Thứ 4, 14/05/2025, 09:35[GMT+7]

Văn học nghệ thuật về đề tài lịch sử dân tộc

Thứ 2, 19/11/2012 | 09:15:51
1,511 lượt xem
Giáo dục lịch sử có vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Mỗi người phải hiểu biết lịch sử dân tộc để hun đúc lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, ý thức hướng về cội nguồn để từ đó có thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm trong lao động, học tập và công tác.

Có nhiều hình thức giáo dục lịch sử như qua trường lớp, qua sách báo, qua các tư liệu, các bảo tàng... trong đó, văn học nghệ thuật là một hình thức giáo dục sinh động, dễ nhớ và gây ấn tượng sâu sắc. Người đọc, người xem tìm hiểu về lịch sử không thông qua những sự kiện, những số liệu khô khan mà cảm nhận nó thông qua đặc trưng của văn học nghệ thuật, thông qua ngôn ngữ văn học, ngôn ngữ điện ảnh, câu chuyện, hình tượng nhân vật...

Hằng ngày ngồi trước màn ảnh nhỏ, chúng ta thường xuyên tiếp xúc với những bộ phim lịch sử của các nước trên thế giới. Phải thừa nhận rằng họ làm rất công phu và hấp dẫn khiến chúng ta không khỏi chạnh lòng suy nghĩ: Lịch sử nước ta  rất vẻ vang, dân tộc ta rất anh hùng tại sao lại không có nhiều bộ phim như thế? Mọi người rất mong mỏi có nhiều cuốn sách, bộ phim, vở kịch, tranh ảnh... phản ánh các thời kỳ lịch sử, khắc họa những anh hùng dân tộc, những người con ưu tú của đất nước. Tuy nhiên, số tác giả gặt hái được thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay, số tác phẩm còn lại với thời gian không nhiều. Ðáng buồn là trong bộn bề các tác phẩm văn học hiện nay, rất ít tác phẩm về đề tài lịch sử dân tộc.

Quả thật đề tài lịch sử là đề tài rất khó, khi con người và cuộc  sống đã cách xa ngày nay có khi tới hàng trăm, hàng nghìn năm. Như vậy, đòi hỏi phải có một quá trình nghiên cứu rất công phu, tìm hiểu, chắt lọc từ kho tư liệu khổng lồ của quá khứ, nếu không có sự đam mê, kiên nhẫn chắc chắn không thể làm được. Có tư liệu rồi còn phải trải qua một quá trình sáng tạo đầy khó khăn bởi luôn luôn phải tôn trọng tính chân thực của lịch sử. Công chúng không bao giờ chấp nhận, tha thứ những cái nhìn sai lệch lịch sử. Quá trình sáng tạo là quá trình khái quát và cụ thể hóa tư liệu cuộc sống, trong đó hư cấu có vai trò quan trọng. Hư cấu trong các tác phẩm  đề tài lịch sử luôn là vấn đề hóc búa thường gây ra nhiều tranh cãi. Nhưng có một điều ai cũng nhận thấy là tác phẩm muốn đạt tính nghệ thuật cao, có sức hấp dẫn không thể chỉ minh họa cuộc sống hiện tại cũng như quá khứ mà cần có bàn tay sáng tạo của văn nghệ sĩ. Chính vì những khó khăn về đề tài cộng với những khó khăn trong cuộc sống hằng ngày đã khiến cho nhiều văn nghệ sĩ ngại đi vào đề tài lịch sử.

Để có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài lịch sử dân tộc, trước hết phải tạo được một  đội ngũ văn nghệ sĩ  đi sâu vào đề tài này, trong đó đặc biệt quan tâm những nghệ sĩ tài năng. Thực tế ngày càng cho thấy chỉ có tài năng mới có thể vượt qua những khó khăn  của đề tài để từ trong quá khứ chọn lọc ra những điều cốt lõi, tinh túy, sáng tạo tác phẩm, đem lại những bài học lịch sử thuyết phục lòng người. Ở đây cần chính sách trọng dụng nhân tài, tập trung đầu tư kinh phí cũng như phương tiện nghiên cứu cho những người thật sự có kiến thức lịch sử và tài năng sáng tạo, chống lại chủ nghĩa bình quân. Các hội chuyên ngành cần mở rộng những trại sáng tác về đề tài lịch sử, song cũng phải cải tiến hoạt động của trại sáng tác. Nơi đây phải thật sự góp phần nuôi dưỡng và phát triển tài năng. Ðã từng có tình trạng "đánh trống ghi tên" vào trại sáng tác, nhập trại tùy tiện, không có sự chọn lọc, công trình nào cũng coi như nhau, kết quả chỉ thu được những tác phẩm xoàng xĩnh. Nên chăng khuyến khích các địa phương đặt hàng cho văn nghệ sĩ sáng tác về các sự kiện lịch sử, các nhân vật lịch sử của địa phương mình. Làm được điều này, vừa có kinh phí để sáng tác, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho văn nghệ sĩ thâm nhập vào mảnh đất lịch sử cụ thể. Cùng với sáng tác phải thường xuyên đẩy mạnh công tác lý luận phê bình vì ở lĩnh vực này,  rất cần đến những ý kiến nghiên cứu, đánh giá để bảo đảm tính chân thực lịch sử, đồng thời lý luận, phê bình cũng góp phần thúc đẩy sáng tác.

Theo nhandan


  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày