Thứ 4, 07/08/2024, 22:17[GMT+7]

Chợ quê

Thứ 4, 31/10/2012 | 14:40:43
4,223 lượt xem
Từ bao đời nay, chợ quê vẫn là chốn quen thuộc, gắn bó mật thiết với đời sống người nông dân. Với họ, chợ không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là điểm giao lưu gặp gỡ, sinh hoạt văn hóa của cả cộng đồng.

Một góc chợ quê

Chợ quê-đúng như cái tên của nó mộc mạc, giản dị và gần gũi. Xưa kia, chợ có thể họp giữa sân đình, bãi đất rộng, đầu cầu, trên mặt đê hay bên gốc đa, cây bàng… với  dăm ba cái lều thấp lợp rạ mỏng, sang hơn thì có vài cái quán lợp ngói. Chợ thường họp vào buổi sáng, một số chợ họp vào buổi chiều hoặc từ lúc nửa đêm. Cứ dăm ngày chợ lại họp một phiên nhưng các phiên của mỗi chợ không bao giờ trùng ngày tạo điều kiện thuận tiện cho bà con đến giao lưu, buôn bán, trao đổi hàng hóa. Chợ quê có nét rất độc đáo, họp từ sớm tinh mơ nhưng đến tầm 9 giờ sáng đã vãn người, nếu vào những ngày mùa bận mải chợ còn tan sớm hơn.

Vào những tháng nông nhàn, khi đã xong mùa vụ cũng là lúc những phiên chợ quê đông nghịt người. Chợ quê bán mớ tôm, mớ tép, mớ rau, hoa trái, vật nuôi trong nhà, ngoài ra bán thêm các loại nông cụ sản xuất, hàng xén, đồ gia dụng phục vụ đời sống của người nông dân. Có những bà, những mẹ đến chợ chỉ bán dăm ba lá trầu, quả cau, mấy nải chuối, vài cái chổi… cho đỡ nhớ chợ. Ðến chợ hầu hết mọi người đều quen biết nhau nên ít có cảnh bon chen, giành giật, nói thách; khách mua đồ ăn, thức uống thường được dùng thử, ngon thì mua, không ngon lần sau ghé lại… không khí rất nồng ấm, yên bình. Người dân quê tôi dường như ai cũng thích đi chợ, không mua sắm thì đi ngắm, đi chơi, chia sẻ với nhau niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Người quê nghèo nhưng rất chân tình, thoải mái, có thể cho người mua nợ tiền đến phiên chợ sau, hễ gặp người quen có thể biếu nhau mớ rau, dúm quả mà không lấy một đồng. Rồi có những người gặp gỡ kết bạn hay nên duyên vợ chồng cũng nhờ những phiên chợ quê bình dị ấy. Ðúng như câu ca dao: Chợ quê một tháng bốn phiên/ Gặp cô hàng xén kết duyên chân trần.

Ðến giờ, tôi vẫn còn nhớ như in những ngày ấu thơ lon ton theo chân mẹ đi chợ. Chợ với tôi như một thế giới huyền diệu thu nhỏ, có đủ mọi thứ mà mình vẫn ao ước: từ những lều chuyên bán đồ hàng xén, lược, gương, kim, chỉ, bút vở… , những gian hàng treo đầy quần áo màu sắc rực rỡ đến các hàng quán bày bán các loại bánh kẹo, bỏng ngô, bún riêu cua, chè đá, kem mút... Những hôm đợi mẹ bán hàng, tôi tha thẩn chơi khắp chợ, chỗ nào cũng nhòm, cũng ngó, thích thú đứng hàng giờ xem cụ ông bán thuốc lào lơ mơ nhắm nghiền mắt bên cái điếu vì say thuốc, ngắm nhìn những cụ bà môi đỏ, răng đen nhánh nhai trầu bỏm bẻm bên những mẹt trầu xanh. Lần nào đến chợ, tôi cũng được mẹ cho ăn quà, khi thì cái bánh nếp, bánh rán thơm phức, cốc chè đá, que kem mút mát lạnh, lúc thì cái bánh bỏng giòn tan cho đến tận bây giờ vẫn có cảm giác “chưa bao giờ ngon đến thế”. Những hôm không được đi chợ, giữa buổi sáng hai chị em đã thổn thức ra ngõ ngóng mẹ để được chia quà, có khi chỉ vài trái ổi chát, khúc mía, tấm bánh đa, kẹo dồi, bắp ngô, khúc sắn luộc… nhưng vẫn thấy sung sướng đến lạ kỳ. Năm nào tôi cũng mong ngóng đi chợ  những ngày giáp Tết bởi được mua bộ quần áo mới, ăn nhiều đồ ngon. Chợ quê ngày Tết lúc nào cũng đông nghịt người, họp suốt từ sớm tinh mơ cho đến tối mịt, hàng hóa bày bán la liệt, ai cũng cố mua, bán thật nhanh, sắm cho gia đình một cái Tết đủ đầy. Khắp chợ, màu vàng của những nải chuối, trái bởi thơm, chùm quất chín quyện với sắc xanh của lá dong, màu rực rỡ của muôn loài hoa, những câu đối, bức tranh dân gian …tạo nên không khí tươi vui, đầm ấm đậm hồn dân tộc.

Theo thời gian, kinh tế ngày càng phát triển, chợ quê ở nhiều nơi nay đã khác xưa nhiều lắm: tường bao, sân bê tông, những mái nhà lợp ngói, lợp tôn được dựng lên thay cho những khu chợ nhỏ bé với những mái lá đơn sơ, cọc tre mộc mạc. Những lần về quê, tranh thủ đi chợ tôi thấy người vẫn đông, hàng hóa chẳng thiếu thứ gì phục vụ nhu cầu của khách hàng. Nhưng dường như cuộc sống hiện đại cuốn con người vào vòng tất bật, hối hả, họ không còn nhiều thời gian nán lại chợ quê cả buổi để ngắm, để nhìn, để chơi, để giao lưu, chia sẻ với nhau nữa mà vội vã mua những thứ mình cần là vội vã đi. Trong tôi bỗng có cảm giác tiếc nối, hoài niệm và mong ước có một ngày phiên chợ quê xưa sẽ quay trở lại.

Bài, ảnh: Mạnh Cường

  • Từ khóa