Thứ 2, 01/07/2024, 13:17[GMT+7]

Còn nhiều bất cập trong xây dựng tượng đài

Thứ 5, 20/09/2012 | 08:13:30
1,780 lượt xem
Ðã có nhiều tác phẩm tượng đài, điêu khắc của các nghệ sĩ Việt Nam xây dựng thời gian qua đã trở thành điểm nhấn ở những trung tâm văn hóa, lịch sử của các địa phương, mang tính tư tưởng và thẩm mỹ cao. Với các chất liệu khác nhau như đồng, đá, vật liệu xây dựng bền vững, thạch cao,... các nhà điêu khắc Việt Nam đã khắc họa nên những biểu tượng đẹp về lòng quả cảm, ý thức tự lực, tự cường cách mạng, gắn liền với không gian lịch sử, tạo thành những cụm tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đáng tự hào và

Tượng đài Công nhân Việt Nam tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị (Hà Nội), một trong những công trình tượng đài không mang lại hiệu quả cao về chất lượng nghệ thuật.

Với tầm nhìn rộng lớn hơn trong xây dựng các tượng đài ở nước ta, phải thấy được tính nhất quán của quy hoạch hệ thống tượng đài trong cả nước gắn chặt hữu cơ với sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của dân tộc. Như vậy từ trung ương mà ở đây là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho đến các địa phương tỉnh, thành phố cần sớm có một quy hoạch tổng thể và chi tiết cụ thể về hệ thống tượng đài trong cả nước. Ðây là một vấn đề rất hệ trọng và nhạy cảm của xã hội đối với một kế hoạch phát triển văn hóa mang tầm chiến lược lâu dài, bền vững. Ở các nước như Nga, Pháp, Ðức, I-ta-li-a,... người ta rất chú ý đến quy hoạch xây dựng các công trình văn hóa trong đó có tượng đài.

Ở nước ta vấn đề này còn rất yếu và bất cập, thậm chí có nơi xây dựng tượng đài "tùy hứng", do đó mà những công trình cầu đường, nhà cao tầng làm sau những công trình tượng đài đã mặc nhiên phá vỡ không gian phối cảnh ban đầu, khi mới xây dựng, gây phản ứng khó chịu của công chúng. Có những tượng đài chân dung như anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa do không có quy hoạch trước cho nên những dự án kinh tế lấn át, làm giảm sự tôn nghiêm của pho tượng, do đó phá đi không được mà để lại cũng không xong? Thật đáng buồn, có những cụm tượng đài xây dựng được kết hợp hài hòa trong phối cảnh rất đẹp mắt thì sau này bị công trình kiến trúc nhà ở, cầu cống, đường sá đã làm mất vẻ đẹp vốn có ban đầu. Quy hoạch đã thế còn kế hoạch xây dựng tượng đài ngoài trời còn trớ trêu hơn. Có địa phương từ khi phát động cuộc thi mẫu tượng đến lúc kết thúc kéo dài hàng thập kỷ mà vẫn không thực hiện được mục đích ban đầu. Khổ thay, mỗi lần bầu cử nhiệm kỳ thay đổi lãnh đạo là mỗi lần phải xem xét lại quy hoạch, kế hoạch xây dựng công trình văn hóa tượng đài.

Vì vậy không ai khác Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, cơ quan tham mưu và cũng là chuyên ngành quản lý nhà nước cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có những kế sách thật sự khoa học có tầm nhìn chiến lược để Bộ, cơ quan chủ quản phối hợp với các địa phương tỉnh, thành phố, bộ, ngành có quy hoạch, kế hoạch, lộ trình cho các công trình tượng đài mang tính bền vững, để đỡ tốn kém tài chính của nhân dân và Nhà nước.

Mối quan hệ chặt chẽ giữa nội dung với nghệ thuật tượng đài cần được quan tâm hơn nữa. Do những yếu tố chủ quan và khách quan của quá trình tạo mẫu, xây dựng tượng đài, các công trình tượng đài ở nước ta cũng còn bộc lộ những non yếu, gây dư luận bàn cãi đúng sai trong giới nghệ thuật và công chúng. Việc xác định quy mô của tượng đài là hết sức quan trọng, thế nhưng có những cụm tượng đài không cần phải to, cao thì cứ phải làm thật to, nhiều nhân vật và đặt trong một không gian phối cảnh bất hợp lý. Trái lại, có những tượng chân dung danh nhân gắn liền với sự kiện lịch sử giải phóng dân tộc thì làm nhỏ, không đúng tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của nó. Có nơi xây dựng tượng đài xong đưa vào sử dụng một thời gian thì chất liệu bị xuống cấp, rêu phong, nếu là chất liệu bằng đồng thì bị ô-xy hóa, gây phản cảm. Nhiều tượng chân dung, toàn thân hoặc nhóm tượng do hình họa, mảng khối không hợp lý, tỷ lệ giải phẫu không chuẩn xác nên xây dựng tượng tỷ lệ 1/1 không đúng như mẫu đã được duyệt ban đầu, làm giảm đáng kể nghệ thuật và nội dung tư tưởng của tác phẩm. Có những tượng đài danh nhân đặt trong thành phố chung quanh là nhà cao tầng, lẽ ra không cần phù điêu hoành tráng thì cứ phải làm, rất bất hợp lý, tiêu thêm khoản tiền lớn rất lãng phí.

Hiện nay, nhiều công trình tượng đài nghệ thuật biểu đạt phần lớn rơi vào tính minh họa hiện thực, sự kiện lịch sử, chân dung nhân vật. Có thể vì một lý do nào đó của chủ đầu tư mà rất nhiều tượng chân dung, nhóm tượng đài, cách biểu đạt cứ phải giơ tay, chân co, chân duỗi, cơ bắp cuồn cuộn, quần xắn cao để lộ bắp chân to có vẻ là khỏe khoắn, rắn chắc,... Như vậy cũng không ảnh hưởng gì lớn đến chất lượng nghệ thuật nhưng quá nhiều so với tổng số tượng đài mà chúng ta đã xây dựng thì không cần cứ phải theo lối mòn đó. Qua đây cũng không nên đánh giá là nghệ sĩ của chúng ta yếu kém, chỉ có điều cần có nhiều phong cách mang tính khái quát cao, có sức truyền cảm mạnh mẽ, được công chúng cảm thụ một cách thuyết phục hơn. Ở các nước châu Âu, hệ thống tượng đài của họ nói chung là có bài bản, kể cả việc phân loại tượng công viên, tượng trong nhà,... và phong cách đa dạng, dễ đi vào lòng người. Mặt khác, riêng về chuyên ngành điêu khắc, do đặc thù tượng đài xây dựng xong là cố định, không thể chuyển dịch được, vì thế Bộ chủ quản cần thiết có những cuộc hội thảo khoa học và trưng bày, ảnh, mẫu tượng nhỏ để nhân dân xem và nhất là các nhà điêu khắc có những nhận xét, trao đổi nghiệp vụ. Ðiều quan trọng là cơ quan quản lý nhà nước thấy thực trạng hệ thống tượng đài của chúng ta có phong phú về phong cách hay còn đơn điệu hoặc nhiều tượng đài kiểu cách, dáng thế na ná giống nhau như nhiều người đã đánh giá.

Nhà nước cũng cần có những cơ chế chính sách hợp lý đối với nghệ sĩ tạo hình, trong đó có điêu khắc, nhằm nâng cao việc sáng tạo tác phẩm và hiến kế cho việc quy hoạch, kế hoạch, đề xuất chủ đề sáng tạo để nước ta có nhiều tác phẩm đẹp, có thẩm mỹ cao phục vụ nhân dân.

Trên cơ sở quy hoạch tổng thể của Nhà nước về xây dựng tượng đài trên toàn quốc mà các địa phương, bộ, ngành cần đề xuất kiến nghị cấp có thẩm quyền trong việc xây dựng tượng đài, cho các nội dung cụ thể để Nhà nước có kế hoạch chỉ đạo thực hiện. Ðây là khâu quan trọng vừa mang tính định hướng nhưng cũng phải sàng lọc những nội dung nào cần xây dựng tượng đài, những nội dung sự kiện nào chưa đến mức phải xây dựng. Việc làm này hết sức nhạy cảm và phức tạp, đòi hỏi cơ quan chủ quản văn hóa cần có cách thức, phương pháp thật cẩn thận để đi đến hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch hợp lý, vừa có định tính và vừa định lượng sát thực bền vững. Việc thành lập cơ cấu hội đồng nghệ thuật cũng cần định hướng lại phù hợp với tình hình thực tế. Nhìn chung hội đồng nghệ thuật của ta vừa qua hoạt động tốt, cơ bản là hoàn thành nhiệm vụ, thực hiện có hiệu quả với tư cách là chức năng tư vấn, tuy nhiên hội đồng nghệ thuật, qua thực tế vẫn có nhiều bất cập. Nếu chỉ có chuyên môn nghệ thuật tạo hình không thôi mà không có kiến thức lịch sử, xã hội nói chung thì việc góp ý cho tác phẩm khó mà chính xác theo ý tưởng đầu bài của chủ đầu tư. Vì vậy nên hình thành cơ cấu, hội đồng nghệ thuật không những có kiến thức chuyên môn giỏi mà kiến thức xã hội phải rộng, tinh thần trách nhiệm tham vấn phải khách quan trung thực. Tình trạng mâu thuẫn giữa các thành viên hội đồng nghệ thuật với người quản lý, người chuyên sâu lịch sử và nhà điêu khắc có những ý kiến trái ngược, khó thống nhất thường xảy ra. Do đó mà cơ cấu hội đồng nghệ thuật cấp có thẩm quyền ra quyết định thành lập hội đồng cần khách quan, công tâm lấy kiến thức xã hội về điêu khắc làm trọng, có như vậy chất lượng tượng đài mới đáp ứng thẩm mỹ của công chúng.

Chúng ta đang sống trong thời kỳ mới, hội nhập đa chiều, trên nhiều phương diện, trong đó có văn hóa và tất nhiên tượng đài là một yếu tố quan trọng của văn hóa, vì vậy hệ thống tượng đài của Việt Nam không những phải đẹp về tư tưởng mà phải đẹp cả về nghệ thuật, vừa hiện đại vừa mang đậm sắc thái dân tộc Việt Nam.

Theo nhandan

  • Từ khóa