Cùng ngẫm về ăn tết
Theo từ điển tiếng Việt, nghĩa chính của từ “ăn” là cho thức nuôi sống vào cơ thể, từ “ăn” có thể đứng một mình hoặc cộng thêm với từ chỉ loại thức ăn, bữa, phạm vi: ăn cơm, ăn sáng, ăn chung. Ngoài ra từ ăn còn mang nhiều ý nghĩa khác: chỉ sự tiếp nhận cái cần thiết để hoạt động (cho máy móc ăn dầu mỡ, cái xe này rất ăn xăng); chỉ sự nhận lấy (ăn no đòn, ăn chia, ăn hoa hồng); chỉ sự hài hòa, khớp nhau (chụp rất ăn ảnh, cái phanh này ăn lắm); chỉ sự mòn đi dần dần (nước ăn chân, gỉ ăn vào dây thép)...
Khi ghép với từ ăn, đa số nghĩa của tổ hợp từ mới sẽ được tạo nên bởi ý nghĩa của cả hai thành tố, trong đó thành tố ăn đóng vai trò trụ cột. Ví dụ ăn xôi - đưa xôi vào miệng để ăn; ăn sáng - ăn bữa sáng, ăn xăng - tiêu tốn nhiều xăng... Tuy nhiên, nhiều khi trong tổ hợp từ mới đó, nghĩa “ăn” rất mờ nhạt mà nghĩa của từ ghép cùng nó mới là trọng tâm. Chẳng hạn trong câu “Chị em nó ăn chơi lắm” thì từ “ăn” hầu như không mang ý nghĩa, mà nghĩa chính lại ở từ “chơi”; hoặc trong câu “Vụ này ăn chia sòng phẳng nhé” thì “chia” sẽ là thành tố chính và mang ý nghĩa chính.
Trở lại với từ “ăn tết” như chúng ta quen nói. Ai cũng biết tết - nhất là tết Nguyên đán là dịp đặc biệt nhất trong năm của người Việt Nam. Đó là quãng thời gian để sum họp gia đình, về với quê hương, nguồn cội, con cái thể hiện sự hiếu kính đối với cha mẹ, tưởng nhớ tới ông bà, tổ tiên. Chúng ta hay gọi là tết đoàn viên cũng vì lẽ đó. Tết cũng là dịp để mọi người nhìn lại năm cũ đã qua và đề ra kế hoạch cho năm mới, cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp, an lành. Tết còn là lúc trẻ con, người già xúng xính quần áo mới, các gia đình trang trí nhà cửa sạch đẹp, chuẩn bị những món ngon để cả nhà cùng quây quần đoàn tụ; mọi người cùng tham gia các trò chơi dân gian, thể thao, văn nghệ, lễ hội... Như vậy ở một góc độ, có thể hiểu “ăn tết” là cách nói gọn, chỉ tổng thể các hoạt động vui chơi, sinh hoạt, thăm hỏi ngày tết. Trong tổ hợp từ “ăn tết” thì “ăn” đóng vai trò thành tố phụ, “tết” đóng vai trò thành tố chính, mang nghĩa bao phủ. Và vì vậy nghĩa của “ăn tết” cũng gần như tương đồng với nghĩa của từ “tết”.
Ở góc độ khác, dễ dàng thấy việc ăn trong những ngày tết lại được các gia đình Việt Nam khá chú trọng và bao giờ cũng có sự chuẩn bị chỉn chu, nhất là mâm cơm cúng ngày 30, lúc giao thừa, ngày mùng 1 và mâm cơm hóa vàng cho các cụ. Đó không chỉ đơn thuần là ăn cho no, cho ngon mà cao hơn là sự thành kính dâng lên tổ tiên trong những ngày đầu xuân năm mới. Cũng chính bởi quan niệm “Cả năm mới có ngày tết”. Nhiều gia đình dù khó khăn thế nào nhưng vẫn cố gắng cho con cái ăn ngon hơn, tươi hơn vào những ngày tết như là để bù đắp lại cho cả năm thiệt thòi, cũng là tạo không khí vui vẻ cho năm mới với những mong ước tốt đẹp.
Câu nói quen thuộc trong dân gian:
“Làm như ngày mùa thì ăn không hết
Ăn như ngày tết thì làm không ra”
Cũng là để chỉ cái sự chăm chút, mua sắm, ăn uống có phần “tươi” hơn, “thoáng” hơn trong những ngày tết ấy.
Nhìn từ góc độ văn hóa có thể thấy cả một thời kỳ dài trước đây, người nông dân Việt Nam chìm trong đói nghèo, lạc hậu do sản xuất phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên và chưa có khoa học kỹ thuật hỗ trợ. Bữa ăn của họ chủ yếu là khoai, sắn, củ chuối, rau dại... mà rất ít được ăn cơm, chưa nói tới thịt, cá đồ ăn ngon... Nỗi ám ảnh đói nghèo ấy đã đi vào ca dao, tục ngữ:
“Đói lòng ăn hột chà là
Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng”
Hay:
“Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon”
Thời điểm trước Cách mạng Tháng Tám, văn học viết cũng có nhiều tác phẩm khắc họa sâu sắc sự đói nghèo đấy: “Một bữa no” của nhà văn Nam Cao, “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố...
Ngôn ngữ thể hiện tư duy, cách nhìn nhận của con người về sự vật, hiện tượng quanh mình. Vậy nên từ quan điểm cá nhân, có thể lý giải chính sự “ám ảnh” về cái ăn, cái mặc của người nông dân xưa đã khiến họ luôn thường trực mong ước “cơm no, áo ấm”. Chỉ vào ngày tết, họ mới dám “thoáng hơn” để có những bữa ăn “tươi” hơn, có thịt hơn ngày thường. Và cách gọi “ăn tết” cũng theo đó mà hình thành một cách tự nhiên trong cộng đồng.
Ngày nay, khi đời sống của con người được nâng cao thì chuyện ăn ngon ngày tết không còn được kỳ vọng như xưa nữa nhưng bữa cơm ngày tết vẫn được các thế hệ người Việt chăm chút, gìn giữ. Cách gọi “ăn tết” cũng là gọi theo thói quen, chỉ sự vui chơi, sinh hoạt, thăm hỏi chung trong những ngày tết. Tuy nhiên, nhìn ở chiều sâu văn hóa, vẫn thấy có những dư âm của một thời gian khó. Đó cũng chính là sự tinh tế, sâu sắc trong ngôn ngữ tiếng Việt.
Phương Loan
Thành phố Thái Bình
Tin cùng chuyên mục
- Vũ Thư tổ chức đêm hội hoa đăng tưởng niệm 1.008 năm ngày Thánh đản (1016 - 2024) 17.10.2024 | 10:47 AM
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 09.10.2024 | 21:15 PM
- Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI tại tỉnh Ninh Thuận, năm 2024 16.09.2024 | 21:16 PM
- Thiếu Văn Sơn - Chân dung một người cầm bút 03.06.2024 | 17:14 PM
- Ghé thăm ngôi đình hơn 130 tuổi nơi Bác Hồ trò chuyện cùng người dân Thái Bình 19.05.2024 | 17:35 PM
- Liên hoan Bé làm quen với làn điệu chèo truyền thống quê hương 19.04.2024 | 15:43 PM
- 37 thí sinh, nhóm thí sinh dự thi vòng bán kết cuộc thi tài năng nghệ thuật trẻ tỉnh Thái Bình 07.04.2024 | 17:52 PM
- Khánh thành ngôi chính điện chùa Vĩnh Gia 17.03.2024 | 20:09 PM
- Hưng Hà: Dâng hương tưởng niệm 790 năm ngày Đức Thái Tổ Trần Thừa băng hà 27.02.2024 | 16:14 PM
- Đại lễ giỗ tổ họ Trần Việt Nam 23.02.2024 | 15:53 PM
Xem tin theo ngày
- Năm 2024, tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn tỉnh ước tăng 7,32%
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- UBND tỉnh tiếp và làm việc với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam
- UBND tỉnh họp nghe báo cáo tiến độ thực hiện và công tác GPMB các dự án nhà ở thương mại và khu dân cư NTM kiểu mẫu
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật
- Công bố quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ
- Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng, định hướng phát triển đất nước
- Khai mạc hội chợ nông nghiệp quốc tế khu vực đồng bằng Bắc Bộ năm 2024
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về sửa đổi dự án Luật Quảng cáo
- Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII