Thứ 6, 07/02/2025, 05:13[GMT+7]

Chất liệu dân gian trong sáng tác âm nhạc hiện đại

Thứ 4, 23/01/2013 | 15:31:11
3,271 lượt xem
Sử dụng chất liệu dân gian trong sáng tác là điều mà nhiều nhạc sỹ khát vọng vươn tới. Tuy nhiên, để làm được điều đó người nhạc sỹ phải mang trong mình tâm hồn Việt và phải có nền tảng, kiến thức cơ bản về âm nhạc dân tộc thuần chất

Thực tế, sử dụng dòng dân gian trong sáng tác âm nhạc là điều không mới mẻ. Có thể kể đến Đỗ Nhuận, Xuân Khoát, Phan Huỳnh Điểu, Phó Đức Phương, Nguyễn Cường… là những nhạc sỹ thành công trong lĩnh vực này. Hiện nay, nhiều nhạc sỹ trẻ cũng đã có những thành công nhất định khi sử dụng chất liệu dân gian như Giáng Son, Lê Minh Sơn, Quốc Trung, Lưu Hà An… Tuy nhiên, bên cạnh những tác phẩm hay và có chất lượng, không ít tác giả lạm dụng thái quá chất liệu dân tộc và kết hợp máy móc làm méo mó sự tinh túy của chất liệu này.

Nhạc sỹ An Thuyên cho rằng, để có thể sử dụng chất liệu dân gian thành công trong sáng tác thì trong mỗi con người nhạc sỹ phải thấm đẫm chất văn hóa dân gian. Bản thân ông đã may mắn khi sinh ra và lớn lên từ cái nôi dân ca khu IV, cùng với kho tàng văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh. Gia đình cũng là nơi vun đắp cho tâm hồn ông qua những điệu chèo, câu hát dân ca của bà, của mẹ. Và khi 8, 9 tuổi ông đã theo gánh hát của gia đình… Tất cả đã tạo cho ông một môi trường thấm đẫm chất văn hóa dân gian. Bởi vậy, những sáng tác đầu tay như Em chọn lối nào, Đêm đò đưa nhớ Bác… được ông viết khi còn rất trẻ, chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ.  Viết như có ai đứng sau lưng đọc còn ông chỉ việc viết ra giấy. Và đến sau này, khi được đào tạo thì những bài hát đó ông cũng chẳng thể sửa được nốt nhạc nào. Ông bảo, có được những giây phút quý giá như thế là chất liệu dân gian đã thấm vào từng mạch máu và đến lúc chín muồi. Và nhiều khi nó như bệ đỡ bù đắp những thiếu sót của người nhạc sỹ.

Thực sự, để làm nên những thành công từ việc sử dụng chất liệu dân gian là việc không dễ. Đơn cử như nhạc sỹ Nguyễn Cường, để tạo nên khuôn mặt mang đậm chất Tây Nguyên, ông đã dành nhiều thời gian sống và trải nghiệm ở mảnh đất này. Giáo sư Trần Văn Khê khẳng định: “Âm nhạc truyền thống dân tộc muốn sống được và tồn tại được trong thời đại ngày nay phải có sự sáng tạo để thích nghi. Để sáng tạo được thì quan trọng hơn cả là người sáng tác, người chơi nhạc phải có được những nền tảng, kiến thức cơ bản của nhạc dân tộc thuần chất, những giá trị cốt lõi không được hiểu sai lệch”.

Trong khi đối với các nhạc sỹ trẻ hiện nay đang ngày một ít cơ hội được sống trong môi trường văn hóa thuần chất Việt. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang thu hẹp không gian văn hóa thuần Việt. Cây đa, bến nước, sân đình… đang mất dần thay vào đó là không gian đô thị chật hẹp. Cấu trúc quy hoạch na ná như nhau thiếu bản sắc văn hóa vùng miền. Đó chính là sự thiệt thòi của thế hệ trẻ và cũng là một trong những nguyên nhân sâu xa khiến nhiều nhạc sỹ trẻ hiện nay chưa thể hiện nhuần nhuyễn chất dân gian khi đưa vào sáng tác của mình.

Nhận xét về những điểm bất cập trong sáng tạo âm nhạc dân gian đương đại, nhạc sỹ Minh Châu cho rằng: “Việc khai thác chất liệu dân gian dường như có hai khuynh hướng: khuynh hướng “đậm đặc” - khai thác quá tập trung vào một thể loại, tác phẩm được xây dựng nặng tính học thuật, đôi khi cầu kỳ hóa, khó thẩm thấu và khuynh hướng “nhạt nhòa” - ngôn ngữ âm nhạc quá giản đơn, nội dung tác phẩm nghèo nàn, thiếu chiều sâu. Theo tôi, cả hai khuynh hướng này dường như vẫn chưa vào đúng mạch của âm nhạc dân gian, đó là sự dân dã, bình dị nhưng sâu sắc, thâm thúy”.

Ngoài ra, trong xã hội hiện nay việc đón nhận dòng âm nhạc dân gian đương đại cũng gặp nhiều trở ngại từ phía công chúng. Đơn cử, mới đây bài hát Chiếc khăn Piêu do Tùng Dương thể hiện, không ít ý kiến cho rằng, đã “phá” bài hát. Tuy nhiên cũng có ý kiến ủng hộ, bài hát ra đời cách đây 50 năm rồi. Thế hệ trẻ không thể hát như xưa, họ nhìn văn hóa dân tộc bằng lăng kính đương đại. Họ thể hiện văn hóa truyền thống bằng hơi thở thời đại.

Đồng tình với quan điểm này, nhạc sỹ An Thuyên cũng quan niệm, chất dân gian của thế kỷ XXI không giống chất dân gian của thời trước. Chất dân gian có thể nằm trong âm hưởng, hơi thở nào đó chứ không nhất thiết phải là một chi tiết dân gian thật rõ nét. Cần nhìn chất dân gian rộng hơn thì lớp trẻ mới có lối thoát.  Ngay cả với ngôn ngữ trong các nhạc phẩm Ca dao em và tôi, Neo đậu bến quê, Huế thương của tôi cũng là của cuối thế kỷ XX.

Âm nhạc dân gian đương đại với chất liệu dân gian ngọt ngào, đằm thắm luôn là nguồn vô tận cho nhạc sỹ mọi thế hệ khai thác. Mỗi người một phong cách, một mắt nhìn và một tâm hồn, điều ấy sẽ làm phong phú thêm kho tàng âm nhạc Việt Nam. Và đây được coi là một cách bảo tồn di sản văn hóa âm nhạc truyền thống, đang đứng trước nguy cơ ngày càng bị mai một...

Theo daibieunhandan

  • Từ khóa