Thứ 5, 08/08/2024, 04:21[GMT+7]

Âm nhạc dành cho thiếu nhi Thiếu tác phẩm vì ít người sáng tác

Thứ 2, 12/11/2012 | 09:10:32
1,936 lượt xem
Trong khi những sáng tác cho người lớn xuất hiện nhiều đến mức "khủng hoảng thừa" thì suốt một thời gian dài, mảng ca khúc dành cho trẻ em lại trong tình trạng "khủng hoảng thiếu". Quá nửa đội ngũ sáng tác trước đây giờ đã ở tuổi xế chiều, còn phần lớn các nhạc sĩ trẻ hiện nay lại chẳng mấy ai mặn mà với mảng ca khúc này.

Nói về tầm quan trọng của âm nhạc thiếu nhi, không ai có thể phủ nhận đây là loại hình nghệ thuật tác động sớm nhất đến tâm lý và tình cảm của trẻ. Những ca khúc hay không chỉ mang lại những cảm xúc trong sáng, lành mạnh nơi tâm hồn trẻ thơ mà còn giáo dục các em biết yêu gia đình, thầy cô, bè bạn, yêu quê hương, đất nước...

Tuy nhiên, so với nhu cầu được hưởng thụ âm nhạc của hơn 20 triệu trẻ em nước ta thì sự tồn tại của một số lượng ít ỏi các ca khúc thiếu nhi hiện nay là không thể đủ, nếu không nói là quá thiếu. Ðiểm mặt các nhạc sĩ chuyên sáng tác bài hát thiếu nhi, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có vài ba tác giả kỳ cựu như: Phạm Tuyên, Hoàng Lân, Hoàng Long, Phong Nhã, Hàn Ngọc Bích, Mộng Long... Ðây là thế hệ nhạc sĩ đi trước đã làm nên thời kỳ hoàng kim của âm nhạc thiếu nhi vào những năm 60-90 của thế kỷ trước. Một số sáng tác có giai điệu, ca từ đẹp, ra đời trong giai đoạn chiến tranh như Ðưa cơm cho mẹ đi cày (Hàn Ngọc Bích) dù đã có tuổi đời hơn 40 năm và không mấy phù hợp trong hoàn cảnh đất nước ta đã hòa bình, song tới nay vẫn thường xuyên được trình diễn trong các cuộc thi, hội diễn văn nghệ, bởi quá hiếm các ca khúc mới để các em lựa chọn.

Nghe câu chuyện của nhạc sĩ Phạm Tuyên càng thấy buồn cho hiện thực ảm đạm của âm nhạc thiếu nhi nước nhà: "Năm 1997, khi đại diện NXB Kim Ðồng tới gặp ngỏ ý muốn xin các bài hát thiếu nhi của tôi để in thành tuyển tập 100 bài, tôi thấy rất vui và hãnh diện. Mười năm sau đó, 2007, khi đại diện NXB Kim Ðồng một lần nữa đến tìm tôi ngỏ ý muốn xin thêm 100 bài để làm thành tuyển tập 200 bài hát thiếu nhi, tôi càng vui và xúc động hơn. Nhưng năm nay, khi đại diện của NXB này tìm gặp tôi với mong muốn được tái bản tuyển tập năm 2007 thì niềm vui trong tôi đã không còn, thay vào đó là nỗi buồn. Buồn vì ở thời điểm mà nhu cầu giải trí được nâng lên một tầm cao mới, đội ngũ nhạc sĩ trẻ đã xuất hiện ngày một đông, nhưng số người dành tâm huyết cho nhạc thiếu nhi lại quá ít ỏi, trong khi các em mới là đối tượng rất cần, rất đáng được thụ hưởng và định hướng về thẩm mỹ âm nhạc".

Công bằng nhìn nhận sẽ thấy, ở thế hệ nhạc sĩ đi sau, hầu như không có ai chuyên tâm cho nhạc thiếu nhi. Một số ca khúc mới vẫn xuất hiện nhưng phần lớn không tạo được điểm nhấn, ca từ khó hiểu, giai điệu khó hát, khó nhớ nên ít tìm được sự đồng điệu với trẻ nhỏ. Những ca khúc được đánh giá là mới, hay và phù hợp với các em như Chuồn chuồn cắn rốn (Nguyễn Ngọc Thiện) hay Em muốn làm ca sĩ (Thanh Tùng) chỉ là những trường hợp đếm trên đầu ngón tay. Thế nên, trong cùng ngày hội diễn, việc Ban giám khảo phải nghe đi, nghe lại một bài hát thiếu nhi được cả chục đơn vị khác nhau trình bày đã trở thành chuyện "quen như cơm bữa". Càng không bất ngờ khi trẻ ở lớp mẫu giáo đã thuộc bài thiếu nhi, còn lứa tuổi thiếu nhi đã say sưa với những khúc "não tình" của người lớn. Sự thiếu hụt của âm nhạc thiếu nhi trở thành một trong những nhân tố buộc các em phải "lớn ép", để rồi từ đây, những "ông cụ non", "bà cụ non" xuất hiện, làm thành trào lưu trẻ con "xài" nhạc người lớn, cũng yêu đương sướt mướt, chia ly, hận thù như ai. Càng đáng buồn hơn khi chính người lớn là tác nhân cổ súy cho hiện tượng trên. Họ tung hô các em là "thần đồng âm nhạc". Không ít người sẵn sàng mua về những đĩa nhạc với toàn bài rên xiết quằn quại kiểu như Trả nợ tình xa, Trái cấm tình yêu, Không say không về... do các "sao nhí" này thể hiện cho con em mình xem và hát theo mà không hề biết rằng, chính hành động đó đã góp phần lấy đi sự hồn nhiên, ngây thơ nơi con trẻ.

Hẳn sẽ có nhiều người bày tỏ băn khoăn: Tại sao trong chiến tranh khốc liệt, dưới mưa bom lửa đạn, những nhạc sĩ "lớp trước" vẫn "thai nghén" được những tác phẩm âm nhạc thiếu nhi đi cùng năm tháng, trong khi ở thời bình, sống trong điều kiện vật chất đầy đủ, những nhạc sĩ trẻ được đào tạo bài bản lại không thể viết nên những tác phẩm tương tự? Phải chăng vì họ thiếu một "tâm hồn" dành cho con trẻ?

Nguyên nhân dường như không chỉ có thế. Bởi trong thời buổi kinh tế thị trường, một bài hát thiếu nhi được đăng trên sách nhạc chỉ được trả nhuận bút một, hai trăm nghìn đồng, một tác phẩm được viết cho cuộc vận động sáng tác ca khúc thiếu nhi cũng chỉ được trả vài triệu đồng, trong khi đó một ca khúc được đặt hàng có mức nhuận bút lên tới cả trăm triệu đồng thì mấy ai có thể toàn tâm toàn ý cho âm nhạc thiếu nhi. Ðó là chưa kể, cơ hội để những ca khúc thiếu nhi đến được với công chúng là tương đối thấp, bởi những sân chơi âm nhạc dành cho trẻ trên đài phát thanh hay truyền hình còn quá ít ỏi, hơn nữa lại chỉ được phát sóng vào những khung thời gian không phải "giờ vàng" nên chẳng mấy thu hút khán giả. Trước sức ép kinh tế, các chương trình của nhà đài buộc phải có tài trợ, mà muốn thu hút nhà tài trợ thì phải hướng đến đối tượng tiêu thụ số đông chủ yếu là những người trẻ, người trưởng thành. Vì thế, dẫu biết là thiếu vắng song các chương trình dành cho thiếu nhi vẫn không thể mở rộng, các ca khúc thiếu nhi vốn thiếu lại càng thiếu hơn. Cho nên, một cuộc thi lớn như "Ðồ Rê Mí", Ban tổ chức vẫn phải loay hoay tìm thêm những bài nhạc ngoại để dàn dựng, một sân chơi xuất hiện nhiều tài năng nhỏ tuổi như Việt Nam’s Got Talent, người ta vẫn thấy trẻ em tìm đến các bài hát tiếng Anh của người lớn để thể hiện...

Trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai, vì thế, đầu tư phát triển âm nhạc cho trẻ xứng đáng được coi là một nội dung quan trọng trong chiến lược xây dựng; bồi dưỡng tâm hồn, trí tuệ, nhân cách cho những mầm non tương lai của đất nước. Sự đầu tư này muốn thu được hiệu quả phải cần đến sự phối hợp, kết nối giữa nhiều cơ quan, ban, ngành và sự quan tâm của cả xã hội. Thiết nghĩ, trước mắt, chúng ta cần tạo ra nhiều sân chơi âm nhạc bổ ích, lành mạnh cho thiếu nhi, từ đó tạo điều kiện tốt nhất để các sáng tác mới của các nhạc sĩ có cơ hội được biểu diễn và đến với đông đảo quần chúng. Các đơn vị chức năng cũng nên tổ chức nhiều cuộc thi sáng tác âm nhạc thiếu nhi quy mô lớn để huy động tối đa sức sáng tạo, khả năng cống hiến của đông đảo giới nhạc sĩ hiện nay. Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông, đặc biệt là các đài phát thanh, truyền hình cần phối hợp với các nhạc sĩ để xây dựng những chương trình quảng bá hấp dẫn dưới nhiều hình thức, thu hút sự quan tâm của cả những em nhỏ và đông đảo thành phần trong xã hội.

Trong lúc các ca khúc mới còn cần chính sách và thời gian để ra đời thì Hội Âm nhạc Hà Nội và Công ty TNHH Nghệ thuật An Việt đã dành nhiều nỗ lực để tập hợp các bài hát viết cho thiếu nhi từ những năm trước đây nhưng chưa có nhiều điều kiện để trẻ em biết tới. PGS, TS, nhạc sĩ Lân Cường, Chánh Văn phòng Hội Âm nhạc Hà Nội cho biết: Hội và Công ty An Việt đang gấp rút để hoàn thiện Dự án "Tổng tập Giai điệu Vàng tuổi thần tiên", tập hợp các bài hát thiếu nhi được sáng tác từ 100 năm trở lại đây. Hiện nay, Hội đã biên soạn xong tập một của tổng tập bao gồm các bài hát của các tác giả sinh từ năm 1910 đến năm 1929. Ngay sau khi thông tin của Dự án xuất hiện trên website của Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng của đông đảo nhạc sĩ. Ðến nay, nhạc sĩ Lân Cường với vai trò "liên lạc viên" của dự án đã nhận được hơn 800 ca khúc của 121 tác giả khắp cả nước gửi về, và điều đáng mừng là có tới một phần ba trong số đó là những ca khúc mới. Ông cũng cho biết thêm, việc biên soạn tổng tập này nằm trong kế hoạch thực hiện một Dự án lớn là Cuộc thi sáng tác bài hát thiếu nhi mang tên Giải thưởng Cánh én tuổi thơ do Trung ương Ðoàn, Hội Âm nhạc Hà Nội, Công ty An Việt và VTV6 phối hợp thực hiện. Ðây được xem là dấu hiệu vui, hứa hẹn cho sự khởi sắc của nền âm nhạc thiếu nhi Việt Nam trong thời gian tới.

Theo nhandan

  • Từ khóa