ông Thủy chia sẻ: Nếu áp dụng chăn nuôi quy mô an toàn sinh học kết hợp với tiêm phòng vắc-xin tôi tin dịch bệnh không gây tổn thất cho sản xuất chăn nuôi, an sinh xã hội và nguy cơ làm lây lan dịch bệnh từ động vật sang người, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người, từ đó góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. 

Bà Hồ Thị Hiền, Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y xã Vũ Đoài cho biết: Sở dĩ công tác tiêm phòng của xã trong những năm qua luôn đạt tỷ lệ cao đối với đàn trâu, bò, lợn, đàn gia cầm là do người dân đã ý thức được tầm quan trọng của tiêm phòng, giúp phòng ngừa dịch bệnh, bảo vệ vật nuôi. Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi còn rất quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng vật nuôi, vệ sinh chuồng trại, khơi thông cống rãnh... Nhờ đó, đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn xã mấy năm gần đây không xảy ra dịch bệnh. 

Ông Phạm Văn Thước, xã Thái Phúc, huyện Thái Thụy cho biết: Mặc dù gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng được ngành chuyên môn tuyên truyền tôi đã thay đổi từ phương thức nuôi truyền thống sang nuôi theo hướng an toàn sinh học cho giá trị kinh tế cao. Khi chăm sóc đàn gà 100 con cũng theo một quy trình, bài bản từ tiêm phòng đến khâu chăm sóc và xuất bán. Do đó, nhiều năm nay không xảy ra dịch bệnh trên đàn gia cầm.

Đồng bộ các giải pháp bảo vệ đàn gia súc, gia cầm

Ông Phạm Văn Lý, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Năm 2023, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, không phát sinh các ổ dịch lớn nên người dân yên tâm tăng đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi. Kết quả tiêm phòng các loại vắc-xin hỗ trợ của tỉnh phòng 4 bệnh đỏ cho đàn lợn và phòng bệnh lở mồm long móng cho đàn trâu, bò, lợn nái, lợn đực giống; phòng bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò. Lượng vắc-xin các huyện, thành phố đã tiếp nhận là 704.820 liều vắc-xin, tổng lượng gia súc được tiêm phòng qua hệ thống thú y cơ sở là 692.840 lượt con. Tại các trang trại do người chăn nuôi chủ động thực hiện với tổng đàn được tiêm phòng đạt 2.150.456 con gia súc và 951.000 con gia cầm. Lượng hóa chất đã sử dụng thực hiện tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng là 55.889 lít hóa chất và 1.301.544kg vôi bột. Ngoài triển khai biện pháp tiêm phòng vắc-xin và vệ sinh, khử trùng tiêu độc, Chi cục Chăn nuôi và Thú y còn tích cực tuyên truyền để các hộ chăn nuôi vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thường xuyên thu gom, vận chuyển chất thải ra khỏi khu vực chăn nuôi, chăn nuôi an toàn sinh học. Bên cạnh đó, ngành chuyên môn phối hợp với các địa phương mở các lớp tập huấn, hướng dẫn nhân dân cách chăm sóc gia súc, gia cầm, thường xuyên kiểm tra, theo dõi vật nuôi để có những phương án kịp thời phòng, chống các dịch bệnh có thể xảy ra.


Mạnh Thắng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày