Thứ 5, 25/07/2024, 02:17[GMT+7]

Nhớ mùi rơm rạ

Thứ 2, 23/07/2012 | 14:38:47
5,323 lượt xem
Có dịp về vùng nông thôn vào mùa gặt, bất kỳ ai đều không khỏi động lòng trước những cánh đồng lúa chín trải thảm vàng óng. Còn với tôi, dù xa quê đã lâu, màu thời gian có phai nhưng mùi lúa chín, mùi rơm rạ vẫn quyện mãi như một ký ức đẹp không thể phai mờ.

Những “cây rơm” bé xíu như thế này nay còn rất ít trên đường làng

Ngày mùa - đó là những gì người dân quê tôi mong ngóng, đợi chờ sau bao ngày lao động vất vả nhọc nhằn. Bà con dậy sớm gặt lúa, kịp đón những hạt thóc vàng đầu tiên. Họ hăng hái ra đồng đông vui như ngày hội. Những bông lúa uốn cong, trĩu hạt nhờ bàn tay thô ráp, nhưng cũng đầy khéo léo của người nông dân dần được cắt rời khỏi gốc rạ, bó gọn gàng. Rồi những xe chở lúa chất cao ngất nối đuôi nhau từ các ngả đi vào làng. Chỉ dăm ba ngày sau, người gặt lúa vãn hẳn, tấm thảm lúa vàng từng ngày, từng ngày cũng thu nhỏ dần. Ngoài cánh đồng, chỉ còn lại những đụn rạ dựng thành hình chóp nón phơi cho mau khô tạo nên bức tranh quê sống động và đẹp đến lạ kỳ.

Ngày mùa, khắp thôn làng vang rền tiếng máy nổ. Những hạt thóc chắc nịch, vàng óng tuôn ra đều đặn. Từ bé, tôi đã hiểu để có được một hạt thóc vàng ấy phải đổi bằng bao nhiêu giọt mồ hôi trên áo người nông dân. Nhiều bữa ăn, bà thường bảo: “Khi ăn cơm, cố gắng đừng để rơi vãi một hạt nào, khó nhọc lắm người nông dân mới làm ra được; sau này lớn lên, học hành thành đạt, các cháu cũng đừng bao giờ chê hạt lúa, rơm rạ quê mình vì bao đời nay nó nuôi sống con người đấy”. Quả thực, xưa kia rơm rạ đối với người nông dân cũng quý như hạt thóc, củ khoai. Ðến mỗi mùa gặt, nhà nào cũng có người ngồi cặm cụi nhặt từng bông thóc nếp to mẩy, dùng bát ăn cơm cạo lấy hạt để làm giống cho vụ sau. Rơm nếp được bó gọn, phơi khô để lên gác bếp cho vàng óng, đợi đến ngày rảnh rỗi đem ra chuốt từng sợi bện thành những chiếc chổi quét nhà. Rơm nếp còn được người dân quê tôi dùng để bó mạ, bó rau, đốt lấy tro để cắn chân hương vào đúng ngày 23 tháng Chạp âm lịch.

 Ngày mùa, khắp sân nhà, sân kho tràn ngập rơm vàng quyện hương lúa mới thơm nồng. Rơm nhiều đến nỗi bện cả vào chân, quấn vào bánh xe đạp cản lối người đi. Từng bó rơm “ngồi chễm trệ” trên hàng rào. Lũ trẻ chúng tôi tha hồ chơi đùa nằm lên rơm phơi dưới ánh nắng chói chang, lấy rơm trùm lên người chơi trò trốn tìm. Sau mùa gặt, trong góc vườn mỗi nhà đều có một, hai cây rơm, đống rạ chất cao ngất giống như “của để giành” quý giá. Những bó rạ dài, cứng được chọn để lợp mái nhà, mái bếp, rơm vàng làm thức ăn cho trâu bò, làm nùn rơm để sưởi ấm, còn lại dùng làm đồ đun, bỏ vào chuồng lợn để làm phân bón lúa…

Xưa kia, cuộc sống còn khó khăn thiếu thốn, không phải nhà nào cũng có đệm êm, chăn ấm như bây giờ. Mỗi lúc gió lạnh tràn về, nhiều nhà lại chọn rơm vàng bện thành những ổ rơm nằm vừa ấm vừa êm. Việc đun nấu hàng ngày ở nông thôn tất tật đều dùng rơm rạ, củi, lá cây nên rơm rạ dù nhiều bao nhiêu cũng không đủ. Nếu ai đã từng sống ở vùng quê nghèo, chắc hẳn sẽ nhớ những ký ức cùng chúng bạn đi chăn trâu, cắt cỏ, mót lúa, mót khoai, đến mót rạ về đun. Ðội quân “mót rạ” chủ yếu là người già, trẻ nhỏ tản đi khắp cánh đồng, rạ khô, rạ ướt đều quý cả. Mọi cọng rạ vương vãi trên đồng, bờ lớn, bờ nhỏ, triền đê đều được thu gom thành đống, bó gọn đem về nhà. Ðến khi những đống rơm rạ được “xây” nhọn dần thì ruộng ngoài đồng cũng “sạch bóng” chỉ còn trơ gốc rạ.

Trước đây, tôi thích nhất mỗi sáng sớm được nhìn mấy chú gà trống choai nhảy tót lên nóc đống rơm cất vang tiếng gáy, buổi chiều nhìn cảnh gà mẹ và đàn con cục cục… quanh đống rơm tìm mồi; vào những ngày mùa đông rét mướt được đun bếp bằng rơm vàng, những sợi rơm hong khô, cháy đều, tỏa hương thơm nồng. Tôi vẫn còn nhớ vào những hôm mưa dầm, gió bấc, bếp dột, rơm ẩm, nhóm mãi lửa không cháy lên được khiến mặt mũi nhem nhuốc, mắt cay xè. Giờ đây, khi mỗi lần mẹ gửi bao gạo mới lên sau mỗi mùa gặt, bưng bát cơm trắng ngần đưa lên môi, trong tôi bỗng trỗi dậy về sự thảo thơm của người mẹ quê và hương vị của cánh đồng làng đã nuôi dưỡng tôi khôn lớn, trưởng thành.

Mấy hôm trước về làng vào đúng ngày mùa, tôi cảm nhận niềm vui được mùa lộ rõ trên nét mặt của mỗi người dân quê. Mọi thứ vẫn sôi động, tấp nập, tiếng nói cười rộn rã, lúa thóc phơi kín sân nhưng rơm vàng thì dần vắng bóng, đưa mắt kiếm tìm mãi mới thấy vài cây rơm thấp lè tè để nơi vệ đường. Những ngôi nhà mái bằng, cao tầng xây kiên cố đã thay cho những nhà lợp rạ năm xưa. Cũng chẳng còn người nào bỏ thời gian, đủ lòng kiên nhẫn ngồi nhặt từng bông lúa nếp, cạo thóc lấy rơm để bện chổi như ngày xưa nữa. Ngoài cánh đồng, người dân để rơm rạ vương vãi khắp chốn, chất thành đống cao đốt lửa cháy bùng bùng, khói bụi mịt mù, không khí ngột ngạt, khó chịu, hiếm còn có người nào quý cọng rạ, bó rơm như ngày xưa nữa. Khi nhìn cảnh mọi người thi nhau đốt: trên bờ, dưới ruộng, đường giao thông hay bất cứ chỗ nào có thể đốt được, trong lòng tôi thấy xót thương cho những cọng rạ mình đã gắn bó suốt thời “nghèo khó” năm xưa.

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa