Thứ 4, 21/05/2025, 07:25[GMT+7]

Tem Việt Nam nơi lưu giữ và quảng bá các giá trị văn hóa lịch sử

Thứ 2, 13/08/2012 | 08:27:20
1,895 lượt xem
Những con tem như một bảo tàng lưu giữ ký ức, lịch sử, truyền tải và quảng bá hiệu quả các giá trị văn hóa và hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè thế giới một cách hiệu quả, chứ không đơn thuần chỉ gắn liền với những phong thư của bưu điện. Sưu tầm tem đã trở thành một thú chơi văn hóa thu hút mọi lứa tuổi, phần nào thể hiện sự hội nhập, giao lưu văn hóa toàn cầu.

Buổi sinh hoạt, trao đổi tem của Câu lạc bộ Viet Stamp tại TP Hồ Chí Minh.

Ðiều này cho thấy tầm quan trọng của việc hình thành những chủ đề, thể hiện nội dung tem sinh động với sự phối hợp giữa ngành bưu chính và các ngành chuyên môn cũng như của các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử.

Ngồi trong quán cà-phê bên hồ Gươm, ông thầy tiếng Anh của tôi Mai-cơn Ða-ven-pót, đã sinh sống suốt bốn năm nay ở Hà Nội, chợt lôi ra mấy con tem cũ mèm, dán kín trên phong thư viết tay, được cất kỹ càng trong va-li du lịch từ hồi rời khỏi quê hương. Khuôn mặt người đàn ông vốn đã "chết mê chết mệt" Việt Nam này vẫn sáng lên vẻ nhớ nhung cái nơi ông từng chôn nhau cắt rốn qua những địa danh trên con tem như tháp đồng hồ Big Ben,... Ngồi đối diện người nước ngoài đó tôi chợt nhận ra, một con tem dù "sống" hay "đã chết" thì vẫn là một con tem chứa đựng đầy đủ những giá trị văn hóa và bản sắc nó lưu giữ, bất kể thời gian hay không gian. Nói cách khác, "con đường tem" tồn tại qua thời gian và các thế hệ phải chăng cũng chính là một trong những con đường để văn hóa lưu chuyển, nhất là đối với một đất nước giàu văn hóa truyền thống như Việt Nam.

Tôi hỏi Nguyễn Hiền Trang, một du học sinh Việt Nam tại Pháp về cuộc sống của cô và những gì còn lưu giữ được về quê hương sau rất nhiều năm sinh sống tại đất nước bạn. Cô gái trẻ nói, chẳng người Việt nào xa quê mà không nhớ bản quán, xứ sở cả. Ngay cả những người đã thành danh và có một cuộc sống tại quê người vẫn luôn đau đáu mong ước một ngày được trở về quê hương, hay chỉ ít là được thấy quê hương ngay tại nơi họ đang làm ăn sinh sống. Một cách khác thì đó cũng là động lực để họ tồn tại mạnh mẽ hơn ở xứ người.

Nguyễn Phương Thảo, một người Việt đã kết thúc quãng thời gian học ở châu Âu với tấm bằng loại giỏi của trường đại học lớn ở Ðức và hiện đang có một công việc ổn định lương tháng 5.000 ơ-rô thì văn hóa của người Việt là một điều không bao giờ thiếu trong cuộc sống hằng ngày của cô. Ðối với Thảo thì cuộc sống đầy đủ ở một nơi chỉ là điểm đến trong cuộc đời mình thì chưa bao giờ là lựa chọn cuối cùng cô hướng đến. Hơn nữa, hình ảnh quê hương cứ in đậm mãi trong Thảo như một ký ức vĩnh cửu mà dù bận rộn đến đâu, mệt mỏi đến đâu, lắm lúc vẫn khiến cô gái bật khóc. Như vậy, người Việt cũng yêu và ý thức rõ về tình yêu đất nước, Tổ quốc thiêng liêng cho dù có là ai, đang ở đâu, làm gì trên thế giới. Mà cụ thể ở hai cô gái trẻ chính là những con tem nhỏ bé các cô luôn mang theo người. Xuất phát từ sở thích sưu tập tem, đúng nhưng không hẳn, mà chúng như đất nước Việt Nam thu nhỏ, là một lời chào ý nghĩa họ có thể gián tiếp đưa quê hương đến với thế giới.

Vậy giá trị của mỗi con tem giờ đây không chỉ là giá trị truyền tải nền văn hóa, lịch sử mà xa hơn nữa là một cách thức để đưa văn hóa, truyền thống đất nước con người Việt Nam ra thế giới một cách hiệu quả. Mai-cơn Ða-ven-pót là thầy giáo dạy tiếng Anh của tôi trước kia và khi giới thiệu về bản thân mình, ông vẫn thường kèm theo dẫn chứng hình ảnh những con tem yêu quý vẫn luôn gắn bó với ông đi từ nước này sang nước khác. Mà đơn giản, trong nó có hết những thứ đẹp nhất của quê hương Mai-cơn và đi đến đâu cũng là món quà giá trị để giới thiệu cùng bạn bè. Vậy Việt Nam cũng đâu phải kém cạnh, thậm chí bạn bè khắp nơi đều đã quen thuộc với hình ảnh một đất nước thân thiện, yêu chuộng hòa bình nằm yên bình bên bờ Biển Ðông.

Người ta quan tâm tem bởi nó như một bảo tàng lưu giữ ký ức, lưu giữ lịch sử hiệu quả chứ không đơn thuần chỉ mang giá trị truyền thống gắn liền với những phong thư của bưu điện. Nội dung của những con tem tại Việt Nam thường là các sự kiện, nhân vật, hiện vật cũng như di tích lịch sử có ý nghĩa đặc biệt trong quá trình phát triển của đất nước. Bên cạnh đó, cũng có những bộ tem lưu giữ nội dung liên quan lịch sử thế giới như Cách mạng Tháng Mười Nga, chân dung các danh nhân lịch sử thế giới,... Nhưng trong số đó thì giai đoạn lịch sử hiện đại Việt Nam gắn với cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước bao gồm lịch sử Ðảng Cộng sản Việt Nam có vị trí đặc biệt quan trọng. Một điểm đáng chú ý trong hệ thống tem Việt còn là những biểu tượng văn hóa truyền thống cũng được sử dụng một cách giản dị nhưng sâu sắc như hình tượng bông sen, người nông dân, con trâu, chuồn chuồn,... những hình ảnh thường xuyên xuất hiện trong ca dao tục ngữ truyền thống gần gũi với mọi người Việt. Chính bởi vậy, giá trị văn hóa con tem ghi dấu đem lại quan trọng cho không chỉ người nước ngoài quan tâm Việt Nam mà còn đối với thế hệ trẻ, đối với thế hệ trụ cột tương lai của đất nước.

Ở nước ta hiện nay, cộng đồng chơi tem và lưu giữ tem ngày càng phát triển. Những người chơi tem như quan niệm trước đây là những người hoài cổ, những người lớn tuổi muốn được giữ lại ký ức suốt cuộc đời trong tem. Nhưng hiện nay, nếu tham gia vào bất kỳ câu lạc bộ hay hội, nhóm nào về tem hoặc ngay cả các "chợ tem" muôn màu muôn vẻ thì không ít người nhận ra rằng giới trẻ đang hoạt động mạnh mẽ trong cộng đồng chơi tem. Tham dự buổi "chợ tem" hằng tuần tại đường Lý Nam Ðế, Hà Nội thì rất ngạc nhiên bởi những người chơi tem trẻ cũng có thể mang tới bộ sưu tập chẳng kém cạnh gì các cụ vốn rất được nể trọng trong giới chơi tem. Nói là "chợ tem" nhưng thật ra việc mua và bán diễn ra không nhiều bởi hầu hết người chơi tem đều hiểu rõ giá trị và mục đích lưu giữ tem của mình. Hầu hết họ chỉ trao đổi cũng như nội dung chính "chợ tem" ra đời là nơi để giao lưu, bảo tồn những con tem có giá trị văn hóa, thời gian và không gian đặc biệt. Ðiều đáng mừng chính là sự quan tâm của người Việt trẻ khi tìm đến tem mà lý do rất rõ ràng: Ở tem họ có thể tìm thấy được lịch sử, tìm thấy được con người và tìm thấy được văn hiến dân tộc. Anh bạn tôi, Trần Văn Ðức, một cán bộ công an dù chỉ mới tham gia chơi tem nhưng cũng hồ hởi khi đưa ra khoe một bộ tem "mới cứng" do Bưu chính Việt Nam phát hành nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội. Ðối với Ðức thì chẳng phải tem cứ cổ là quý, mà vấn đề là nó mang nội dung gì, thể hiện giá trị ra sao về văn hóa, về dân tộc. Chẳng phải ai cũng có dịp để được chiêm ngưỡng Thủ đô tròn 1000 năm tuổi mà thú vị hơn nữa nó lại nằm trong bộ tem anh đang sở hữu. Vậy một điều rõ ràng, người Việt đang dần biết cách để tôn vinh lịch sử dân tộc, biết cách để hòa nhập chứ không hòa tan trước văn hóa ngoại lai. Xa hơn nữa, chính là để muôn đời sau có được kho tàng văn hóa sống nhỏ bé nhưng đầy giá trị, đó là những con tem.

Trang và Thảo là những công dân Việt Nam thuộc "thế hệ 8x", một cách gọi đối với các bạn trẻ sinh ra trong thập niên 80 của thế kỷ trước đều lựa chọn cho mình thú chơi tem một cách đầy lạ lẫm và tình cờ. Trang thì có thói quen viết thư tay từ nhỏ, và tem là thứ mà không dễ gì cô quên được mỗi lần đưa thư ra bưu điện gửi cho bạn bè, họ hàng ở xa. Còn Thảo vốn dĩ từ những ngày xa đất nước, cuộc sống học tập, làm việc bận rộn ở nước bạn không cho cô có dịp về thăm quê hương nhiều. Bởi vậy mà trong một lần tình cờ vào diễn đàn chơi tem, cô chợt nhận ra rằng tại sao mình không tìm, sưu tầm những con tem của chính đất nước mình và giao lưu, trao đổi cùng những người chơi tem khác ở nước sở tại để họ có thể biết đến Việt Nam, một đất nước nhỏ bé nhưng đang dần lớn mạnh và phát triển thịnh vượng. Ðể rồi giờ đây trong tay hai người trẻ xa quê này là một phần Tổ quốc, một phần văn hóa đáng quý để người Việt năm châu có thể dõi theo.

Một lý do nữa để người Việt trẻ đến gần hơn với tem chính là việc những bộ tem ra đời đã trở nên sống động và muôn mầu sắc về cả nội dung lẫn giá trị cuộc sống hiện thực. Mới đây, bộ tem Thế vận hội mùa hè Ô-lim-pích 2012 được Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam phát hành ngày 12-7 thể hiện bốn môn thể thao: Cử tạ, đấu kiếm, thể dục dụng cụ, tê-cuôn-đô. Bộ tem của tác giả, họa sĩ Tô Minh Trang, Bưu chính Việt Nam thiết kế với khuôn khổ vuông 37 x 37 mm. Các mẫu tem đều được vẽ và xây dựng hình ảnh một cách chính xác, khoa học với đúng phong cách đồ họa hình khối dựa trên ảnh chụp thực tế. Một xã hội hiện đại phải gắn liền với những thông tin "nóng" nhưng mang giá trị cao về hình ảnh một Việt Nam năng động và luôn hướng đến bè bạn năm châu. Ðiều đó thật sự được đón nhận vì sự hội nhập tích cực và nhanh chóng luôn là thước đo cho sức hấp dẫn các giá trị cuộc sống của cư dân trẻ.

Cũng chính vì nguyên nhân này mà tem ở Việt Nam đôi khi ngoài giá trị lịch sử còn là giá trị giáo dục văn hóa, ý thức con người sâu sắc mà nổi bật là văn hóa giữa người với người, tình yêu thương con người vốn là sức mạnh truyền thống của đất nước. Thí dụ, như con tem cổ kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (8-5-1946 và 8-5-1996) có ghi nguyên văn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch danh dự đầu tiên của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nói với cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên Hội Chữ thập đỏ Việt Nam: Phải xuất phát từ tình yêu thương nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ. Mỗi một con tem có nội dung nhân văn như vậy ra đời cũng là khi các giá trị con người được tăng thêm, dù nhỏ nhưng tích dần sẽ thành lớn mạnh. Và điểm quan trọng nhất chính là lịch sử văn hóa đất nước sẽ được thế hệ trẻ đón nhận với đầy đủ tính chất nhân văn thuần túy và gần gũi. Ðó cũng chính là sự kết hợp hiệu quả giữa việc truyền bá lịch sử truyền thống dân tộc và tính chất giáo dục giá trị người Việt muôn đời thông qua những con tem được lưu truyền xuyên suốt thời gian.

Theo nhandan

 

  • Từ khóa