Thứ 3, 06/08/2024, 05:25[GMT+7]

Bởi bảo vật là diện mạo văn hoá quốc gia...

Thứ 6, 20/07/2012 | 08:07:18
1,424 lượt xem
Có thể chỉ trong ít ngày nữa, một số hiện vật có giá trị sẽ trở thành những bảo vật quốc gia của Việt Nam. Bảo vật được xem như diện mạo văn hoá của mỗi quốc gia. Cũng chính bởi tầm quan trọng ấy, mà việc lựa chọn hiện vật nào trở thành bảo vật, là việc cần cân nhắc kỹ càng....

Hồ sơ của 30 hiện vật, di vật đã được trình lên Thủ tướng Chính phủ, chỉ còn đợi ngày công nhận là bảo vật quốc gia. Nhìn vào danh sách 30 hiện vật, di vật, khó có thể nói hiện vật nào không xứng đáng. Nhưng cũng không thể khẳng định rằng, danh sách này đã thực sự "chinh phục" nhân tâm.

Việc công nhận bảo vật quốc gia đợt 1 này dựa trên việc đề cử của 22 đơn vị trong toàn quốc. Từ danh sách 185 hiện vật ban đầu, Hội đồng Giám định cổ vật của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng Hội đồng Di sản văn hoá từng bước thẩm định rồi chốt danh sách trình Thủ tướng.

Chúng ta có thể yên tâm với sự tham gia thẩm định của nhiều chuyên gia hàng đầu Việt Nam. Những cổ vật như: Trống đồng Ngọc Lũ, Tượng Phật nghìn mắt nghìn tay (thời Lê Trung Hưng)... của văn hoá Đông Sơn - Đại Việt hay Tượng Bồ tát Tara, Tượng Nữ thần Devi... của văn hoá Chăm pa, từ lâu đã là niềm tự hào của văn hoá Việt Nam. Còn những bản thảo viết tay của Chủ tịch Hồ Chí Minh như Di chúc của Người hay "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến", "Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước"... luôn có chỗ đứng đặc biệt trong lòng người.

Tuy nhiên, việc công nhận dựa trên đề cử dễ khiến nhiều hiện vật, cổ vật có giá trị "lọt" mất khỏi danh sách này. Một bằng chứng dễ thấy là thủ đô Hà Nội, nơi có văn hoá Thăng Long, văn hoá xứ Đoài bề dày ngàn năm, lại... không góp mặt một hiện vật nào!

Ai cũng biết, ngoài 22 đơn vị kể trên, còn rất nhiều tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ những hiện vật, cổ vật có giá trị đặc biệt quý hiếm. Ngoài các tỉnh, thành, bảo tàng..., chúng ta không thể không nói đến giới sưu tập cổ vật tư nhân. Nhiều nhà nghiên cứu đánh giá, lượng cổ vật mà giới sưu tập tư nhân nắm giữ hết sức đồ sộ. Trong đó, có những cổ vật xứng tầm bảo vật. Có thể lấy thí dụ như: Bảo tàng Hoàng Long ở Thanh Hoá có đến mấy ngàn cổ vật, trong đó nhiều cổ vật quý. Hay chiếc đầu rồng men lục nhẹ lửa (thứ men đã thất truyền) của nhà sưu tầm Phan Đình Nhân nổi tiếng cả nước về độ quý hiếm, giá trị mỹ thuật cũng như xuất xứ cung đình. Chiếc đầu rồng này là cả một kho chuyện kể. Nhưng giới cổ vật tư nhân vẫn đang đứng ngoài cuộc chơi.

Việc công nhận bảo vật quốc gia đã trở thành thông lệ ở nhiều nước trên thế giới. Có những nước đã công bố danh sách bảo vật quốc gia cách đây mấy chục năm. Cũng theo thông lệ bất thành văn, những bảo vật này phần nhiều mang giá trị văn hoá, mỹ thuật, hoặc những sáng kiến, phát minh. Người dân nhiều nước rất tự hào về bảo vật quốc gia, bởi đó là những thành tựu đặc trưng nhất của dân tộc họ qua các thời kỳ.

Dễ hiểu, nếu để "lọt" mất những hiện vật quý, niềm tự hào của nhân dân Việt Nam với các bảo vật này sẽ còn... dang dở.

Thay vì vận động, hoặc chờ đợi các đơn vị đề cử, vấn đề cần thiết hơn, là phải rà soát, đánh giá hiện trạng các cổ vật, hiện vật có giá trị trên toàn quốc. Khi đó, hẳn sẽ không còn ai băn khoăn đặt ra những câu hỏi, tại sao hiện vật này được chọn làm bảo vật, còn hiện vật kia thì không. Đơn giản như nói về tượng cổ, có ai dám bảo 18 tượng La Hán chùa Tây Phương hay tượng Huyền Thiên Trấn Vũ ở Trấn Vũ Quán (đều không được đề cử) là thua kém bức tượng Tượng Phật Đồng Dương hay Tượng Bồ tát Tara (thuộc danh sách đề cử) về giá trị mỹ thuật, giá trị lịch sử?

Luật Di sản Văn hoá (sửa đổi và bổ sung) quy định đối tượng có thể trở thành bảo vật quốc gia rất rộng. Đó có thể là hiện vật có giá trị đặc biệt liên quan đến một sự kiện trọng đại của đất nước, liên quan đến sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu; hoặc là tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng về giá trị tư tưởng, nhân văn, giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho một khuynh hướng, một phong cách, một thời đại; hoặc là sản phẩm được phát minh, sáng chế tiêu biểu, có giá trị thực tiễn cao, có tác dụng thúc đẩy xã hội phát triển ở một giai đoạn lịch sử nhất định... Trong 30 hiện vật, di vật được đề cử lần này, có cả những cổ vật từ thời văn hoá Đông Sơn, cho đến những hiện vật thời phong kiến và cả thời kỳ Cách mạng. Hiện tại, trong công nhận di tích, hiện chúng ta đang phân kỳ rất rõ. Những di tích có từ các triều đại phong kiến trở về trước thường được công nhận là Di tích Lịch sử - văn hoá. Những di tích liên quan đến Cách mạng và các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm trong thế kỷ XX được công nhận là Di tích Cách mạng. Nên chăng, việc công nhận bảo vật quốc gia cũng cần sự phân kỳ này. Bởi lẽ, dễ thấy những hiện vật được đề cử bảo vật quốc gia, thì thấy những hiện vật là cổ vật mang đậm giá trị văn hoá, mỹ thuật. Còn những hiện vật thế kỷ 20, chủ yếu gắn với danh nhân như các trước tác của Chủ tịch Hồ Chí Minh hay những khẩu súng, xe tăng, máy bay từng tham gia các trận chiến có ý nghĩa quan trọng. Mặt khác, việc phân kỳ cũng sẽ giúp việc phân loại để rồi rà soát, đánh giá các cổ vật, các hiện vật thuận lợi hơn, thay vì tất cả ngồi chung một mâm như hiện tại.

Hẳn sẽ có những đợt công nhận bảo vật quốc gia lần 2, lần 3. Nhưng để mỗi khi nhắc đến một bảo vật nào, mỗi người Việt Nam đều thấy tự hào, để trăm năm sau, khi nói đến những bảo vật quốc gia này, người đời sau không cảm thấy cách công nhận bất cập, thì ngay bây giờ, chúng ta cần làm thận trọng, kỹ càng hơn. Hiện nay việc công nhận bảo vật quốc gia được quy định tại Luật Di sản Văn hoá và quy trình công nhận được quy định tại Thông tư do Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch ban hành. Nếu cần, chúng ta có thể sửa đổi. Chậm nhưng chắc còn hơn vội vàng. Bởi bảo vật chính là một phần diện mạo văn hoá quốc gia.


Danh sách hiện vật được đề cử là bảo vật quốc gia:

Văn hoá Đông Sơn: Trống đồng Ngọc Lũ, Trống đồng Hoàng Hạ, Thạp đồng Đào Thịnh, Tượng đồng hai người cõng nhau thổi kèn, Cây đèn đồng hình người quỳ; Văn hoá Chăm pa: Đài thờ Mỹ Sơn E1, Đài thờ Trà Kiệu, Tượng Phật Đồng Dương, Tượng Bồ tát Tara, Tượng Nữ thần Devi; văn hoá Óc Eo: Tượng thần Vishnu, Tượng Phật Lợi Mỹ và Tượng thần Surya; Thời kỳ trung đại gồm: Tượng Phật A Di Đà (thời Lý), Ấn đồng “Môn Hạ Sảnh ấn” (thời Trần), Bình gốm hoa lam vẽ Thiên Nga (thời Lê sơ), Tượng Phật nghìn mắt nghìn tay (thời Lê Trung Hưng), Trống đồng Cảnh Thịnh (thời Tây Sơn), Bộ Cửu vị thần công (thời Nguyễn), Bộ Cửu đỉnh (thời Nguyễn).

Nhóm hiện vật thời Cách mạng gồm: các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Đường Kách Mệnh", "Nhật ký trong tù", bản thảo "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến", bản thảo "Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước", Bản Di chúc; những hiện vật tiêu biểu của chiến tranh Cách mạng như: Pháo cao xạ 37mm (súng phòng không của Quân đội nhân dân Việt Nam trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954), Máy bay MiG 21 F96, số hiệu 5121 (máy bay chiến đấu của Việt Nam trong trận "Điện Biên Phủ trên không"), Sổ trực ban "Chiến dịch Hồ Chí Minh" (sổ trực ban chép tay tình hình chiến sự Chiến dịch Hồ Chí Minh từ ngày 25-4 đến ngày 1-5-1975)...

Theo nhandan

  • Từ khóa