Thứ 2, 05/08/2024, 23:19[GMT+7]

Tết ở quê tôi

Thứ 5, 07/02/2013 | 08:32:05
2,111 lượt xem
Cái Tết Nguyên đán cổ truyền ngày ấy tuy nghèo nhưng rất vui. Cứ gần đến Tết thì cả làng quê lại rạo rực hẳn lên. Ngày nay nhờ công cuộc đổi mới của Đảng và Nhà nước, Tết ở quê tôi khác xưa nhiều lắm. Ăn uống không phải lo như trước nữa, thịt lợn, thịt gà, măng, miến, mộc nhĩ, bánh kẹo ngon, quần áo, vải vóc... bầy la liệt ở chợ, ở các hàng tư nhân chẳng thiếu thứ gì.

Ngày xưa quê tôi nghèo lắm, đa phần các gia đình hết mùa cấy xong là hết thóc ăn. Ngày đầu xuân ai cũng muốn sắm cho con cái mình bộ quần áo mới để đi tết họ hàng, nhưng chỉ lo trả nợ thôi đã cháy gan, cháy ruột nên dẫu có thương con mà lực bất tòng tâm. Đêm giao thừa thì lại càng cơ cực, ngoài trời tối đen như mực, bóng cây trùm kín đường làng, hơi mưa là đường xóm lầy lội, bùn ngập đến mắt cá chân. Cả làng chỉ  vài nhà có “của ăn của để” mới có được ngọn đèn le lói cho đến lúc giao thừa. Người lớn lo ngày, lo đêm, còn bọn trẻ con chúng tôi thì lại mong có Tết để được ăn cơm mà không phải độn khoai, ngô; được tiền mừng tuổi bằng đồng 2 xu hoặc 5 xu; được mặc quần áo mới bằng vải nhuộm quả nâu hoặc bùn ao  phơi khô...

Cái Tết Nguyên đán cổ truyền ngày ấy tuy nghèo nhưng rất vui. Cứ gần đến Tết thì cả làng quê lại rạo rực hẳn lên. Ngày nay nhờ công cuộc đổi mới của Đảng và Nhà nước, Tết ở quê tôi khác xưa nhiều lắm. Ăn uống không phải lo như trước nữa, thịt lợn, thịt gà, măng, miến, mộc nhĩ, bánh kẹo ngon, quần áo, vải vóc... bầy la liệt ở chợ, ở các hàng tư nhân chẳng thiếu thứ gì. Cuối năm các gia đình đua nhau quét vôi ve, dọn vệ sinh nhà cửa cho đẹp mắt. Có nhà mua sắm những tiện nghi đắt tiền như xe máy, tủ tường, đầu đĩa, điện thoại, ti vi... Đường ngang, ngõ dọc được lát gạch hoặc đổ bê tông; nước máy dẫn về tận đầu cổng, xe máy đi từ sân nhà đến tận ruộng chở thóc về phơi. Nhà nào cũng có cành đào, hoặc ít nhất là lọ hoa. Nhà có điều kiện hơn thì mua cây quất to có quả xanh, quả chín, có hoa, có nụ, có lá non như muốn phác họa lại cuộc sống muôn màu. Đêm giao thừa nhiều người đến từ đường dòng họ hoặc nhà văn hóa thôn đón giao thừa, người thì ở nhà ngồi quây quần quanh chiếc ti vi để đón chương trình vui xuân cho tới khi Chủ tịch nước xuất hiện chúc Tết đồng bào. Giao thừa quê tôi những năm gần đây thực hiện tốt Nghị định 36/CP của Chính phủ; không có người buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, đốt pháo nổ và thả đèn trời. Đêm giao thừa, thay cho tiếng pháo báo hiệu thời khắc năm mới ở đình, ở chùa, nhà văn hóa, từ đường dòng họ khắp nơi nổi lên những hồi trống, chiêng, chuông vang vọng ngân nga.

Năm mới, mọi người du xuân, hái lộc, chúc nhau những điều an lành. Trên mỗi miền quê đang trên đà phát triển, người dân thêm chan chứa niềm hạnh phúc, tự hào với những kết quả đã đóng góp xây dựng nông thôn mới và gửi ước vọng vào một mùa xuân ấm no và hạnh phúc...

ĐẶNG TẤT TÍNH

(Phú Châu - Đông Hưng)

  • Từ khóa