Thứ 4, 24/07/2024, 00:27[GMT+7]

Lễ Phục sinh và Công giáo ở Thái Bình

Thứ 2, 18/04/2022 | 09:24:45
12,344 lượt xem
Lễ Phục sinh là một trong những ngày lễ quan trọng nhất hàng năm của tín đồ Công giáo, còn gọi là Thiên Chúa giáo, Kitô giáo để kỷ niệm ngày Chúa Jesus đã bị xử tử và sống lại. Lễ này thường diễn ra vào một ngày chủ nhật bất kỳ khoảng cuối tháng 3 và đầu tháng 4 hàng năm. Năm 2022, lễ Phục sinh là ngày chủ nhật 17/4.

Trứng phục sinh mang ý nghĩa của sự sinh sôi, nảy nở.

Theo giáo luật, trong lễ Phục sinh có khá nhiều hoạt động diễn ra như: ăn chay, bố thí cho người nghèo, rửa chân (theo tích từ Kinh Thánh là trước khi Chúa Jesus bị bắt, ngài đã đi rửa chân cho từng môn đệ). Ở những xứ họ lớn thường diễn các hoạt cảnh Chúa Jesus bị đóng đinh. Các biểu tượng của lễ Phục sinh thường có: trứng phục sinh mang ý nghĩa của sự sinh sôi, nảy nở; thỏ phục sinh tượng trưng cho sức khỏe và sinh sản. Ngoài ra còn có hoa phục sinh, nến phục sinh, chuông phục sinh và mặc quần áo mới... Vào ngày này, giáo dân thường thưởng thức món jambon truyền thống. Theo thông lệ chung, lễ Phục sinh ở Việt Nam so với các nước có Công giáo trên thế giới thường không khác nhau nhiều lắm.

Các nguồn sử sách viết về lịch sử Công giáo vào Việt Nam cho biết, vào những thập niên cuối thế kỷ XVI đã có những nhà truyền đạo từ nước ngoài đến Việt Nam. Vào buổi đầu, Công giáo thâm nhập các làng ven sông Hồng, sông Luộc. Những họ giáo ra đời đầu tiên ở Thái Bình là Kẻ Riền (Hưng Hà), lập năm 1600; Bác Trạch (Tiền Hải), lập năm 1618; Lương Đống (Đông Hưng), lập năm 1626; Kẻ Bái (Quỳnh Phụ), lập năm 1626...

Sau khi ba phủ Thái Bình, Tiên Hưng, Kiến Xương hình thành được 7 cơ sở Công giáo, năm 1659 Tòa thánh La Mã đã ban sắc lập hai địa phận Công giáo ở Việt Nam: giáo phận Đàng Trong vùng nam sông Gianh, giáo phận Đàng Ngoài ở vùng bắc sông Gianh. Năm 1679, Tòa thánh La Mã đã chia địa phận Đàng Ngoài thành địa phận Đông và địa phận Tây. Vùng Thái Bình thuộc giáo phận Đông Đàng Ngoài. Tính đến hết thời Tây Sơn (1802), trên đất Thái Bình có 32 nhà thờ. Năm 1848, lại ban sắc chia giáo phận Đông thành địa phận Trung và địa phận Đông. Thái Bình thuộc địa phận Trung, gồm Bùi Chu và Thái Bình.

Trong những năm triều đình nhà Nguyễn có mâu thuẫn với một số giáo sĩ phương Tây dẫn đến việc cấm đạo, sát đạo thì sự phát triển của Công giáo trên địa bàn Thái Bình cũng bị hạn chế. Sau Hòa ước Nhâm Tuất (1862), việc truyền giáo có thuận lợi hơn. Tính đến năm 1884, trên địa bàn Thái Bình đã có 72 xứ đạo và họ đạo. Từ Hòa ước 1884 tới 1945, Công giáo ở Thái Bình có sự phát triển mạnh mẽ. Theo thống kê của người Pháp vào năm 1933, tỉnh Thái Bình có 36 xứ đạo, 297 họ giáo, 108 nhà thờ, 9 vạn tín đồ. Do Công giáo phát triển mạnh, năm 1936 giáo phận Thái Bình được thành lập gồm địa phận Thái Bình và Hưng Yên. Sau khi thành lập, giáo phận Thái Bình ngày một thăng tiến về mọi mặt. Tính đến năm 1939 đã có khoảng 140.000 tín đồ trong 50 giáo xứ và 552 họ lẻ. Trung bình có khoảng 3.000 người gia nhập đạo mỗi năm, số linh mục, tu sĩ cũng ngày càng đông.

Từ khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, với âm mưu thâm độc lợi dụng tôn giáo, chia rẽ tình đoàn kết lương giáo đã dẫn tới những diễn biến phức tạp không đáng có trong hoạt động của Công giáo. Trong bối cảnh đó, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhất quán quan điểm đoàn kết lương  giáo. Ở Thái Bình, giai đoạn 1930 - 1945, đa phần các vị chức sắc Công giáo đều chủ trương đứng ngoài chính trị nhưng cũng có không ít họ giáo đã đồng hành trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Những tấm gương đào hầm nuôi giấu cán bộ của các họ giáo Đức Long (Vũ Thư), Văn Lăng (Kiến Xương) đã được sử sách lưu truyền. Trong Cách mạng Tháng Tám 1945, đồng bào Công giáo đã hăng hái tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở các làng xã.

Đương thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao tư tưởng và học thuyết Công giáo. Người nói: “Các ông Thích Ca, Giêsu, Các Mác đều là bậc triết gia giàu tư tưởng bác ái. Nếu họ là người cùng thời được ngồi luận bàn cùng nhau hẳn rất tâm đắc”. Người kêu gọi đoàn kết lương giáo. Trong lần về thăm Thái Bình lần thứ hai (ngày 28/4/1946), giám mục Ubierna Ninh, một số xơ nhà Dục Anh cùng các thân hào, thân sĩ đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp chuyện, tặng chữ ký. Các xơ ở Cô nhi viện An Lập tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh chiếc khăn mà tự tay các xơ thêu. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư cho nhà Dục Anh: “Kỳ vừa rồi tôi về thăm Thái Bình, được các xơ nhà Dục Anh tặng chiếc khăn thêu rất đẹp. Tôi xem trong mỗi đường kim mũi chỉ đều có tấm lòng các xơ đối với tôi. Thế mới biết đồng bào ta không phân biệt lương giáo đều hướng về cách mạng...”

Đầu năm 1950, Pháp đánh chiếm Thái Bình, Tòa giám mục Thái Bình chủ trương đứng ngoài cuộc chiến nhưng trên thực tế thì ở vùng do Việt Minh quản lý giáo dân vẫn đứng trong đội ngũ kháng chiến. Tính đến tháng 8/1950 đã có 48 nhà xứ, 17 nhà thờ họ lẻ bị người Pháp dùng gác chuông làm tháp canh, nhà chung thành chỗ đóng quân nhưng nhiều giáo sĩ vẫn đứng ngoài cuộc chiến hoặc hướng về kháng chiến.

Tháng 7/1954, Hiệp định Giơnevơ về hòa bình được ký kết, tuyên bố đình chiến và quân đội Pháp rút khỏi Đông Dương; lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến tạm thời. Chính quyền Ngô Đình Diệm chủ trương vận động đưa toàn bộ giáo dân ở miền Bắc chuyển cư vào Nam. Biến cố di cư năm 1954 đã để lại cho giáo đoàn không ít tổn thương. Hơn một nửa giáo dân và hầu hết các linh mục, tu sĩ đã rời Thái Bình ra đi. Các giáo xứ trở nên hoang vắng, nửa số nhà thờ phải đóng cửa, nhiều cơ sở nhà đất, ruộng vườn bỏ hoang…

Từ sau năm 1954, cộng đồng Công giáo Thái Bình đã trải những thăng trầm trong khoảng hơn mười năm. Từ năm 1968 - 1975 về cơ bản trở lại nền nếp. Có nhiều làng Công giáo toàn tòng thành điểm sáng trong đời sống văn hóa, ngót 1 vạn thanh niên Công giáo tòng quân đánh giặc. Giáo phận Thái Bình đã thực hiện được phương châm của Giáo hội đặt ra là “Kính Chúa, yêu nước”, sống “tốt đời, đẹp đạo”. Quan hệ giữa giáo dân với chính quyền ngày càng cởi mở, gắn kết hơn.

Trải gần 40 năm đất nước đổi mới, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ngày thêm thông thoáng, cởi mở, quan hệ giữa các chức sắc tôn giáo và chính quyền ngày thêm đồng thuận, tốt đẹp hơn. Có thể coi những năm đổi mới là thời kỳ hoàng kim của Công giáo ở Thái Bình. Về nhân sự, nhiều lớp chủng sinh được gửi đi theo học Đại chủng viện Hà Nội, Chủng viện Sao Biển (Nha Trang), mở lại Chủng viện Mỹ Đức... Sự đạo trong các giáo xứ, giáo họ ngày thêm sầm uất hơn. Các hội, đoàn theo giáo luật lần lượt được thành lập. Hầu hết các giáo xứ, giáo họ lớn có đội (hoặc ban, hội) kèn, ca, trống, trắc... Cơ sở vật chất được tăng cường. Trên 50 nhà thờ được xây lại và xây mới với quy mô to lớn, kiến trúc hoành tráng. Tất cả các thánh đường đều được tu bổ khang trang. Nhà thờ Chính tòa và nhà thờ Bác Trạch mới xây trong những năm gần đây được dư luận cho là đẹp vào loại nhất Đông Nam Á, du khách xa gần thường náo nức tìm đến tham quan.

Nét nổi bật trong đời sống của bà con giáo dân ở Thái Bình trong thời kỳ đổi mới là hăng hái tham gia phong trào thi đua xây dựng “Xứ, họ đạo 4 gương mẫu”. Bà con gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, quy định của địa phương; tích cực lao động sản xuất, giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; xây dựng đời sống văn hóa, ngăn chặn các tệ nạn xã hội, chăm lo sự nghiệp y tế, giáo dục; tích cực tham gia hoạt động của các đoàn thể, đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới. Nhiều vị chức sắc tích cực tham gia công tác xã hội, HĐND, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể…

Công giáo ở Thái Bình đã trải qua lịch sử hình thành và tồn tại hơn 400 năm, đến nay số giáo dân trong tỉnh có hơn 20.000 hộ với gần 100.000 khẩu (nhân danh), chiếm khoảng 5,4% dân số của tỉnh; cư trú và phụng đạo theo kiểu “xôi đỗ” ở 86 xứ họ giáo với 319 nhà thờ tại hơn 140/260 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Dưới ánh sáng của công cuộc đổi mới, bà con giáo dân Thái Bình đang phấn khởi được sống trong môi trường “tốt đời, đẹp đạo”, chung tay góp sức vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Nguyễn Thanh