Thứ 6, 22/11/2024, 00:28[GMT+7]

Cần chung tay nâng cấp đình Phúc Ân

Thứ 2, 29/04/2024 | 20:02:53
2,773 lượt xem
Đình Phúc Ân, tổ dân phố Ân Xá, thị trấn Hưng Nhân (Hưng Hà) không chỉ là công trình có kiến trúc cổ, độc đáo mà còn là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng của địa phương và huyện Hưng Hà. Tuy nhiên theo thời gian, đình Phúc Ân hiện nay đang bị xuống cấp nghiêm trọng.

Đình Phúc Ân được xây dựng cách đây 200 năm nay đã xuống cấp nghiêm trọng.

Đình Phúc Ân xây dựng từ thế kỷ XVIII, trên khuôn viên rộng trên 1.000m2. Đình là nơi thờ Thành hoàng làng Thái uý Phạm Kính Ân - một trong những khai quốc công thần triều Trần. Mặc dù ông từng là Thái úy triều Lý nhưng do có nhiều công lao giúp nhà Trần hưng nghiệp nên được vua Trần Thái Tông sủng ái, quý trọng tin dùng và được phong tước quan nội hầu. Không những thế, đây còn là nơi hội họp, bàn việc làng việc xã. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đình Phúc Ân là căn cứ cách mạng, nuôi giấu cán bộ và tiễn thanh niên lên đường tòng quân. Hiện đình còn lưu giữ 3 sắc phong cổ.

Các góc mái đình đã bị mối mọt và nứt tường có nguy cơ sụp đổ.

Đình Phúc Ân có kiến trúc độc đáo gồm 5 gian thờ và 1 hậu cung. Toàn bộ hàng cột sử dụng gỗ lim, mái đình cong, các đao tấu chéo góc, được chạm trổ mặt nguyệt, long ly quy phượng với đường nét hoa văn tinh xảo. Sau 200 năm xây dựng, đến nay công trình cơ bản vẫn giữ nguyên kiến trúc gốc, hầu như chưa bị thay đổi, được đánh giá là một trong những ngôi đình cổ của huyện. Trải qua thời gian, ngôi đình đã bị xuống cấp rất nghiêm trọng. Các cột, hoành, rui của mái đình đều đã mục nát, mối xông đứt gãy, phần mái ngói hai bên cánh tả và cánh hữu của đình đã sụt, gãy nhiều chỗ, cửa ra vào ọp ẹp xiêu vẹo, đều phải chằng chống; các cấu kiện gỗ đã bị mối mọt, mục nát, không còn khả năng chịu lực. Mái ngói bị xô, vỡ gây mưa dột. Hệ thống tường bị nứt nẻ, bong tróc... ảnh hưởng rất lớn đến việc sinh hoạt tín ngưỡng của người dân địa phương và du khách.

Các cột đình đều bị hư hỏng theo thời gian.

Ông Phạm Đình Tâm, người trông coi đình cho biết: Khi phát hiện thêm các phần xuống cấp mới, tôi đều báo cáo địa phương. Tôi rất lo lắng, tự lấy xi măng để vá vết nứt tạm thời. Mỗi lần nhân dân, du khách vào thăm, thắp hương tưởng niệm tại đình, tôi thấy nguy cơ không bảo đảm an toàn, đặc biệt trong mùa mưa, bão. Tôi lo đình có thể đổ sập.

Bà Nguyễn Thị Mơ, tổ dân phố Ân Xá chia sẻ: Đối với mỗi người dân tổ dân phố Ân Xá, đình Phúc Ân không chỉ là ngôi đình có kiến trúc độc đáo, nơi thờ tự linh thiêng mà còn là niềm tự hào của người dân ở vùng quê giàu truyền thống cách mạng.Mong mỏi lớn nhất của chúng tôi là được các cấp chính quyền, ngành chức năng, các doanh nghiệphỗ trợ đầu tư kinh phí để sớm xây dựng, trùng tu lại đình để phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, giáo dục truyền thống cho các thế hệ.

Hiện tại đình Phúc Ân vẫn lưu giữ 3 sắc phong.

Ông Nguyễn Văn Cừ, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố Ân Xá cho biết: Mặc dù đã được trung tu một số lần nhưng do thời gian xây dựng đã lâu cộng với tác động của thời tiết nên nhiều hạng mục vốn đã hư hỏng từ trước, nay lại càng xuống cấp nghiêm trọng. Để bảo vệ chống gãy sụt người dân phải dùng những đai sắt gia cố tạm thời, nhằmtránh nguy cơ di tích bị độ sập. Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng, doanh nghiệp giúp địa phương nâng cấp, xây dựng lại đình để đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân.

 Một góc đình nứt toác, có thể rơi ra khi có tác động rất nhỏ.

Theo ông Đặng Quang Tứ, Chủ tịch UBND thị trấn Hưng Nhân: Đình Phúc Ân không chỉ là đình làng của tổ dân phố Ân Xá mà là “nhân chứng sống” cho truyền thống văn hóa, cách mạng lâu đời của người dân thị trấn Hưng Nhân vì thế địa phương rất quan tâm đến việc gìn giữ, tôn tạo di tích này. Gần đây, chúng tôi đã tiến hành họp dân để bàn phương án khắc phục. Đồng thời, tập trung huy động nguồn lực, vận động các nhà hảo tâm, con em xa quê ủng hộ kinh phí để sửa chữa, trùng tu. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có văn bản đề nghị cấp trên quan tâm, tạo điều kiện bố trí kinh phí khôi phục lại đình để nhân dân tổ chức các hoạt động văn hoá, tín ngưỡng. Chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành, địa phương và người dân cùng chung tay để bảo vệ, nâng cấp đình Phúc Ân bởi nếu chậm trễ thì rất khó để “cứu” một ngôi đình quý, một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Thanh Thủy