Chủ nhật, 28/07/2024, 07:17[GMT+7]

Ðến với các di tích, di sản văn hóa

Thứ 5, 03/01/2013 | 15:00:25
1,454 lượt xem
Ngày nay, du lịch phát triển, nhu cầu của du khách không chỉ dừng lại ở chỗ thưởng ngoạn cảnh đẹp thiên nhiên mà còn muốn được tìm hiểu lịch sử, văn hóa truyền thống, cuộc sống con người của một địa phương, quốc gia mà họ đặt chân tới.

Múa rồi nước

Du lịch di sản trở nên đặc biệt so với các loại hình du lịch khác ở chỗ nó đem lại cho du khách hiểu biết những giá trị quý giá của văn hóa, điều đó khiến cho du lịch ngày càng gắn liền với văn hóa. Nước ta có truyền thống văn hóa rất lâu đời, suốt chiều dài đất nước, nơi nào cũng có di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 14 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Với sự phong phú, đa dạng như vậy, cho nên, cùng với việc bảo tồn, việc đưa các di sản văn hóa vào khai thác và phát triển về du lịch là điều cấp thiết.

Gần đây ngành du lịch đã quan tâm khai thác các di sản văn hóa với những chương trình du lịch di sản, tuy nhiên kết quả chưa tương xứng với tiềm năng. Các chuyến du lịch đến các di tích dường như chỉ dựa vào những cái đã có sẵn, đưa du khách đến tham quan di tích, giới thiệu lướt qua khiến cho du khách không rung động mà còn có cảm giác các nơi na ná giống nhau, không hấp dẫn và không gây được ấn tượng mạnh. Bên cạnh đó, đường giao thông dẫn đến các di tích chưa được đầu tư thỏa đáng, công tác dịch vụ, nơi ăn  chốn ở, ngay cả chuyện nhỏ là nhà vệ sinh quá kém, du khách muốn nghỉ qua đêm cũng rất bất tiện. Di tích phải gắn với lễ hội để du khách vừa hiểu di tích vừa được sống trong không khí hội hè. Thế nhưng, công tác tổ chức, quản lý lại bất cập khiến cho lễ hội trở nên xô bồ, nhếch nhác, phần tiêu cực che lấp những giá trị văn hóa của lễ hội truyền thống, gây phản cảm cho du khách. Du lịch đến di sản văn hóa phi vật thể cũng rơi vào trường hợp tương tự. Chúng ta chưa biết khai thác để trở thành sản phẩm văn hóa - du lịch mà vẫn sử dụng những thứ có sẵn. Một đoàn khách nước ngoài nếu được dẫn đến xem cả một đêm tuồng trong khi tích trò không biết, đặc trưng nghệ thuật không hay, ngôn ngữ lại bất đồng thì làm sao cảm nhận được giá trị nghệ thuật tuồng nếu không muốn nói là "nhạt". Ở Hà Nội, chỉ mới có Nhà hát chèo, Nhà hát múa rối Hà Nội bước đầu làm du lịch. Mới đây, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm đã có sáng kiến tổ chức giới thiệu múa rối nước "tại gia", với sân khấu múa rối nước thu nhỏ của mình. Sự say mê sáng tạo của anh rất đáng hoan nghênh, nhưng nhiều người đặt câu hỏi: ngành du lịch ở đâu mà không phối hợp với nghệ sĩ đầu tư cho bộ môn nghệ thuật độc đáo của dân tộc để đến nỗi du khách nước ngoài phải len lỏi đi vào ngõ nhỏ, rồi leo lên gác xem múa rối nước trong một căn phòng chật chội. Các di sản như ca trù, quan họ, hát xoan... rất ít khi tiếp cận với du khách.

Ðể di sản, di tích trở thành sản phẩm của du lịch, trước hết phải đầu tư cho nội dung và hình thức hướng dẫn du khách. Chỉ có nội dung phong phú gắn liền với cuộc sống con người bản địa qua các thời đại với cách thể hiện sinh động, có sức truyền cảm mới làm cho du khách cảm nhận được cái hay, cái độc đáo của di sản, di tích. Ở đây, vai trò hướng dẫn viên du lịch rất quan trọng, phải là người am hiểu văn hóa, biết tiếng nước ngoài, có nghệ thuật trình bày tạo được sức lôi cuốn đông người. Công nghệ nghe nhìn cũng có khả năng gây ấn tượng khi giới thiệu. Các di sản văn hóa phi vật thể cũng cần được đầu tư thường xuyên và có trọng tâm hơn. Ðặc biệt, phải khai thác thật tốt kho tàng nghệ thuật hết sức quý giá của cha ông, đầu tư cho công tác giới thiệu nội dung, sáng tạo các hình thức trình bày, để du khách có thể hiểu và cảm nhận những giá trị của nghệ thuật dân tộc. Việc giới thiệu cần có sự chọn lọc và đầu tư công phu để có những chương trình nghệ thuật đáng nhớ cho du khách. Nhiều nước trên thế giới rất quan tâm đến điều này như: đến La-ha-ba-na (Cu-ba) du khách không thể không xem chương trình biểu diễn của đội múa truyền thống mà rất hiện đại, đến Hàn Quốc phải xem chương trình biểu diễn rất độc đáo mà các nhạc cụ là bát đĩa và các dụng cụ làm bếp, đến Áo không thể không xem chương trình nhạc Mô-da...

Theo nhandan

  • Từ khóa