Thứ 5, 09/01/2025, 02:18[GMT+7]

Festval Huế 2020 - Dấu mốc tuổi 20

Thứ 2, 15/06/2020 | 11:14:14
3,498 lượt xem
Festival Huế lần thứ XI năm 2020 là cột mốc đánh dấu chặng đường 20 năm hình thành và phát triển của một festival văn hóa - nghệ thuật - du lịch quốc gia, mang tầm quốc tế.

Trung tâm Festival Huế chính thức thông báo Festival Huế 2020 được tổ chức từ ngày 28/8 đến ngày Quốc khánh 2/9.

Với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - Huế luôn luôn mới”, Festival Huế 2020 sẽ mang lại cho người tham dự những trải nghiệm mới lạ, độc đáo về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, là nơi hội tụ những chương trình biểu diễn hấp dẫn của các đoàn nghệ thuật đặc sắc, tiêu biểu.

Các sự kiện được tổ chức trên những sân khấu chính: Ngọ Môn, Quảng trường Quốc học và trên các tuyến đi bộ ở trung tâm thành phố Huế.

Ban Tổ chức cũng cho biết những sự kiện sẽ được tổ chức tại Festival.

Chương trình nghệ thuật Khai mạc (20h00 ngày 28/8 tại Quảng trường Ngọ Môn). Đây là chương trình tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống và đương đại của Huế, Việt Nam; giới thiệu một Huế với vẻ đẹp khám phá bất tận, một thành phố của sự hài hòa trọn vẹn, bốn mùa rạng rỡ hoa, thành phố xanh, thân thiện môi trường.
Lễ hội đường phố tại Festival.

Lễ hội đường phố “Sắc màu văn hóa” (từ 16h30 hằng ngày trong suốt thời gian diễn ra Festival) tôn vinh văn hóa mặc của các quốc gia trong khu vực thông qua hoạt động trình diễn trang phục truyền thống và những điệu múa đặc trưng của các nước ASEAN; lễ rước mặt nạ tuồng Huế, một hình thức hóa trang độc đáo của bộ môn nghệ thuật có lịch sử lâu đời và phát triển rực rỡ dưới triều Nguyễn; lễ hội văn hóa dân gian vùng Thừa Thiên-Huế kết hợp lễ rước Mẫu trên sông trong khuôn khổ Lễ hội Điện Huệ Nam.

Lễ hội “Huế - Kinh đô ẩm thực” (từ 29/8-2/9 tại Công viên Thương Bạc) giới thiệu di sản ẩm thực phong phú và văn hóa ẩm thực tinh tế của vùng đất này với nhiều đặc sản ẩm thực nổi tiếng thuộc 3 dòng ẩm thực chính của xứ Huế, gồm ẩm thực dân gian, ẩm thực cung đình, ẩm thực chay.

Chương trình Âm nhạc Trịnh Công Sơn (20h00 ngày 30/8 tại sân khấu Ngọ Môn) giới thiệu di sản âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với chủ đề Nhật ký Huế “Huế là người yêu của tôi, là giấc mộng của tôi”.

Chương trình “Ai đã đặt tên cho dòng sông” (20h00 ngày 31/8 tại Nghênh Lương Đình). Đấy là chương trình nghệ thuật lấy cảm hứng từ nhiều chất liệu lịch sử về dòng sông Hương thơ mộng, khai mở lần nữa những bí ẩn của Huế, của sông Hương. Chương trình hứa hẹn sẽ đem lại bất ngờ thú vị cho người xem nhờ vào một sân khấu hết sức mới lạ.

Sôi động Nhạc hội điện tử

Nhạc hội điện tử-EDM (20h30 ngày 1/9 tại sân vận động Tự Do) là bữa tiệc âm thanh và ánh sáng dành cho giới trẻ, các tín đồ của dòng nhạc điện tử với sự tham gia của những nghệ sĩ, DJ hàng đầu trong nước và khu vực.

Chương trình nghệ thuật bế mạc-Trình diễn Áo dài (20h00 ngày 2/9 tại Quảng trường Ngọ Môn). Chương trình gồm 3 chương: “Bài thơ đô thị", “Huế luôn luôn mới” và “Huế - thành phố rực rỡ sắc hoa” là điểm nhấn khép lại Festival Huế 2020.

Trong suốt thời gian diễn ra Festival, các hoạt động văn hóa cộng đồng, thể dục thể thao diễn ra liên tục bao gồm: Chuỗi hoạt động của Ngày hội Áo dài, liên hoan các CLB nghệ thuật toàn quốc, liên hoan diều, lễ hội bia, hội chợ thương mại, giải đua thuyền truyền thống, đua thuyền SUP, giải chạy VNExpress Marathon Huế, trưng bày và triển lãm mỹ thuật… sẽ mang đến những trải nghiệm độc đáo cho công chúng và du khách.
Trình diễn áo dài tại Festival.

Festival Huế là lễ hội văn hóa-nghệ thuật-du lịch quy mô lớn mang tầm quốc gia và quốc tế, được tổ chức chính thức lần đầu tiên vào năm 2000 và đến  nay, lễ hội bước vào tuổi 20.

Từ sự kiện Festival Văn hóa Việt-Pháp năm 1992, ý tưởng về một Festival Huế với một chuỗi những hoạt động văn hóa, lễ hội ấn tượng, đặc sắc gắn kết với nhau đã được thực hiện đúng vào năm mở đầu thiên niên kỷ mới, năm 2000.

Thành công của Festival Huế 2000 (lần thứ nhất) và Festival Huế 2002 (với sự phối hợp giữa tỉnh Thừa Thiên-Huế, Đại sứ quán Pháp và sự tham gia của nhiều nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc tạo tiếng vang lớn trong và ngoài nước) là cơ sở để Chính phủ cho phép xây dựng thành phố Huế trở thành Thành phố Festival của Việt Nam và tiếp tục chỉ đạo tổ chức các kỳ festival 2 năm 1 lần.

Theo chinhphu.vn