Thứ 6, 03/05/2024, 05:08[GMT+7]

Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm

Chủ nhật, 10/03/2024 | 20:05:53
3,105 lượt xem
Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, ngay từ đầu năm, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh đã có nhiều giải pháp giúp khách hàng tiếp cận vốn vay phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.

Nhân viên Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội Chi nhánh Thái Bình hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ smart banking.

Được thành lập và đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh từ tháng 12/2013, đến nay Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội Chi nhánh Thái Bình (SHB Thái Bình) đã khẳng định được vị thế là tổ chức tín dụng uy tín, được khách hàng tin tưởng lựa chọn. Từ đầu năm đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng tăng trưởng dư nợ đến cuối tháng 2/2024 của SHB Thái Bình ước tăng 11,19% so với thời điểm 31/12/2023. Ông Lại Quang Dũng, Giám đốc SHB Thái Bình cho biết: Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, ngay từ đầu năm, SHB Thái Bình tích cực triển khai chương trình ưu đãi với cả khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân với mức lãi suất cho vay từ 6,8 - 8,6%/năm. Trong đó, với khối khách hàng cá nhân, Chi nhánh tập trung triển khai chương trình cho vay tiêu dùng như mua nhà, đất, nhà dự án, ô tô, sửa chữa nhà để ở; với khối khách hàng doanh nghiệp, Chi nhánh tập trung triển khai chương trình cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp có phụ nữ làm chủ hoặc phụ nữ chi phối trong doanh nghiệp. Ngoài ra, SHB Thái Bình còn áp dụng các sản phẩm ưu đãi về bảo lãnh hợp đồng, giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí vốn; cấp hạn mức thấu chi cho khách hàng thông qua tài khoản tại ngân hàng; đồng thời, thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất cho vay thông thường về mức 9 - 9,5%/năm, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng phát triển sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.

Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh tỉnh cũng là một trong những TCTD có mức tăng trưởng tín dụng khá trong 2 tháng đầu năm 2024. Từ đầu năm đến nay, Chi nhánh đã giải ngân gần 270 tỷ đồng cho hơn 5.700 khách hàng vay vốn; tổng doanh số thu nợ đạt hơn 170 tỷ đồng. Đến ngày 26/2, tổng dư nợ cho vay đạt gần 4.370 tỷ đồng, tăng 2,32% so với thời điểm 31/12/2023 với gần 134.200 khách hàng đang vay vốn. Ông Tạ Tiến Khẩn, Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh cho biết: Trên cơ sở nguồn vốn ngân sách trung ương cấp và vốn thu nợ từ các chương trình, Chi nhánh đã tập trung giải ngân cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn để phát triển sản xuất, cải thiện chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh cũng thường xuyên phối hợp với đoàn thể các cấp đôn đốc, thu hồi kịp thời các khoản nợ đến hạn trên cơ sở đó nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ cho vay, không để tồn đọng nguồn vốn, gây lãng phí.

Hoạt động giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội tại xã Tự Tân (Vũ Thư).

Ông Phạm Bá Yêm, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh cho biết: Cùng với tập trung mở rộng đầu tư tín dụng đi đôi với tăng cường quản lý chất lượng tín dụng, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp và người dân duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh, toàn ngành duy trì triển khai nhiều chương trình tín dụng trọng điểm như: Cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên với dư nợ ước đạt 1.068 tỷ đồng, tăng 33,1% so với thời điểm 31/12/2023; cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ với dư nợ ước đạt 33.950 tỷ đồng, tăng 0,2% so với thời điểm 31/12/2023, chiếm 36% tổng dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn với gần 104.000 khách hàng còn dư nợ; cho vay chương trình nước sạch nông thôn với dư nợ đạt gần 1.688 tỷ đồng... Bên cạnh đó, các TCTD trên địa bàn tỉnh cũng chú trọng triển khai các giải pháp nhằm chia sẻ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và hộ sản xuất phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến hết tháng 1/2024, trên địa bàn tỉnh có 195 khách hàng, trong đó có 25 doanh nghiệp và 170 cá nhân được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổng giá trị nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ khoảng 405 tỷ đồng, dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ khoảng 236 tỷ đồng. Để tạo thuận lợi nhất cho khách hàng khi sử dụng các dịch vụ ngân hàng, các TCTD trên địa bàn tỉnh cũng tích cực triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đến nay, hầu hết các ngân hàng thương mại trên địa bàn đều ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ tiên tiến để cải tiến, thiết kế sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số, phát triển, tích hợp ứng dụng thanh toán mới nhằm thu hút nhiều đối tượng khách hàng, nâng cao mức độ sử dụng dịch vụ, gia tăng tính tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng.

Công ty TNHH Đầu tư phát triển Thành Vinh (Đông Hưng) đầu tư nhà máy nước sạch Phong Châu từ nguồn vốn tín dụng của Agribank Chi nhánh huyện Đông Hưng, Bắc Thái Bình.

Bằng những giải pháp cụ thể và hiệu quả, tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng Thái Bình đã có chuyển biến tích cực. Nếu như đến hết tháng 1/2024, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức âm 0,73% thì đến hết tháng 2/2024, mức tăng trưởng tín dụng đã đạt 0,2% so với thời điểm 31/12/2023 với tổng dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn tỉnh ước đạt 94.310 tỷ đồng; trong đó cho vay lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 17,6%, cho vay lĩnh vực công nghiệp, xây dựng chiếm 29% và cho vay lĩnh vực thương mại, dịch vụ chiếm 53,3% tổng dư nợ cho vay.

Minh Hương