Thứ 4, 21/05/2025, 00:46[GMT+7]

Nồng say xòe Thái ngày xuân

Thứ 3, 19/02/2013 | 13:58:07
1,486 lượt xem
Dân tộc Thái vốn có nền dân vũ khá phong phú, nổi bật là những điệu xòe duyên dáng làm say lòng người. Múa xòe thường diễn ra vào các dịp lễ tết như mừng được mùa, mừng nhà mới, khi gieo hạt, du xuân… trong đó, xòe du xuân không chỉ mang không khí nồng say, ấm áp mà còn tươi mới như chính tên gọi của nó.

Cứ mỗi độ xuân sang, đồng bào Thái ở các vùng như Điện Biên, Lai Châu, Quỳnh Nhai (Sơn La), Mường Lò (Yên Bái)... lại sắm cho mình những bộ váy cóm mới, chủ yếu để say với những điệu xòe. Xòe du xuân thường được tổ chức từ mồng 1 Tết đến 15 tháng Giêng, khi đồng bào mở hội xuống đồng, là tinh hoa của những điệu xòe đẹp nhất, cầu mong cho con người khỏe mạnh, mùa màng tốt tươi, vạn vật sinh sôi, nảy nở, trai gái giao lưu hò hẹn, kết tóc se duyên mong thành đôi lứa... Không xòe, không vui/ Không xòe, cây lúa không trổ bông/ Không xòe, cây ngô không ra bắp/ Không xòe, trai gái không thành đôi. Xòe du xuân thường biểu diễn các điệu như: xòe nón, xòe khăn, xòe quạt, xòe nhạc, xòe quanh cây ban, xòe vòng… Các điệu xòe này thể hiện nét đặc trưng của các điệu xòe cổ, của nghệ thuật dân vũ Thái.

Xoè nón được coi là điệu đặc sắc nhất vì nón trong tay thiếu nữ Thái khi chụm vào lúc mở ra, từ từ từng cánh, từng cánh như bông hoa ban trắng muốt hé nở. Chiếc nón trong điệu xòe Thái khi nhanh, khi chậm, lúc quay nhẹ nhàng trên vai, lượn trên tay, nghiêng nghiêng bên má hay xoay tròn trước ngực. Trong tiết trời ấm áp của ngày xuân, điệu xòe nón như bức tranh sinh động, tô đẹp thêm cho cảnh núi rừng Tây Bắc. Những bộ trang phục truyền thống (áo váy cóm) mới không chỉ tôn thêm vẻ đẹp cho những cô gái Thái mà còn làm không khí ngày Tết thêm tươi mới, nồng nàn hơn.

Trong xòe khăn, người xòe khoác dải lụa hồng thắm lên thân mình, biến những nét sinh hoạt bình thường thành những động tác múa duyên dáng, trữ tình. Điệu xòe quạt với cánh quạt hồng nhẹ nhàng tung lượn như những cánh bướm đang vờn bay trước gió xuân. Ở điệu xòe nhạc, qua tiếng nhạc đều đặn, các cô gái Thái khi chậm rãi điệu hái hoa nghiêng ngả dịu dàng, khi nhanh nhẹn dồn dập như nghe tiếng nhạc ngựa thúc giục để lại cho người xem một cảm hứng rộn ràng, say sưa.

Quanh cây hoa ban giữa rừng, trên bãi đất rộng giữa mường, quanh bếp lửa hồng là những vòng tay kết nối với nhau giữa già và trẻ, chân gọi bước chân, tạo thành một vòng tròn, đó là điệu xòe vòng thân thiết và quen thuộc của đồng bào Thái. Theo nhịp xòe và nhịp trống, xòe vòng ban đầu còn hẹp, sau đó càng rộng thêm ra vì mỗi lúc số người tham gia càng đông. Càng về đêm, vòng xòe càng tiếp nối với vòng trong, vòng ngoài. Cứ thế, người ta múa xòe mãi cho đến gần sáng, các chàng trai, cô gái lại kéo nhau ra bờ suối tâm tình, kết duyên lành đầu xuân.

Xòe du xuân không chỉ mang đến không khí ấm áp, tươi vui của ngày Tết, mà còn là nơi giao duyên, gửi gắm tình cảm giữa các chàng trai cô gái; nơi gặp gỡ, giao lưu của đồng bào. Chị Lò Thị Còi, được coi là “Pá so” (người xòe) nổi tiếng ở Mường So, Phong Thổ, Lai Châu cho biết, những điệu xòe đã thật sự góp phần nuôi dưỡng và chắp cánh cho những tâm hồn yêu nghệ thuật dân tộc, làm cho con người thêm yêu lao động sản xuất, yêu quê hương bản mường, yêu cuộc sống, tin vào ngày mai tươi sáng và làm cho con người xích lại gần nhau.

Theo daibieunhandan

  • Từ khóa