Thứ 4, 24/07/2024, 02:18[GMT+7]

“Hương đêm” giữa lòng thành phố

Thứ 2, 27/09/2021 | 09:05:19
5,328 lượt xem
Khi thành phố Thái Bình vẫn chìm sâu trong giấc ngủ thì đoạn phố ngắn cạnh chợ Bồ Xuyên giao cắt giữa đường Lê Quý Đôn và đường Đặng Nghiễm lại lấp lánh ánh đèn, tấp nập cảnh bán mua. Không chỉ là nơi mưu sinh thường nhật, qua hơn 30 năm, chợ đêm Bồ Xuyên như sợi dây nối nhịp sống sôi động giữa đêm và ngày đã thành điểm hẹn, nét văn hóa riêng giữa lòng thành phố.

22 giờ, cả đoạn phố đã rực ánh đèn, những xe hoa vườn hối hả theo các bà, các chị từ các làng hoa nổi tiếng như Tân Lập, Bách Thuận, Đông Hòa, Minh Tân... xuôi về để kịp buổi chợ. Mẫu đơn, đồng tiền, hồng, huệ, cúc, lưu ly... được những bàn tay tần tảo bày trên vỉa hè, mộc mạc tinh khôi khoe sắc, theo gió heo may đưa hương dài con phố như lời gọi thu về. Giữa rộn ràng tiếng bán mua, những hàng hoa tươi mới, rực sắc thơm hương trở thành điểm nhấn của chợ đêm. Chợ hoa Bồ Xuyên là chợ hoa đêm duy nhất tại thành phố Thái Bình. Do hàng hóa phong phú nên chợ luôn tấp nập người, ngoài ngày rằm, mùng 1, những dịp lễ đặc biệt khác như 14/2, 8/3, 20/11 hay tết Nguyên đán, đây sẽ là nơi tốt nhất để tìm thấy những bông hoa đẹp mà giá cả lại hợp lý. Ngay cả ngày thường, người đến mua hoa, xem hoa cũng đông đúc, khách hàng của chợ không chỉ có những người mua buôn, người bán rong mà còn có nhiều bạn trẻ, người đi tập thể dục buổi sớm qua chợ ngắm hoa và đón ánh bình minh ngày mới.

Qua hàng hoa Tuyền Phượng, chị Nguyễn Thị Hường đang cắm những đĩa hoa lễ để kịp giao hàng sáng. Vừa tỉ mỉ chọn hoa, cắt tỉa, chị Hường chia sẻ: Chợ hoa đêm có từ lâu rồi, trước tôi cũng hay đi chợ mua hoa về chơi, rồi bén duyên, mở cửa hàng từ năm 1998, phục vụ hoa tươi cho người chơi thường nhật và hoa lễ. Ngoài các loại hoa của những làng vườn nổi tiếng trong tỉnh, cửa hàng còn nhập thêm hoa cao cấp từ tỉnh ngoài để phục vụ người tiêu dùng. Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, xe vận tải tỉnh ngoài khó lưu thông nên sản phẩm của các làng vườn trong tỉnh nhiều thời điểm cháy hàng; tuy nhiên ở đây mua bán đã thành quen, lấy công làm lãi nên không có tình trạng ép giá hay hét giá. Còn với cô Đặng Thị Vui, xã Bách Thuận (Vũ Thư) cũng hơn 15 năm theo chợ, sản phẩm chủ lực vẫn là hoa vườn, tuy không hào nhoáng, cầu kỳ và giá không cao như hoa nhập ngoại tỉnh nhưng hoa vườn bình dân, dễ làm, dễ bán, không kén khách mua. Thỉnh thoảng vườn nhà cô cũng góp thêm buồng chuối, mớ rau cho tăng thu nhập. Chị em ở chợ đêm tuy mỗi người một quê nhưng mua bán lâu năm thành bó bện, đoàn kết. Thương nhất những ngày mưa đông giá rét, chị em ngồi quây quần chia sẻ chuyện gia đình, truyền hơi ấm cho nhau, nhẫn nại nhìn đêm chỉ mong mau hết hàng để được về sớm, hôm nào không thấy đi chợ lại nhớ nhau. Lúc buổi chợ hàng dọn đầy vỉa hè nhưng khi hết hàng, tan chợ chị em đều nhắc nhở nhau dọn dẹp gọn gàng để trả lại phố phường sạch sẽ. Có hàng hoa nho nhỏ, tần tảo bao năm chắt chiu mà vun vén được cho gia đình, nuôi dạy con cái trưởng thành, giờ nghỉ một ngày cũng nhớ chợ lắm.

Người dân đi chọn rau buổi sớm.

Ngược lên phía gần ngã tư chùa Bồ Xuyên là khu mua bán hàng nông sản, rau, củ, quả. Ngoài mặt hàng chủ lực là rau xanh, rau gia vị được các tiểu thương từ các địa phương trong tỉnh đưa đến chợ, nhiều xe hàng chở các loại nông sản như bí đỏ, khoai sọ Tây Bắc, khoai tây, bắp cải Đà Lạt... cũng đến giao thương nhưng hàng hóa có phần ít hơn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Ông Lại Văn Hùng, chủ cửa hàng kinh doanh nông sản tại đây cho biết: Tôi mở hàng từ khi có chợ đến bây giờ, gia đình làm đại lý kinh doanh, phân phối trái cây và các loại củ, quả nhập từ tỉnh ngoài. Lượng tiêu thụ và giá cả đợt này thấp hơn mọi năm do dịch bệnh nhưng tiểu thương vẫn động viên nhau vượt khó và chấp hành nghiêm quy định an toàn phòng, chống dịch của Ban Quản lý chợ. Đặc biệt, những xe chở hàng nông sản từ tỉnh ngoài vào, chúng tôi đều khuyến cáo phải trang bị đầy đủ đồ bảo hộ và giấy tờ phòng dịch hợp pháp mới được giao dịch trong chợ.

Để lại tuổi thanh xuân tại mặt trận biên giới Hà Giang, ông Phạm Đình Dương giải ngũ về địa phương, tham gia công tác tại Ban Quản lý chợ Bồ Xuyên và gắn bó với chợ đêm từ những ngày đầu. Những năm 1990, từ vài ba gánh rau của những người phụ nữ tảo tần vùng ven thị xã xưa tranh thủ đem bán buổi chợ sớm, chẳng biết từ lúc nào nơi đây đã thành điểm hẹn. Cũng vài lần chính quyền định dẹp chợ đi để đường thông hè thoáng song do nhu cầu của người dân cùng nỗ lực giữ trật tự an toàn giao thông của Ban Quản lý chợ nên chợ duy trì đến ngày nay. Hơn 30 năm gắn bó với chợ đêm, ông Dương đã chứng kiến bao thăng trầm của chợ, sau mỗi sạp hàng, xe đẩy là bao lo toan, vun vén mưu sinh, thời gian cứ lặng lẽ trôi theo những mùa hoa, qua những đêm hè oi nồng, những ngày đông rét mướt, “buôn có bạn, bán có phường”, người chợ cũng hình thành nên một nét văn hóa riêng, bó bện, thương nhau giữa mỗi phận người.

Tiếng gà cầm canh chen ngang câu chuyện của người lính già đầu bạc, chợ cũng đã vãn người, 4 giờ sáng tiếng còi hiệu của Ban Quản lý chợ vang lên như lời hẹn cho buổi chợ mới, chị lao công cùng chiếc chổi tre lại cần mẫn trả lại những đoạn đường sạch sẽ cho thành phố đón bình minh. Và cũng chính từ đây trên những ngả đường, con phố, bao đóa hoa tươi cùng các loại rau, quả theo các gánh hàng tỏa đi muôn ngả, nối dài thêm nhịp sống hối hả trong lòng thành phố, để bao gia đình thêm ấm bếp, nhà thơm.

Trịnh Cường - Tiến Đạt