Thứ 6, 26/07/2024, 16:32[GMT+7]

Tiêu chí thiết kế lễ phục Việt Nam: Lịch sự, sang trọng và đậm bản sắc Việt

Thứ 6, 11/01/2013 | 10:01:53
3,170 lượt xem
Ý kiến của các đại biểu tại hội thảo Lễ phục Việt Nam và tiêu chí lựa chọn do Cục Mỹ thuật và Triển lãm - Bộ VH, TT và DL được tổ chức vừa qua đều thống nhất: chọn lựa quốc phục và lễ phục là một việc lớn, thể hiện sự trân trọng, mang tính biểu tượng của quốc gia, vì vậy phải bảo đảm thống nhất, lịch sự, sang trọng, nghiêm túc nhưng người sử dụng phải thấy thoải mái, công chúng thấy gần gũi.

Nguyên thủ các nước trong lễ phục áo dài Việt Nam tại Hội nghị APEC 2006

Yêu cầu cấp thiết

Việc cần có lễ phục để dùng trong các ngày lễ trọng của đất nước và trong nghi thức ngoại giao là rất cần thiết. Nó thể hiện bản sắc của một nước và còn là nhu cầu để bảo tồn nền văn hóa dân tộc Việt. Nhà văn Hoàng Quốc Hải kể, khoảng năm 1980, Nhật Bản làm lễ khánh thọ cho Nhật Hoàng, mời nguyên thủ nước ta sang dự. Trong giấy mời ghi rõ: Xin quý vị mặc quốc phục của quý quốc. Nếu quý vị bận lễ phục châu Âu cũng xin thông báo trước. Bởi khách mời vận quốc phục nước mình sẽ được trân trọng mời ngồi tại một khu vực danh dự, còn khách mặc mượn cũng được trân trọng, nhưng được mời ngồi riêng một khu vực khác. Việc đó làm giới ngoại giao ta đau đầu. Cuối cùng, các thợ may lành nghề đã phải may cấp tập trong 7 ngày để có một lễ phục kiểu châu Âu để Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ kịp lên đường đi Nhật.

Từ góc độ của người làm công tác đối ngoại, Phó vụ trưởng Vụ Đối ngoại, Văn phòng Chủ tịch Nước Nguyễn Huy Hiệp cho biết, trong thời đại toàn cầu hóa, lễ phục của các quốc gia đã và đang góp phần thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống của quốc gia đó. Trong các ngày lễ lớn và trong một số nghi thức ngoại giao Nhà nước, lễ phục ngày càng khẳng định dấu ấn đặc trưng của văn hóa dân tộc. Vì vậy, chúng ta phải có lễ phục thống nhất, càng sớm càng tốt, để sử dụng trong các nghi thức cấp Nhà nước, hoạt động ngoại giao, hoạt động văn hóa và lễ hội truyền thống.

Đẹp, sang trọng, đậm bản sắc Việt

Theo Gs Vũ Khiêu, lễ phục cũng được phân chia sử dụng ở những hoàn cảnh, phạm vi tổ chức khác nhau: trong gia đình, ngoài xã hội và trong giao tiếp quốc tế. Vì vậy, không nên đặt vấn đề lễ phục chung cho xã hội mà khu biệt vào các trường hợp khác nhau. Lễ phục nam giới thì phải tạo được dáng mạnh mẽ, khỏe khoắn. Lễ phục nữ giới thì dịu dàng nhưng sắc sảo và tôn được vẻ đẹp phụ nữä Việt Nam; không nên trang trí nặng nề, diêm dúa.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải nêu quan điểm: với lễ phục nam, chỉ cần khai thác hai mẫu lễ phục dùng cho Lễ hội Đền Hùng và các bộ may tặng nguyên thủ quốc gia các nước trong Hội nghị APEC năm 2006 để chọn ra những điểm ưu việt nhất. “Lễ phục xuất phát từ kiểu dáng truyền thống của quốc phục, chỉ khác là dùng các chất liệu sang, quý, được cải tiến và may cắt kỹ hơn bởi các thợ lành nghề. Mấy chục năm qua có sự tranh cãi chỉ xoay quanh trang phục nam, còn trang phục nữ với kiểu áo dài được cải tiến từ ông Cát Tường khoảng năm 1933 đến nay coi như đã đạt tới trình độ thẩm mỹ cao, không còn gì phải bàn cãi. Trong nghi thức ngoại giao, các vị lãnh đạo Nhà nước khi vận lễ phục thì nơi cổ áo có thể thêu hình con chim Lạc, hoặc thêu hình trống đồng trước ngực”.

Từng có nhiều năm nghiên cứu về trang phục truyền thống, Ts Đoàn Thị Tình cho rằng, chiếc áo dài truyền thống được cả nước công nhận là tấm áo dài đặc trưng của dân tộc, được bạn bè trên thế giới coi như một biểu tượng của phụ nữ Việt Nam. Bản thân nó đã là lễ phục, quốc phục. Nay chỉ cần nâng lên, chế định một vài chi tiết để thành lễ phục cho cấp lãnh đạo Nhà nước sử dụng trong giao tiếp quốc tế. “Về chất liệu, nên dùng lụa hàng vân, có giá trị thẩm mỹ cao, sang trọng, hợp với phom dáng áo dài. Màu sắc nên dùng hai màu đen và đỏ nhưng là màu đỏ tía, tượng trưng cho phương Nam nhiệt đới. Về họa tiết, cần nghiên cứu những biểu tượng điển hình của văn hóa dân tộc để đưa ra mẫu đồ họa phù hợp với phom dáng áo dài cũng như nhân trắc của phụ nữ Việt Nam thời hiện đại” - Ts Đoàn Thị Tình đề xuất.

Với suy nghĩ quốc phục cho nam giới nên hướng về bộ comple để nghiên cứu và thiết kế, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Trần Khánh Chương nhìn nhận: quốc phục cho nam giới phải có những đặc điểm riêng về hình dáng và độ dài, rộng của cổ áo, số lượng cúc cài áo, mẫu cúc, kích thước cúc; chất liệu may quốc phục phải là vải quý. Ngoài ra, những quy định về mẫu, màu sắc của giày, tất, cà vạt, kẹp cà vạt cũng phải thiết kế sao cho phù hợp, ăn nhập với nhau. Tuy nhiên, cần phải quy định rõ những kiểu cách này chỉ được sử dụng cho từ cấp nào trở lên, sử dụng vào những dịp nào và người dân không được tự ý may mặc theo mẫu thiết kế này.

Theo daibieunhandan

  • Từ khóa