Thứ 7, 04/05/2024, 05:08[GMT+7]

Tiền Hải: Kiên quyết xử lý vi phạm công trình thủy lợi

Thứ 7, 30/03/2024 | 21:14:16
4,987 lượt xem
Theo báo cáo của huyện Tiền Hải, từ năm 2018 đến năm 2023, trên địa bàn huyện xảy ra 302 vụ vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi (CTTL), trong đó đã xử lý 116 vụ, còn tồn đọng 186 vụ. Thực tế này cho thấy việc xử lý vi phạm CTTL trên địa bàn huyện thời gian qua gặp nhiều khó khăn, do vậy cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ hơn nữa của các cấp, các ngành.

Ngành chức năng huyện Tiền Hải tổ chức tháo dỡ công trình vi phạm hành lang sông Thủ Chính, đoạn qua địa bàn xã Nam Trung.

Còn nhiều vi phạm tồn đọng

Từ số liệu trên cho thấy số vụ vi phạm CTTL trong 5 năm qua trên địa bàn huyện đã xử lý mới chỉ đạt hơn 38%, còn lại gần 62% là số vụ tồn đọng chưa được xử lý. Riêng năm 2023, trên địa bàn huyện xảy ra 59 vụ vi phạm CTTL, mới xử lý được 9 vụ, chiếm hơn 15% tổng số vụ vi phạm. Trong các vụ vi phạm gần đây, có một số vụ trọng điểm, nổi cộm như ở khu vực sông Thủ Chính đoạn giáp ranh hai xã Nam Thanh, Nam Trung. Đây được coi là khu vực có tình trạng vi phạm hành lang CTTL diễn ra phức tạp. Trong đó, một số hộ dân sinh sống xung quanh khu vực này đã lấn chiếm hành lang xây dựng trái phép các công trình, đổ chất thải rắn xuống lòng sông gây cản trở dòng chảy, ảnh hưởng đến tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng, chống lụt bão. Mặc dù đã được chính quyền địa phương, ngành chức năng nhiều lần nhắc nhở, tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm nhưng các hoạt động vi phạm vẫn tái diễn. 

Theo ông Nguyễn Văn Thế, Chủ tịch UBND xã Nam Trung: Các trường hợp vi phạm CTTL  tại xã chủ yếu nằm trên tuyến sông Thủ Chính, các gia đình ở đây đã xây dựng nhà ở từ những năm 1980. Hiện nay, một số hộ có nhà ở đã xuống cấp không bảo đảm an toàn để sử dụng nên đã tự xây, sửa chữa nhà. UBND xã đã lập biên bản, yêu cầu dừng thi công nhưng các hộ này có ý kiến phạm vi đất này họ đã sống từ nhiều năm về trước nên xã chưa thể xác minh được rõ ràng.

Ông Lại Hồng Thăng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Đối với các vụ vi phạm CTTL đã được xử lý thời gian qua thì các trường hợp vi phạm là tổ chức, cá nhân với hình thức vi phạm chủ yếu như tận dụng mực nước nguồn thấp để đắp đập tạm phục vụ thi công công trình trong thời gian chờ cấp phép thi công, xây tường chắn đất mái sông của các hộ dân sinh sống cạnh các tuyến sông tiềm ẩn nguy cơ sạt lở để bảo đảm an toàn tài sản và tính mạng của các hộ gia đình. Một số vụ vi phạm sau khi xác định cụ thể ranh giới, mức độ vi phạm đã được UBND huyện, các cấp, các ngành tiến hành cưỡng chế giải tỏa; một số vụ vi phạm người dân đã tự giác tháo dỡ khi được tuyên truyền, vận động. Các vụ còn tồn đọng là các vi phạm với hình thức như kè ống buy, san lấp lấn chiếm mái, bờ kênh để cơi nới và xây dựng công trình nhà ở, lán tạm phục vụ sản xuất, kinh doanh. Số vụ vi phạm này đã được cơ quan chuyên môn lập biên bản đình chỉ xây dựng, xin ý kiến các ngành để tiến hành xác định, cắm mốc cụ thể chỉ giới bảo vệ CTTL tại thực địa theo quy định, đồng thời lập kế hoạch giải tỏa bảo đảm các quy định của pháp luật.

Xử lý dứt điểm vi phạm tồn đọng và không để phát sinh mới

Trước thực trạng vi phạm CTTL, thời gian qua, huyện Tiền Hải đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, thống kê, rà soát, phân loại, lập biên bản các vi phạm trên toàn địa bàn, xác định cụ thể mốc giới các công trình. Đối với các hộ cố tình thì củng cố hồ sơ, tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ công trình vi phạm, trả lại mặt bằng tuyến sông, bảo đảm theo các quy định của pháp luật về bảo vệ hành lang CTTL. Tuy nhiên, thực tế tại một số địa phương hiện nay mức độ và hình thức vi phạm CTTL diễn ra hết sức phức tạp. Nguyên nhân được các ngành chức năng xác định một phần là do lịch sử để lại, một phần do đặc thù các CTTL có số lượng rất nhiều, đa dạng và thường ở sau nhà dân, giao thông đi lại khó khăn gây trở ngại cho việc phát hiện, xử lý. Một bộ phận không nhỏ người dân còn chưa hiểu biết nên đã tự ý lấn chiếm dòng sông, bờ kênh mương, phạm vi bảo vệ CTTL. 

Theo ông Phạm Quang Tuấn, Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện: Thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường cán bộ, nhân viên thường xuyên kiểm tra tất cả các tuyến sông, kịp thời phát hiện ngay những vi phạm mới phát sinh. Phối hợp với UBND các xã tuyên truyền, đôn đốc, nhắc nhở những hộ vi phạm và đề nghị xử lý vi phạm.

Ông Nguyễn Văn Thế, Chủ tịch UBND xã Nam Trung cho biết thêm: Đối với các vi phạm phát sinh trong những năm gần đây, UBND xã Nam Trung đã cương quyết xử lý nghiêm. Từ năm 2021 đến nay, xã đã phối hợp với các ngành chức năng huyện tổ chức cưỡng chế, giải tỏa 6 công trình xây dựng bờ kè lấn hành lang sông Thủ Chính. Thời gian tới, xã sẽ tăng cường kiểm tra, phát hiện sớm vi phạm để ngăn chặn kịp thời; đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức. Bên cạnh đó, xã tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng huyện từng bước xử lý các vụ vi phạm còn tồn đọng.

Để xử lý dứt điểm các vụ vi phạm CTTL còn tồn đọng cũng như ngăn chặn kịp thời các vi phạm mới, UBND huyện Tiền Hải chỉ đạo quyết liệt các ngành, địa phương vào cuộc tích cực hơn nữa, rà soát các vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều trên địa bàn. Từ đó phân loại tính chất, mức độ vi phạm để có hướng xử lý dứt điểm. Bên cạnh đó, UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn phối hợp với đơn vị chuyên trách của tỉnh, của huyện tiếp tục rà soát, phân loại, hoàn tất hồ sơ, trình tự các bước xử lý các hộ vi phạm còn tồn đọng theo đúng kế hoạch. Đối với các vụ vi phạm mới phát sinh phải tổ chức ngăn chặn và giải quyết triệt để ngay từ đầu. Nếu nơi nào để xảy ra nhiều vi phạm không được phát hiện kịp thời thì đơn vị quản lý chuyên trách và UBND xã chịu trách nhiệm. Trường hợp vụ vi phạm đã được phát hiện nhưng không xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật để vi phạm phát sinh, phát triển phức tạp thì xem xét kiểm điểm rõ trách nhiệm đối với chủ tịch UBND xã đó. Tăng cường và đa dạng hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thủy lợi, đê điều, phòng, chống thiên tai để người dân nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong bảo vệ CTTL, đê điều.

Công trình nhà ở của người dân xã Nam Thanh xây dựng lấn chiếm hành lang sông Thủ Chính.

Trần Tuấn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày