Di sản thế giới ở Việt Nam, nỗi lo gìn giữ
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương hội tụ văn hóa tâm linh vừa được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể
18 viên ngọc quý quốc bảo
Kể từ gần 20 năm trước, năm 1993, khi quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, thì cũng là lúc Việt Nam “giật mình” khi thấy mình đang sở hữu cả kho tàng báu vật thời gian đầy tiềm năng, những kho báu “của để dành” do tổ tiên ông cha tạo dựng và để lại cho các thế hệ muôn đời sau con cháu nước Việt. Rồi lần lượt, nhiều di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận, vượt ra khỏi lãnh thổ trở thành báu vật thời gian của nhân loại. Di sản thế giới ở Việt Nam không chỉ là báu vật để chiêm ngưỡng, thưởng thức, mà còn là một nguồn “tài nguyên” tiềm năng để khai thác cho lợi ích cộng đồng, cho nền kinh tế và sự phát triển văn hóa, giáo dục trong hiện tại, tương lai...
Vịnh Hạ Long, vương quốc huyền thoại của thượng giới hóa đá, năm 1994 được công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới lần thứ nhất, năm 2000, lại được công nhận là Di sản Địa chất thế giới. Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, một mê cung thần bí của hang động lộng lẫy, năm 2003, được công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới. Cao nguyên đá Đồng Văn - Hà Giang, một thế giới bí ẩn của đá với những lớp đá trùng trùng điệp điệp, năm 2010 được trở thành thành viên của Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu (GGN).
Những kinh thành, phế đô phủ rêu thời gian của các triều đại từ hàng ngàn năm, những đền đài thâm nghiêm bí ẩn tồn tại hàng chục thế kỷ nay, tất cả như những chứng nhân vô giá về tài trí, sức lực kết hợp, như những thông điệp về nền độc lập chủ quyền của quốc gia. Quần thể di tích Cố đô Huế, được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới năm 1993. Phố cổ Hội An, phố của những câu chuyện kỳ lạ và hấp dẫn của những thương thuyền vượt đại dương, những thương nhân người Âu - Á... năm 1999 được công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Thánh địa Mỹ Sơn, nơi lưu giữ nhiều bí ẩn cả về kiến trúc và những linh nghiệm thần thánh đầy thần bí của Vương quốc Cham Pa cổ xưa được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới năm 1999. Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, nổi bật với chiều dài lịch sử văn hóa suốt 13 thế kỷ, tính liên tục của di sản với tư cách là một trung tâm quyền lực và các tầng di tích di vật đa dạng, năm 2010, được công nhận Di sản Văn hóa thế giới. Thành nhà Hồ - tồn tại hơn 7 thế kỷ, là công trình kiến trúc đồ sộ được xây dựng bằng đá độc nhất ở Việt Nam, năm 2011 được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Ngoài ra, ông cha còn để lại những “siêu tác phẩm” về kiến thức, tri thức nhân loại. Mộc bản triều Nguyễn, năm 2009, 82 Bia Tiến sĩ Văn Miếu - Thăng Long - Hà Nội, năm 2010 và Mộc bản kinh chùa Vĩnh Nghiêm - Bắc Giang, năm 2012 được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới.
Hiện tại, Việt Nam tự hào với “Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại” Nhã nhạc Cung đình Huế, năm 2003; Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, năm 2005; “Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể đại diện của nhân loại” Dân ca quan họ Bắc Giang và Bắc Ninh, năm 2009; “Kiệt tác truyền khẩu phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp” Ca Trù, năm 2009; Hát Xoan - Phú Thọ, năm 2011; “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ” Hội Gióng - Phù Đổng và Đền Sóc, năm 2010; Và mới nhất, ngày 6/12/2012, tại Paris, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Phú Thọ” của Việt Nam trở thành “Di sản văn hóa phi vật thể có tính tiêu biểu của nhân loại”.
Ngọc không thể sáng nếu không giữ ngọc
UNESCO có đưa ra những tiêu chí để dựa vào đó mà lập hồ sơ và công nhận một di sản thế giới. Những di sản thế giới ở Việt Nam nói chung đều đạt một trong những tiêu chuẩn đề ra, và vì thế mà ta mới có được những viên ngọc quốc bảo vô giá trở thành tài sản của nhân loại trong thời gian qua. Nhưng sau khi được công nhận, được gắn “thương hiệu” thuộc đẳng cấp cao, khi có được những lợi nhuận “tự nhiên mà có”, thì cũng là lúc thể hiện rõ sự “ăn xổi” di sản, khai thác di sản thiếu khoa học, kéo theo sự xuống cấp của di sản và làm sai lạc cả tiêu chuẩn khi di sản được công nhận.
Theo sự khảo sát của các chuyên gia UNESCO, hiện tại trong số di sản thế giới ở Việt Nam (trừ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Phú Thọ mới được công nhận), thì chỉ có 2 di sản là bước đầu khẳng định giá trị, có sự khai thác và bảo tồn tương đối quy củ và bài bản là Nhã nhạc cung đình Huế, Phố cổ Hội An. Các di sản còn lại, không ít thì nhiều đã vi phạm vào những tiêu chí “hậu công nhận di sản”. Chúng ta từng lo sợ bị “rút phép” khi Vịnh Hạ Long sau khi được công nhận chưa lâu đã bị UNESCO cảnh báo về tình trạng khai thác than gây ô nhiễm mặt biển, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường Hạ Long. Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng ngày 16/10/2010 được Thủ tướng Chính phủ cho phép trình hồ sơ gửi UNESCO công nhận Di sản Thiên nhiên thế giới lần 2 về tiêu chí đa dạng sinh học, nhưng một ngày sau đó, Ngân hàng phát triển Đức đã gửi thư đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình hoàn trả nửa số tiền đã chi cho Dự án bảo tồn, quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên nơi đây vì đã không có những phản ứng với việc đốt, phát quang rừng tự nhiên ở vùng đệm gây tổn thất ngay trong lòng di sản. Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long vừa được vinh danh cuối năm 2010 thì đầu năm 2011 đã được phát hiện là bị lún, nứt, có nguy cơ không còn nguyên vẹn do ảnh hưởng từ việc xây dựng Nhà Quốc hội... Một số hạng mục của quần thể Cố đô Huế bị xuống cấp hoặc không giữ được yếu tố gốc sau khi trùng tu, Đàn Nam Giao của Thành nhà Hồ được phục dựng thiếu căn cứ khoa học...
Dân ca Quan họ Bắc Ninh là di sản phổ biến, phổ thông nhất trong 7 di sản văn hóa phi vật thể thế giới ở Việt Nam, sắp bước sang năm thứ tư được vinh danh, vẫn phát triển tự phát, bị biến tấu thành một phong trào theo kiểu đông vui. Các cuộc liên hoan ca trù được tổ chức hằng năm theo quy mô toàn quốc nhưng ngày càng tẻ nhạt, lạnh lẽo. Hát Xoan có lễ hội đền Hùng nên mỗi năm có dịp “sống” và phô diễn, song Xoan cũng bị dư luận bất bình vì sự phát triển đại trà, sân khấu hóa, Xoan “tân thời”... Cồng Chiêng Tây Nguyên thì chiêng, cồng cứ ngày một bị vơi đi bởi những tay buôn bán đồ cổ và bị sân khấu hóa làm mất đi không gian riêng biệt của nó. Cho tới giờ, Hội Gióng Phù Đổng - Đền Sóc, vẫn còn những mâu thuẫn lễ hội trong cộng đồng hay chỉ trong phạm vi địa phương. Còn các di sản tư liệu thế giới “buồn thảm” hơn, ngoại trừ 82 Bia Tiến sĩ Văn Miếu - Thăng Long - Hà Nội luôn được khách tham quan chiêm ngưỡng thì những di sản kia vẫn cất trong kho, với sự bảo quản không mấy đảm bảo chất lượng về việc lưu trữ tư liệu bằng gỗ và chưa thấy một động tác nào công bố triển lãm để cho mọi người chiêm ngưỡng.
Đoan Môn - một phần của Hoàng thành Thăng Long còn lại đến ngày nay
Làm sao giữ ngọc sáng đẹp vĩnh cửu?
Đã có những lời cảnh báo không chỉ một lần của UNESCO với các di sản thế giới ở Việt Nam. Nếu sau một thời gian nhất định, những tiêu chí giúp công nhận không được giữ đúng và chương trình hành động không còn đi theo hướng đã cam kết ban đầu, UNESCO có thể đưa ra quyết dịnh tước đi danh hiệu (có thời hạn hay vĩnh viễn).
Mỗi loại di sản có các phương thức bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị khác nhau. Với các di sản thiên nhiên, không chỉ có chiến lược bảo tồn cảnh quan, môi trường, hay giữ gìn ở cấp Nhà nước, địa phương trong các dự án khoa học, mà còn phải có cả sự chung tay của chính người dân địa phương có di sản. Với các di sản văn hóa phi vật thể như Quan họ, Ca trù, Hát Xoan, Cồng Chiêng Tây Nguyên, Nhã nhạc Cung đình Huế... thiết nghĩ phải có sự sưu tầm, lưu trữ khoa học bằng công nghệ nghe - nhìn cao các làn điệu, ca từ, động tác của những nghệ nhân, những “báu vật nhân văn sống”, vì họ là những nhân chứng sống cuối cùng của di sản, là cây cầu nối giữa xưa và nay để nối tiếp di sản không bị mai một, đứt khúc, gãy lìa, thất truyền... Những người theo học, những người có trách nhiệm duy trì và phát triển di sản cũng phải có điều kiện môi trường tốt để tồn tại và nuôi dưỡng niềm đam mê, chứ không thể xem di sản như một thứ giải trí theo ý thích, hay “nghề tay trái” để mưu sinh.
Những di sản thế giới ở Việt Nam là những viên ngọc quốc bảo và không chỉ thế nó còn là minh chứng chủ quyền, độc lập, là văn hóa, văn hiến, hồn cốt của dân tộc Việt Nam. Nếu như ta không có một chiến lược khoa học và thật sự chuyên nghiệp để làm công tác bảo tồn di sản, thì những viên ngọc này không thể cứ tự nhiên mà sáng mãi được, theo thời gian và sự ứng xử không theo khuôn phép của con người, nó sẽ bị mờ và thậm chí bị “vỡ” nếu không có sự giữ gìn kết hợp khai thác hợp lý.
Một năm mới lại sắp bắt đầu cùng với sự thăng hoa của các di sản thế giới ở Việt Nam. Đặc biệt là với các di sản văn hóa phi vật thể, mùa xuân là mùa của lễ hội và cũng là mùa để những làn điệu dân ca Quan họ, Hát Xoan, Ca trù, Nhã nhạc Cung đình Huế, Cồng Chiêng Tây Nguyên phô diễn hết vẻ đẹp của giai điệu, sự uyển chuyển của vũ đạo và đi vào hồn người.
Theo suckhoe&doisong
Tin cùng chuyên mục
- Làng quê thu nhỏ qua từng góc tiểu cảnh 25.03.2025 | 15:07 PM
- Đưa múa rối nước đến gần hơn với thế hệ trẻ 16.03.2025 | 09:59 AM
- Mâm cúng Thần Tài 2025 gồm những gì? 07.02.2025 | 08:43 AM
- Đưa học sinh trở về với tết cổ truyền 26.01.2025 | 09:39 AM
- Táo quân 2025 sẽ đến trong đêm Giao thừa năm nay! 26.12.2024 | 10:56 AM
- Đêm Gala “Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn”: Đoàn kết là sức mạnh 21.12.2024 | 09:16 AM
- Vũ Thư tổ chức đêm hội hoa đăng tưởng niệm 1.008 năm ngày Thánh đản (1016 - 2024) 17.10.2024 | 10:47 AM
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 09.10.2024 | 21:15 PM
- Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI tại tỉnh Ninh Thuận, năm 2024 16.09.2024 | 21:16 PM
- Thiếu Văn Sơn - Chân dung một người cầm bút 03.06.2024 | 17:14 PM
Xem tin theo ngày
-
Khai mạc tuần du lịch tỉnh Thái Bình và khai trương phố đi bộ Đinh Tiên Hoàng
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Kiểm tra công tác chuẩn bị khai mạc Tuần du lịch tỉnh Thái Bình và khai trương phố đi bộ thành phố Thái Bình
- Thái Bình lựa chọn được nhà thầu xây dựng cao tốc Nam Định - Thái Bình với vốn đầu tư 19.784 tỷ đồng
- Diễn văn của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước
- Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đại biểu đến dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
- Tri ân sâu sắc các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình có công trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc
- Tỉnh Trà Vinh đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh, kỷ niệm 65 năm kết nghĩa Trà Vinh - Thái Bình
- Đoàn công tác tỉnh Thái Bình thăm Trường THCS Thái Bình tại huyện Càng Long
- Lãnh đạo 2 tỉnh Trà Vinh - Thái Bình dâng hương, dâng hoa tưởng niệm tại Đền thờ Bác Hồ, Nghĩa trang liệt sĩ và Bia chiến thắng tỉnh Trà Vinh
- Họp mặt giao lưu Trà Vinh - Thái Bình “Thủy chung son sắt - thắm đượm nghĩa tình”