Thứ 5, 21/11/2024, 23:40[GMT+7]

Kiến Xương: Phát triển sản phẩm OCOP từ thế mạnh chủ lực

Thứ 6, 10/05/2024 | 15:53:40
1,831 lượt xem
Kiến Xương là vùng đất giàu tiềm năng với nhiều sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đặc trưng. Để nâng tầm giá trị và đưa sản phẩm địa phương vươn xa hơn, huyện đang tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, phát triển sản phẩm OCOP từ thế mạnh chủ lực.

Hàng năm, huyện Kiến Xương tổ chức hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

Nâng tầm sản phẩm 

Hiện nay, việc lựa chọn sản phẩm đặc trưng phát triển thành sản phẩm OCOP đã trở thành phong trào ở các xã, thị trấn huyện Kiến Xương. Ông Vũ Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Quốc Tuấn cho biết: Phát huy thế mạnh của địa phương có sản phẩm đặc trưng là chè xanh ngon nổi tiếng từ xưa tới nay nên xã đã giao cho HTX SXKD DVNN xây dựng chè xanh thành sản phẩm OCOP và đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Cũng là cây chè xanh nhưng nếu không nâng tầm thương hiệu thì mức độ tiêu thụ chỉ trong giới hạn vì nhiều địa phương không biết đến. Nhưng từ khi thực hiện theo quy trình chế biến, đóng gói, dán tem nhãn, chuẩn hóa một cách khoa học, bài bản ngay lập tức chè xanh Quốc Tuấn đã nổi tiếng, có nhiều đơn đặt hàng hơn và hướng tới sẽ đưa vào bán ở siêu thị. Đặc trưng chè xanh của địa phương khi ngửi có mùi thơm nhẹ nhàng, khi pha nước sẽ có vị đắng nhẹ, màu xanh sánh vàng, khi uống có vị đậm đà hơn các nơi, dễ uống. Mặc dù giá trị của sản phẩm không cao, chỉ khoảng 25.000 - 30.000 đồng/kg nhưng qua đó đã giới thiệu được sản phẩm đặc trưng của địa phương mình. 

Ở xã Vũ An, sản phẩm lạc đỏ đã trở thành sản phẩm OCOP và là sản phẩm đặc trưng trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Ông Nguyễn Quang Thế, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã cho biết: Hàng năm, xã duy trì trồng 53ha lạc đỏ ở vụ xuân, tuy nhiên người dân thường bán lạc tươi nguyên củ và phụ thuộc nhiều vào mùa vụ, thị trường dẫn đến giá thành thấp, không ổn định. Điều này khiến thu nhập của người dân không bảo đảm, chưa đánh giá đúng giá trị của cây lạc làm giảm động lực sản xuất. Kể từ khi xây dựng sản phẩm OCOP, để xây dựng thương hiệu, tạo uy tín đối với khách hàng, HTX đã tiến hành thu mua, tách hạt, phân loại, thiết kế logo, bao bì, nhãn mác, đóng gói và bảo quản. Tất cả những thay đổi này không chỉ góp phần đưa giá trị sản phẩm tăng từ 80.000 đồng/kg lên 120.000 đồng/ kg mà còn mang lại cơ hội thị trường mới và thu nhập ổn định cho các hộ xã viên. 

Tại xã Lê Lợi, trong rất nhiều hộ làm nghề chạm bạc truyền thống nhưng đến nay mới chỉ có cơ sở đồ đồng Nguyễn Hoàn được công nhận sản phẩm OCOP. Ông Nguyễn Văn Hoàn chia sẻ: Là một nghệ nhân, tôi đã đưa vào công việc của mình sự đam mê, tâm huyết, tình yêu và sự tinh tế để tạo ra những sản phẩm độc đáo và nghệ thuật. Các sản phẩm được dùng làm trang trí, trưng bày hay làm quà tặng đều rất phù hợp. Tất cả các quy trình sản xuất đều được những người thợ có tay nghề giỏi chạm trổ các họa tiết, chi tiết trên bề mặt để làm ra những sản phẩm có tính mỹ thuật và chất lượng cao và sự khác biệt với các cơ sở khác. Điều này giúp cho tình hình sản xuất, kinh doanh của tôi luôn ổn định, bình quân mỗi năm sản xuất trên 4.000 sản phẩm với doanh thu đạt trên 3,7 tỷ đồng. Mục tiêu những năm tới tôi sẽ đầu tư thêm hệ thống nhà xưởng, nghiên cứu phát triển thêm mẫu sản phẩm mới để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. 

Tăng thương hiệu, giá trị sản phẩm 

Tại xã Bình Thanh, xuất phát từ lợi thế của mình đến nay địa phương đã xây dựng thành công 2 sản phẩm OCOP đạt 3 sao là gạo chợ Gốc và mắm cáy chợ Gốc. Ông Đặng Văn Quang, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ và Kinh doanh lúa gạo Bình Thanh cho biết: Mục tiêu của các sản phẩm phải sạch, từ vùng nguyên liệu trồng lúa, vùng cáy đều được canh tác ở vùng lúa hữu cơ. Đối với gạo chợ Gốc, HTX đã tổ chức liên kết sản xuất với người dân, mở các lớp tập huấn về thực hiện chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh đúng quy trình, đồng thời tổ chức thu mua thóc tươi, sấy, bảo quản và đóng gói sản phẩm. Từ đó HTX đã tạo ra thương hiệu gạo chợ Gốc với 2 loại gạo chính là Hạt Ngọc 9 và ST25 cho giá trị tăng gấp 1,8 - 2 lần so với trước đây. Đối với sản phẩm mắm cáy, xuất phát từ truyền thống người dân vẫn chế biến sản phẩm này tuy nhiên chưa tạo thương hiệu trên thị trường, sản phẩm còn ít, giá trị thấp. Do đó, để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, HTX thực hiện chuẩn các bước từ khâu thu mua, loại bỏ tạp chất, giã cáy, trộn muối đến đánh đảo, phơi nắng, đóng gói và bảo quản. Có như thế mắm cáy mới tạo ra hương vị thơm ngon đặc trưng, đạt chất lượng cao. Vì thế, mắm cáy của HTX đã bán với giá 250.000 đồng/lít, cao hơn so với người dân bán với giá từ 160.000 - 180.000 đồng/lít. 

Đến với sản phẩm OCOP gạo Khang Long, ông Phạm Ngọc Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực thực phẩm Khang Long cho biết: Xác định chất lượng sản phẩm đặt lên hàng đầu nên ngay từ năm 2016 khi làm mặt hàng gạo, tôi đã xây dựng vùng nguyên liệu, đầu tư hệ thống máy móc, trong đó ngay từ giống lúa cũng phải chọn loại tốt để cho ra sản phẩm tốt nhất. Tôi chọn giống lúa BC15 và TBR225 để tạo ra sự khác biệt về chất lượng trên cùng một giống lúa đại trà. Ngoài ra, tôi chọn vùng nguyên liệu chủ yếu ở trong tỉnh để có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp với giống lúa. Cũng từ ngày đó, trước khi cung cấp gạo ra thị trường, tôi đều làm mẫu xét nghiệm để chứng minh sản phẩm gạo sạch, không có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và các độc tố trong sản phẩm. Chính vì thế, các sản phẩm mang thương hiệu gạo Khang Long đã đứng vững trên thị trường và là một trong những sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của Kiến Xương được công nhận sản phẩm OCOP. Việc công nhận sản phẩm OCOP mặc dù không tác động nhiều về giá sản phẩm nhưng đã giúp doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ổn định và khẳng định được thương hiệu của sản phẩm. Hiện nay, bình quân mỗi vụ Công ty xuất bán trên 2.000 tấn gạo cho đại lý các tỉnh trong cả nước, doanh thu đạt 20 tỷ đồng. 

Đến nay, huyện Kiến Xương có 16 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP. Bà Nguyễn Thị Mai, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiến Xương cho biết: Chương trình OCOP được xác định là giải pháp giúp thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các đơn vị liên quan tích cực hỗ trợ các chủ thể được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhận diện và quảng bá thương hiệu. Việc này sẽ giúp phân biệt sản phẩm OCOP với các sản phẩm cạnh tranh cùng loại và cũng tạo động lực cho các chủ thể không ngừng nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.

Sản phẩm đặc thù của các địa phương đã được công nhận sản phẩm OCOP.

Thu Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày