Thứ 2, 03/02/2025, 06:20[GMT+7]

Rắn trong văn hóa dân gian

Thứ 6, 01/02/2013 | 09:05:56
4,489 lượt xem
Rắn không xa lạ gì với con người. Thế giới loài rắn phong phú, kỳ lạ và đầy bí ẩn. Rắn là một loài động vật vừa hữu ích vừa nguy hiểm đối với cuộc sống con người. Trong văn hóa dân gian rất phong phú, ca dao, đồng dao, nói vè về rắn không sao kể hết.

Ảnh mang tính minh họa. Nguồn Internet

* Rắn trong ca dao, đồng dao, nói vè

 

Rắn trong ca dao, đồng dao, nói vè thường là tiếng cười tiếng hát hồn nhiên của người lao động: “Bao giờ cho đến tháng ba, ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng”. “rồng rắn lên mây có cái cây núc nác, có nhà hiển vinh!”, “cây xương rồng, giồng đất rắn, long vẫn hoàn long, quả dưa chuột, truột một gang, thử ăn thì thử!”.

 

Những người sinh năm con rắn cũng được tác giả dân gian hài hước qua câu ca: “Tuổi Tỵ rắn ở ngọn cây/Nằm khoanh trong bộng có hay việc gì!”.

 

Từ hình tượng của “rắn không chân”, tác giả dân gian muốn thể hiện sự khẳng khái dành cho kẻ bản lĩnh, vượt khó khăn, thách thức:

 

 

Rắn không chân rắn bò khắp rú,

Gà không vú răng nuôi đặng chín mười con.

 

Quan hệ xã hội, sự phân chia giàu nghèo, giữa trọng và khinh, xưa nay luôn luôn được người dân ý thức, nhắc nhở nhau:

 

Khó khăn ở quán, ở lều

Bà cô, ông cậu chẳng điều hỏi sao

Giàu sang ở tận bên Lào

Hùm tha rắn cắn, tìm vào cho nhanh.

 

Rắn có hàng trăm loại nhưng chia ra làm 2 loại chính: rắn có nọc độc và rắn không có nọc độc. Có bài vè trong dân gian kể một số tên rắn:

 

Mái gầm, chàm quạp, hổ lác, hổ hèo

Ri cốc, liu điu, ri voi, hổ lửa

Hổ hành, hổ ngựa, rắn ráo, rắn râu

Quỷ khóc thần sầu: hổ mang, hổ sậy

Thấy đà run rẩy: cạp nia, cạp nong

Lặn lội dưới sông: là con rắn nước

Rắn rồng, rắn lục, ri cá, rắn trung

Nghe đến hãi hùng: hổ mây, hổ bướm

Ớn đà quá ớn... chẳng dám kể thêm...

 

* Rắn trong những câu hát nghĩa tình, đùa vui, giải trí

 

Rắn cũng đi vào chuyện tình giữa trai gái trong lễ hội, ngày mùa:

 

Con rắn hổ đất nằm trên cây thục địa

Con ngựa nhà trời ăn cỏ chỉ thiên

Trách anh bạn tình gian dối đảo điên

Gạt em xuống chốn huỳnh tuyền bỏ em

 

Người nghe cảm thấy thật thú vị trước việc láy lại nghĩa và âm giữa thục địa và hổ đất, giữa ngựa nhà trời và cỏ chỉ thiên, hơn thế huỳnh tuyền, nghĩa là suối vàng, biểu trưng của cái chết, vậy mà khi cả hai đến chốn ấy rồi, người con gái còn hờn trách bạn tình gian dối đảo điên, xuống đây rồi lại  bỏ em! Đúng là sự sắc sảo khó ai sánh bằng!

 

Thế rồi cô gái cất giọng đố: Con gì có cánh không bay?/Con gì không cẳng chạy bay năm rừng?

 

Và chàng trai nhẹ nhàng đáp: Con gà có cánh không bay/Con rắn không cẳng chạy bay năm rừng.

 

Có cô gái chân quê thì thực tế hơn, không văn hoa bóng bẩy, nghĩa bóng nghĩa gió, mà đi ngay vào đề:

 

Anh vẽ rồng rắn làm chi?

Cho em mệt trí nghĩ suy đêm ngày!

Nói đi, nói đại, sợ gì?

Em đây hiểu được, tình này em trao!

 

Đến lúc duyên nồng tình mặn, họ thề nguyền chung thuỷ, son sắt:

 

Đôi ta như rắn liu điu

Nước chảy mặc nước ta dìu lấy nhau

 

Đến lúc tương tư, “rắn” cũng có mặt trong nỗi nhớ thương của họ:

 

Con quạ đen con cò trắng

Con ếch ngắn, con rắn dài

Em trông anh trông mãi, trông hoài

Trông cho thấy mặt thấy mày mới yên

 

Tình sâu, nghĩa nặng, vượt cả những khó khăn, trắc trở:

 

Con rắn không chân, con rắn biết,

Đá có ngọc ẩn, thì đá hay,

Tội thì thiếp chịu, vạ chi lây tới chàng ?

 

Như một quy luật muôn thuở, mối tình nào rồi cũng đến hồi kết thúc, lứa đôi chia lìa, nguyên nhân có đến hàng trăm, hàng nghìn, một trong số đó có cả chuyện “rồng  rắn” chẳng thể hộ đối môn đăng!

 

Con công ăn lẫn với gà,

Rồng kia rắn nọ, xem đà sao nên?

 

Rắn không xa lạ gì với con người. Thế giới loài rắn phong phú, kỳ lạ và đầy bí ẩn. Rắn là một loài động vật vừa hữu ích vừa nguy hiểm đối với cuộc sống con người. Trong văn hóa dân gian rất phong phú, ca dao, đồng dao, nói vè về rắn không sao kể hết.

Nguyễn Văn Thanh (Tổng hợp)

(10/24 – Đăng Tất – Đông Hà – Quảng Trị)

  • Từ khóa