Thứ 6, 22/11/2024, 00:53[GMT+7]

Bách Thuận: Khó làm du lịch nếu môi trường vẫn ô nhiễm

Thứ 4, 13/03/2024 | 19:11:04
9,318 lượt xem
Bách Thuận (Vũ Thư) là một trong những xã nằm trong tốp đầu tỉnh về phát triển đàn lợn. Tuy nhiên, mặt trái của chăn nuôi là tình trạng ô nhiễm môi trường. Để bảo đảm sức khỏe, sinh hoạt của người dân, đồng thời khai thác lợi thế không gian xanh của làng vườn, xã định hướng phát triển du lịch thay thế chăn nuôi.

Bách Thuận từng bước chuyển dịch từ chăn nuôi sang phát triển du lịch nhằm tạo môi trường, hệ sinh thái xanh, sạch, đẹp ở làng vườn.

Với nhiều lợi thế được cho là “thiên thời, địa lợi” để phát triển du lịch nghỉ dưỡng và du lịch cộng đồng, Bách Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng, phát triển ngành “công nghiệp không khói” ở làng vườn. Tuy nhiên, rất nhiều khó khăn đặt ra khi triển khai hoạt động du lịch, trong đó cấp thiết nhất là xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi lợn gây ra. “Gia đình tôi từng đón nhiều đoàn đến tham quan, trải nghiệm. Hầu hết du khách rất thích thú với không gian nhiều cây xanh, nhiều công trình văn hóa đặc sắc, thưởng thức quà bánh chợ quê... Tuy nhiên, nếu không xử lý tốt tình trạng ô nhiễm môi trường thì Bách Thuận rất khó làm du lịch” - ông Nguyễn Như Tuấn, chủ một nhà vườn sinh vật cảnh ở địa phương chia sẻ.

Tình trạng xả chất thải chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường xảy ra nhiều năm qua ở Bách Thuận.

Ông Nguyễn Kim Sáu, Chủ tịch UBND xã Bách Thuận cho biết: Kiểm tra thực tế các cơ sở chăn nuôi trọng điểm của xã cho thấy hầu hết các hộ xây dựng chuồng trại trên diện tích đất nông nghiệp không được cấp phép chăn nuôi, vi phạm về khoảng cách an toàn, quy mô chăn nuôi vượt mức cho phép, không có biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi trước khi xả ra môi trường. Gần đây nhất, tháng 11/2023, UBND xã tổ chức tuyên truyền, ký cam kết với các hộ chăn nuôi lợn về bảo đảm vệ sinh môi trường; xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với 12 hộ chăn nuôi. Xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, nhắc nhở để các hộ có biện pháp xử lý chất thải như xây bể biogas, bể chứa nước thải, sử dụng men vi sinh xử lý phân, nước thải, góp phần bảo vệ môi trường. Chúng tôi đã tính đến phương án di dời các hộ chăn nuôi ra khu vực xa dân cư nhưng do xã có đặc thù địa hình thổ mô, đất sản xuất xen kẽ đất ở nên không thể quy hoạch được khu vực chăn nuôi riêng.

Bà Phạm Thị Như Phong, Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư cho biết: Để phát triển du lịch bền vững, thu hút được du khách, Bách Thuận phải có môi trường trong lành. Thời gian tới, huyện sẽ có phương án vận động, tìm nguồn lực để hỗ trợ 100% hộ chăn nuôi ở Bách Thuận chuyển đổi mô hình sản xuất, từ nuôi lợn sang trồng các loại cây cảnh, cây ăn trái, vừa bảo đảm hiệu quả kinh tế cho người dân vừa góp phần bảo vệ môi trường. Lấy lại môi trường trong lành của làng vườn xưa không chỉ góp phần bảo đảm sức khỏe cho người dân mà còn là điều kiện tiên quyết để địa phương khai thác tiềm năng, thế mạnh, phát triển du lịch, nâng cao thu nhập cho người dân.

Quỳnh Lưu