Thứ 7, 27/07/2024, 00:40[GMT+7]

Tương lai của điêu khắc ứng dụng

Thứ 6, 19/10/2012 | 14:35:38
2,239 lượt xem
Ở các nước văn minh, phát triển, các công trình điêu khắc lớn được xem là báu vật của quốc gia, giúp cho người dân và du khách mường tượng ra lịch sử và văn hóa của đất nước. Song bên cạnh dòng điêu khắc hoành tráng đó, điêu khắc ứng dụng vẫn ngày càng phát triển giúp cho con người ký thác những cảm hứng sống trong đời thường gần gũi.

Tác phẩm Đàn gà của Phạm Bảo Sơn.

Điêu khắc ngoài trời mất giá

Chỉ mới phát triển tại Việt Nam hơn một thập kỷ nay, bên cạnh những giá trị cảnh quan được đánh giá cao, điêu khắc ngoài trời cũng bộc lộ những yếu kém thiếu thẩm mỹ trong quy hoạch đô thị. Tại Hội thảo khoa học Điêu khắc ngoài trời Việt Nam hiện đại do Viện Mỹ thuật tổ chức tại Hà Nội hồi tháng 5, rất nhiều ý kiến thể hiện sự băn khoăn trước những công trình điêu khắc chưa thể tạo được dấu ấn như mong muốn.

Đầu tiên, đó là sự phát triển ồ ạt về số lượng của các tượng đài trên khắp mọi miền đất nước, trong đó có rất nhiều những công trình có vốn đầu tư của Nhà nước nhưng lại rất ít trong số đó đạt chất lượng, gây tổn hại đến môi trường. Sự duy nhất trong nghệ thuật vốn được đánh giá cao lại không tồn tại trong những công trình tiền tỉ này. Chưa hết, các tượng đài đều được thiết kế theo mô-típ nhàm chán, cũ mòn, chưa tạo được dấu ấn sâu đậm về mặt mỹ quan.

Điều này bắt nguồn từ việc chưa quy hoạch tổng thể trước khi bắt tay sáng tạo công trình điêu khắc. Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi công trình không ăn khớp với cảnh quan và bị công chúng “hắt hủi”. Trước thực trạng xây dựng ồ ạt các công trình điêu khắc, kiến trúc sư Ngô Huy Giao thẳng thừng: “Không nên chi thêm tiền để làm ô nhiễm thêm cảnh quan đô thị”.

Điêu khắc ứng dụng nở rộ

Trong bối cảnh khủng hoảng và mất giá của điêu khắc ngoài trời, điêu khắc ứng dụng ở Việt Nam bắt đầu nở rộ. Một triển lãm hướng đến tính ứng dụng cao của  điêu khắc mang tên Hình thể mới  đang được tổ chức tại Hà Nội. Đến với triển lãm, công chúng được chiêm ngưỡng những tác phẩm điêu khắc có hơi thở gần gũi đời sống. 30 tác phẩm điêu khắc nhỏ và vừa của 9 tác giả trẻ được trưng bày trong triển lãm Hình thể mới đã gây thích thú cho khách thưởng lãm, mang đến một cái nhìn mới về sự hiện diện của nghệ thuật điêu khắc trong đời sống hiện đại.

Với kích thước nhỏ gọn, chiều cao dưới 50cm, các tác phẩm triển lãm trông vừa mắt và dễ bày biện ở nhiều không gian khác nhau. Mong muốn đưa điêu khắc đến với các gia đình Việt, tạo sự tiêu dùng một cách có ý nghĩa trong xã hội, triển lãm Hình thể mới đã đạt được phần nào mục đích ban đầu.

Các tác phẩm Tình yêu, Mặt người (Nguyễn Ngọc Lâm), Kết hợp (Phạm Bảo Sơn), Chân dung (Hoàng Mai Thiệp),Hạt mầm (Thái Nhật Minh), Nắm tay anh, Sáng chưa mày (Phạm Thái Bình), Số một, Hàng dọc (Khổng Đỗ Tuyền)... được công chúng thích thú bởi ý tưởng gần gũi, cách thể hiện thân thiện. Tiếp nối dòng ý tưởng điêu khắc chất liệu, một số tác phẩm của Hình thể mới đã tận dụng các chất liệu như gỗ, nhôm đúc, compozit nhằm tạo sự đa dạng trong cảm nhận hình khối.

Đời sống hiện đại cung cấp những cái nhìn tiện dụng về nghệ thuật điêu khắc. Triển lãm Hình thể mới đã nắm bắt được nhu cầu sử dụng tác phẩm điêu khắc trong đời sống đương đại. Đó là nhu cầu thưởng lãm rất con người qua các tác phẩm gần gũi, có thể được sử dụng trong nhiều mục đích và không gian khác nhau.

Xét cho cùng, nhận thức nghệ thuật không chỉ đến từ những tác phẩm hào nhoáng, ngợp mắt mà đến từ những hiện diện gần gũi trong đời sống hàng ngày. Và tác phẩm nghệ thuật tạo được ấn tượng trước hết phải gửi gắm được cảm xúc của nghệ sĩ về cuộc sống, con người. Tương lai của điêu khắc ứng dụng vẫn còn ở phía trước nhưng đã hứa hẹn nhiều mầm mống của thành công.   

Theo suckhoe&doisong

  • Từ khóa