Thứ 4, 16/07/2025, 15:05[GMT+7]

Để nhật ký chiến trường phát huy giá trị

Thứ 6, 09/11/2012 | 14:30:39
1,802 lượt xem
Hai cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và liệt sĩ Đặng Thùy Trâm ngay khi mới ra mắt đã trở thành sách gối đầu giường của nhiều bạn trẻ. Đó là tín hiệu đáng mừng của một dòng văn học tái hiện lại cái nhìn về một thời kỳ lịch sử đáng nhớ của dân tộc. Tuy nhiên, vài năm nay, nhiều nhật ký chiến trường được xuất bản mà chưa có được những huy hoàng thuở ban đầu.

Thành công từ sự tuân thủ đặc điểm thể loại

Một điều dễ nhận thấy ở nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và liệt sĩ Đặng Thùy Trâm là những cuốn nhật ký chiến trường của họ đúng nghĩa nhật ký và được viết bởi những trí thức có học, có khát khao cống hiến cho cuộc chiến giữ nước. Tính nguyên bản của những cuốn nhật ký cho người đọc hình dung về cuộc đời chung, cuộc đời riêng của những người lính nơi chiến trường lửa đạn. Không hề lên gân hay gây chú ý bằng những chi tiết tưởng tượng, tính chân thật là điểm thu hút và giúp độc giả cảm nhận được tinh thần của tác giả.

Không cần bất cứ một câu khẩu hiệu, một triết lý sâu xa nào, những cuốn nhật ký bước ra từ chiến trường mang những nội dung rất bình dị về cuộc sống hàng ngày của những người lính. Những nét tính cách, những cái nhìn trực diện, cả những điều vụng dại hiển hiện trên từng trang viết. Qua đó, hình ảnh chân thực của cuộc chiến, của tâm lý thế hệ trẻ sống trong thời đại nhiều biến động ấy được soi chiếu qua con mắt nhìn của thế hệ sống trong hòa bình.

Điều dễ nhận thấy ở các cuốn nhật ký chiến trường của Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Thi, Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm, Phan Tứ... là nội dung của nhật ký hầu như không được chỉnh sửa. Những câu chuyện được các liệt sĩ ghi lại cũng không mang tầm vóc đồ sộ như trong tưởng tượng của các tác phẩm văn học kinh điển. Chúng đơn giản là những tâm tình, đôi khi rất riêng tư, cái nhìn của bản thân về những sự kiện trong đơn vị, trong cuộc hành quân, tình yêu, ý chí và lòng yêu nước được thể hiện qua những hành động hết sức bình thường nhưng có sức lay động lớn. Những tâm sự riêng cho bản thân đã trở thành lời hiệu triệu có sức mạnh với giới trẻ, những người ở lại.

Trào lưu thiếu điểm nhấn

Ngay sau khi những nhật ký chiến trường thu hút sự quan tâm của nhiều độc giả với số lượng phát hành kỷ lục, phong trào công bố và xuất bản nhật ký chiến trường mới thực sự phát triển rầm rộ. Hàng loạt cuốn nhật ký của những liệt sĩ đã hi sinh và những cựu chiến binh trong đời thường được xuất bản, giới thiệu. Có thể nói, những tháng ngày tuổi trẻ lăn lộn gian khổ chiến đấu ở chiến trường mãi là ký ức khôn nguôi của họ và ý định xuất bản những nhật ký ghi lại thời đáng nhớ ấy cần được trân trọng. Tuy nhiên, là một cuốn sách, lại là “nhân chứng” của một thời lịch sử hào hùng và nhất lại là nhật ký - thể loại cần đảm bảo tính chân thực và cảm xúc, không phải bất cứ bản thảo nào cũng đáp ứng được tất cả và tạo nên sức hút, chưa kể đến những bản thảo đã qua chỉnh sửa quá nhiều, làm mất đi không khí và sự chân thực tuyệt đối.

Độc giả xót xa trước câu chuyện những cựu binh già với cuộc sống gian khổ không kém thời hành quân chiến đấu để mưu sinh và dành dụm tiền xuất bản nhật ký. Nhưng còn xót xa hơn nữa khi các nhà xuất bản sau những cuốn nhật ký chiến trường thất bại về mặt phát hành đã dè dặt hơn trong việc chọn lựa bản thảo. Tương lai của những ý định xuất bản nhật ký có thể sẽ chẳng đi về đâu. Đã là một kỷ niệm đẹp thì việc lưu giữ lại là điều đáng quý. Tuy nhiên, lưu giữ và giới thiệu thế nào để tạo được ấn tượng và sức lan tỏa mới là điều cần quan tâm hơn cả.

Trên thực tế, có rất nhiều cách để những cuốn nhật ký chiến trường - kỷ vật một thời của những người lính lan tỏa giá trị đến mọi người mà không cần xuất bản hàng loạt và phải quá rầm rộ. Hoặc nếu xuất bản cũng với số lượng vừa phải để tặng bạn bè, người thân như một món quà tận đáy lòng. Những câu chuyện kể sống động rút ra từ nhật ký hay những kịch bản phim có đầu tư cũng là một lối đi có triển vọng.

Một con đường mới được mở ra mà có quá nhiều người đổ xô đi rồi cũng đến lúc mòn sáo và quen thuộc. Làm thế nào để nhật ký chiến trường phát huy được những giá trị lịch sử, thời đại là trách nhiệm chung của tác giả, những người làm xuất bản và cả cộng đồng trân trọng những chứng nhân của một thời oanh liệt.

Theo suckhoe&doisong

  • Từ khóa