Dư vị Bánh chưng
Ảnh: Thành Tâm
- Mẹ ơi, Tết này chị không về, mẹ có gói bánh chưng không ?
- Có con ạ!
- Thôi mẹ ơi, sao phải khổ, trời rét đãi đỗ ngại lắm. Mẹ cứ mua cho ngon. Gần trường con có chỗ đặt bánh, họ mang ra vỉa hè, đắp bếp than nấu suốt ngày. Nếu có cho pin vào luộc người qua, người lại thấy ngay, mẹ lo gì!
Chồng tôi cũng góp lời:
- Thôi có ăn bao nhiêu đâu, mua vài tấm để cúng. Trời lạnh mỗi lần ăn, bóc cũng ngại, lại phải rán, phải hấp.
Chồng con đều gàn, nhưng họ sao hiểu được, nồi bánh chưng đối với tôi đâu phải là nhiều hay ít để ăn lai rai trong, ngoài Tết, mà là hồi ức với bao kỷ niệm vui buồn, là những tết đẹp nhất gia đình lớn của tôi sum họp ở làng Nhân Lý. Phải đánh đổi giá nào để trở về những Tết quây quần bên bố mẹ, anh chị em ruột thịt, tôi cũng sẵn lòng...
Ngày tôi còn bé, Tết không có nhiều loại bánh kẹo như bây giờ. Hầu như mọi nhà đều tự làm lấy bánh mứt để đi Tết và đãi khách. Nhà thì nấu kẹo lạc, kẹo vừng; nhà nấu mứt dừa, mứt gừng, mứt cà chua, cà rốt, mứt khế, mứt táo, tùy theo nguyên liệu cây nhà, lá vườn sẵn có. Có nhà còn gói cả bánh gai nhưng bánh chưng thì nhà nào cũng gói. Ngày ấy, phải đợi đến Tết mới được ăn bánh chưng chứ không bán sẵn quanh năm như bây giờ. Ngày 27 Tết, mẹ tôi cắt lá dong trong vườn, mấy chị em khiêng rổ lá, mang theo cả chiếc mâm đồng, để trên cầu ao, rửa sạch lá rồi xếp ra nia cho ráo nước. Mẹ dạy chúng tôi cắt cuống lá, xếp thành hai loại to, bé. Bố tôi mài dao thật sắc pha tre chẻ lạt.
Ngày đó, tàu xe khó khăn, không có người buôn ống giang trên rừng về bán làm lạt. Bố tôi chẻ khéo lắm, chẳng bỏ đi đâu tý nào, lạt trắng mềm, đều tăm tắp. Học cấp 2, chúng tôi đã biết giúp mẹ đãi đỗ. Mẹ thường nấu đỗ, đánh nhuyễn, nêm thật vừa muối, định gói bao nhiêu tấm bánh thì nắm bấy nhiêu nắm đỗ. Lâm Sơn và Lâm Quý em tôi, chí chóe tranh nhau ôm cổ bố nì nèo: “Bố gói cho chúng con, mỗi đứa một cái bánh bé, bố ơi, bố lại kể chuyện Lang Liêu đi!”. Vừa nghe chuyện, chúng vừa ngong ngóng rá gạo vơi nhanh, còn một ít để giục bố gói bánh bé. Những tấm bánh vuông vắn, nhỏ xinh đánh dấu bằng những vòng lạt tròn cho khỏi lẫn của đứa này với đứa kia. Đứa không thích ăn nhiều đỗ, đứa không cho hạt tiêu, muốn thế nào bố đều chiều chúng tôi. Khi luộc, bánh bé xếp trên miệng nồi, bánh chín vớt ra treo chứ không cho vào ép. Ngày đó nhà nào ăn Tết to là “đụng” nhiều thịt hoặc nấu nhiều bánh. Nhà nào đến tháng Giêng, đi cấy lúa xuân về vẫn còn bánh chưng ăn là giàu lắm. Nhà tôi gói vài chục tấm bánh, nhưng đặt lên bàn thờ và để ăn có năm chưa được mươi tấm, vì bố mẹ mang đi biếu, đi Tết họ hàng nội, ngoại.
Ảnh: Hà Hoa
Nhớ lại Tết năm ấy, tôi học đại học năm thứ 2, sao vẫn còn trẻ con đến thế. Trưa ngày 30, bố tôi sai mang hai tấm bánh biếu chú Ba và bà Đà. Nhà chú Ba, đàn con lít nhít như trứng gà, trứng vịt, mẹ chúng bị bệnh hiểm nghèo nằm bẹp một chỗ. Còn bà Đà – chuyên sống bằng nghề mò ốc, bắt cua sinh được anh con trai bị thần kinh, đầu tóc bù xù, quanh năm chỉ mặc bộ quần áo rách. Chúng tôi sợ nhất đi học qua túp lều của mẹ con bà cuối làng. Bọn con trai đi qua réo gọi: Anh Bồng ơi, cái đứa mặc áo hoa cà này nó bảo anh có lấy nó không. Thế là anh chạy ào ra đuổi làm cả bọn chạy toán loạn, có đứa rơi cả dép không dám quay lại nhặt. Thế mà tôi lại phải đến nhà bà biếu tấm bánh ư? Tôi vùng vằng:
- Chúng con đây còn chưa có ăn, việc gì phải cho bà Đà, chẳng họ hàng hang hốc gì. Bà ấy đã có nhà nước, có thôn lo. Con thấy ông trưởng thôn xách túi gạo, gói mứt quà của xã cho bà đó đi qua ngõ buổi sáng.
- Rõ đồ...! Cha tôi không nói hết câu, người giơ tay định tát tôi nhưng rất nhanh, cánh tay buông thõng xuống. Suốt Tết đó, tôi nhịn, không ăn miếng bánh nào.
Mùng 5 Tết, đi chơi về, tôi lại thấy mẹ lụi cụi ngâm gạo, đãi đỗ. Mẹ bảo, về quê mỗi nhà cho vài bơ gạo nếp, ngon, bố mẹ nấu thêm nồi bánh cho các em ăn và để con mang lên trường. Nghỉ Tết xong, khi lên trường, hầu như trong phòng tôi ai cũng để dành bánh chưng đem vài tấm đi theo. Đi học về vừa đói vừa rét, bánh chưng rán mỡ vàng thật hấp dẫn, mùi thơm bay khắp ký túc xá. Tôi đã hứa với bạn trong phòng, thế nào cũng mang cho chúng thưởng thức hương vị bánh chưng của nhà mình. Bởi vậy, thấy mẹ gói thêm bánh, trong lòng tôi rất mừng nhưng vẫn tỏ vẻ vùng vằng: Thôi, phòng con chúng nó mang đầy, con ăn chực còn hơn. Mẹ đem mà cho nhà chú Ba, bà Đà, ai trong làng còn nghèo thì cho họ đi.
Nghe tôi nói mẹ im lặng. Sáng sớm hôm sau mẹ đèo tôi lên ga Tiền Trung, đi tàu lên trường. Trong hành lý của tôi có 3 tấm bánh to đẹp, và chắc chắn nhiều thịt, đỗ, mỡ hơn những tấm bánh khác. Lá dong cũng lành hơn, chứ không đệm thêm lá chuối mẹ dọc ở vườn. Vì tôi còn phải mang mời bạn bè, nên tấm bánh“đối ngoại”của tôi, chắc chắn hơn của đàn em ở nhà...
Năm tôi ra trường nhận công tác cũng là khi bố mẹ tôi đưa đàn em vào vùng kinh tế mới Minh Hải lập nghiệp. Mỗi Tết về, sắp bánh chưng lên bàn thờ, nhớ lại ngày bé, tôi thầm tự trách mình đã thưởng thức hơn 20 mùa bánh chưng vẫn chưa đủ lớn để nhận ra tấm lòng thảo thơm của cha mẹ. Cuộc sống ngày càng đủ đầy, có hàng trăm loại bánh đắt tiền, cả bánh nhập khẩu của nước ngoài, nhưng hương vị bánh chưng vẫn không lẫn vào đâu được, cũng vẫn là gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, thảo quả, hạt tiêu gói trong những chiếc lá dong xanh, nhưng bánh chưng luôn là hương vị quen thuộc không thể thay thế vào ngày Tết. Và trong bữa cơm gia đình sum họp đầm ấm cuối năm dường như dư vị của bánh chưng cũng ngon hơn tất cả những ngày khác.
Hà Hoa
Tin cùng chuyên mục
- Phật tử khắp nơi đổ về khu vực hồ Hoàn Kiếm cung rước Xá lợi Đức Phật 14.05.2025 | 08:28 AM
- Làng quê thu nhỏ qua từng góc tiểu cảnh 25.03.2025 | 15:07 PM
- Đưa múa rối nước đến gần hơn với thế hệ trẻ 16.03.2025 | 09:59 AM
- Mâm cúng Thần Tài 2025 gồm những gì? 07.02.2025 | 08:43 AM
- Đưa học sinh trở về với tết cổ truyền 26.01.2025 | 09:39 AM
- Táo quân 2025 sẽ đến trong đêm Giao thừa năm nay! 26.12.2024 | 10:56 AM
- Đêm Gala “Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn”: Đoàn kết là sức mạnh 21.12.2024 | 09:16 AM
- Vũ Thư tổ chức đêm hội hoa đăng tưởng niệm 1.008 năm ngày Thánh đản (1016 - 2024) 17.10.2024 | 10:47 AM
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 09.10.2024 | 21:15 PM
- Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI tại tỉnh Ninh Thuận, năm 2024 16.09.2024 | 21:16 PM
Xem tin theo ngày
-
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến về một số báo cáo, tờ trình
- Khởi công dự án khu phức hợp đô thị, du lịch sinh thái, sân golf Khoái Châu
- UBND tỉnh nghe và cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng
- Thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025
- Đưa tỉnh Thái Bình trở thành trung tâm kết nối của vùng, khu vực và quốc tế
- 110 tập thể, cá nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn xét khen thưởng cấp nhà nước năm 2024
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh: Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Kế tục xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm quán triệt tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị
- Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị