Thứ 3, 06/08/2024, 05:26[GMT+7]

Hội vật chùa Phú Lạc

Thứ 5, 07/02/2013 | 08:27:36
3,486 lượt xem
Cũng như bao lễ hội ở các chùa, đình, đền... trong tỉnh, phần lễ chùa Phú Lạc diễn ra hoành tráng, trang nghiêm với những nghi thức trọng thể, những màn trình diễn đẹp mắt của các đội tế, các thủ tục truyền thống mang đậm dấu ấn bản sắc dân tộc, phù hợp với ý nguyện tâm linh của lòng người dự hội. Phần hội được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa phong phú vui tươi lành mạnh như: thi đấu giao hữu cờ người, cờ tướng, cầu lông, chọi gà... Và độc đáo nhất có lẽ là phần thi vật võ với khô

Một keo vật trong hội chùa Phú Lạc. Ảnh: Nguyễn Thành Long

Hàng năm, vào ngày mùng 1 tháng 2 âm lịch mọi người dân từ già, trẻ, gái, trai làng Phú Lạc, xã Phú Xuân kể cả bà con những vùng quê lân cận như Tân Bình, Tân Phong, Tân Hòa, Tiền Phong và một số phường trong nội thành Thành phố Thái Bình đều náo nức tham dự hội chùa Phú Lạc. Có gì hấp dẫn và cuốn hút mọi người đến vậy?

Cũng như bao lễ hội ở các chùa, đình, đền... trong tỉnh, phần lễ chùa Phú Lạc diễn ra hoành tráng, trang nghiêm với những nghi thức trọng thể, những màn trình diễn đẹp mắt của các  đội tế, các thủ tục truyền thống mang đậm dấu ấn bản sắc dân tộc, phù hợp với ý nguyện tâm linh của lòng người dự hội. Phần hội được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa phong phú vui tươi lành mạnh như: thi đấu giao hữu cờ người, cờ tướng, cầu lông, chọi gà... Và độc đáo nhất có lẽ là phần thi vật võ với không khí sôi nổi và rất náo nhiệt. Các đô vật về đây khi lên võ đài chỉ mặc độc chiếc quần ngắn, lưng thắt bao vải xanh, đỏ. Khi xe đài nghĩa là màn “trình diễn”, múa võ, dương oai với những động tác phối hợp vừa mềm dẻo, vừa mạnh mẽ làm nổi lên những đường gân, thớ thịt, những cơ bắp cuồn cuộn, khỏe khoắn. Người xem luôn được chứng kiến những keo vật gay cấn, quyết liệt, những miếng vật đẹp mắt, những động tác lanh lẹ, khôn khéo.  Rất nhiều keo vật, đôi vật đã để lại những ấn tượng khó phai mờ trong lòng người xem.

Tương truyền tướng quân Trần Lãm xuất binh dẹp loạn 12 sứ quân vào đúng mùng 1 Tết Nguyên đán, khi thắng trận trở về thì Tết đã qua. Tướng quân đã chọn ngày 1 tháng 2 âm lịch để tổ chức lễ hội khao quân, ăn mừng chiến thắng, ban thưởng binh sỹ. Trong ngày vui đó diễn ra chương trình vật võ sôi nổi để biểu dương sức mạnh, thanh thế; vừa có điều kiện thu nạp thêm các trai tráng khỏe mạnh chuẩn bị lực lượng cho việc đánh giặc giữ nước sau này. Thật là hợp ý nước, thỏa lòng dân. Từ đó hội chùa Phú Lạc được gắn liền với hội vật truyền thống, vừa mang ý nghĩa văn hóa, ý nghĩa tâm linh, biểu hiện tấm lòng nhớ ơn Tướng quân Trần Lãm, vừa góp phần nâng cao sức khỏe cho cộng đồng – nhất là lớp trẻ thanh thiếu niên. Đội vật thôn Phú Lạc đã được hình thành và đi vào hoạt động từ rất nhiều năm, gắn liền với những tên tuổi lừng danh từ trước Cách mạng tháng 8 như cụ Nguyễn Văn Tất - người đã đoạt chức vô địch cuộc thi đấu vật võ năm 1943 tại Đình Bảng, Bắc Ninh, con trai cụ là anh Nguyễn Văn Thọ, 2 lần vô địch giải vật miền Bắc (1987 – 1988) tại Quảng Ninh.

Truyền thống vật võ ở Phú Lạc cứ nối tiếp từ đời này sang đời khác, từ thế hệ trước đến thế hệ sau. Từ những đô vật “vang bóng một thời” như cụ Ất, cụ Tất, cụ Huấn, cụ Chu, cụ Linh, cụ Luyến, cụ Oánh, cụ Chấn, cụ Cả Hã... đến các bác Sơn, Thảo, Phúc, Bàn, các anh Thọ, Cường, Tuấn... các em Luận, Chiển, Tùng, Tuấn... đã đóng góp nhiều cho phong trào vật võ của làng (riêng em Luân đã 3 năm liền 2007, 2008, 2009 đạt huy chương vàng tại giải vật tự do tỉnh Thái Bình). Hàng năm, đội vật Phú Lạc  vẫn cung cấp, đóng góp từ 5 đến 10 cho giải vật tự do của tỉnh. Đặc biệt phải kể đến bác Trần Ngọc Bàn, người đã gần 30 năm gắn bó và giành nhiều công sức xây dựng và duy trì hoạt động đội vật của làng và đã trở thành một trọng tài có uy tín. Với tuổi 70, da dẻ vẫn hồng hào, khỏe mạnh. Tiếng còi trọng tài của bác rít lên đĩnh đạc, mạnh mẽ, dứt khoát, động tác thuần thục, lối phát hiện tinh tường, chính xác khiến các đô vật trong làng, ngoài xã vị nể, tôn trọng.

Theo anh Cường - đội trưởng đội vật Phú Lạc, hiện nay đội vật của làng vẫn có từ 15 đến 20 đô vật nòng cốt – trong đó phần lớn là thanh thiếu niên, người trung tuổi và có cả người già thường xuyên sinh hoạt tập luyện có nền nếp.

Đoàn Xuân

(Hưng Hà)

 

  • Từ khóa