Âm nhạc trong đời sống văn hóa của giáo dân
Theo một số nguồn sử liệu thì vào những năm cuối thế kỷ XVI đã có những giáo sĩ dòng Đa Minh vào truyền đạo ở Thái Bình. Vào đầu thế kỷ XVII, một số xứ họ đạo đã được thành lập ở các làng xã như Kẻ Riền (Hưng Hà); Kẻ Mèn, Bác Trạch (Tiền Hải); Kẻ Bái, Lai Ổn (Quỳnh Phụ); Kẻ Hệ (Thái Thụy); Lương Đống, An Tập (Đông Hưng)... Theo niên hiệu của các nhà thờ Thiên chúa giáo ở Thái Bình thì một số xứ đạo như Bác Trạch, Trung Đồng, Lương Điền (Tiền Hải); Duyên Lãng (Hưng Hà); Lai Ổn (Quỳnh Phụ); Hữu Tiệm, Thân Thượng (Kiến Xương), Lương Đống, Thuần Túy (Đông Hưng); Thượng Phúc, Ninh Cù (Thái Thụy), Sa Cát (thành phố Thái Bình)... là những xứ họ đạo được thành lập sớm ở Thái Bình. Tuy vậy, trong một thời gian dài mọi hoạt động của các xứ họ đạo ở Thái Bình vẫn phụ thuộc sự điều hành của giáo xứ Bùi Chu (Nam Định). Đến năm 1936 mới thành lập giáo phận Thái Bình gồm các xứ họ đạo ở Thái Bình và Hưng Yên.
Tuy có lịch sử hình thành và tồn tại trên dưới 300 năm nhưng đến nay cư dân theo đạo Thiên chúa chỉ có khoảng hơn 20.000 hộ với chừng hơn 120.000 giáo dân chiếm 0,64% dân số của tỉnh. Mặt khác, cư dân theo đạo Thiên chúa lại cư trú và phụng đạo theo kiểu xôi đỗ ở hơn 140/260 xã, phường, thị trấn của tỉnh Thái Bình gồm 113 giáo xứ với 233 họ giáo. Về cơ sở thờ tự có 338 nhà thờ, 10 tu xá, tu sở của dòng Nữ tu Đaminh. Ngoài ra còn có 1 cơ sở đào tạo mang tên Đại Chủng viện Thánh Tâm Thái Bình có trụ sở đặt tại xã Đông Hòa, thành phố Thái Bình.
Điểm đáng chú ý về các hoạt động tôn giáo của giáo dân Thái Bình là sinh hoạt trong một địa phận Công giáo thuộc dòng Đaminh nên những nghi lễ của giáo dân ở các nhà thờ thuộc Thái Bình vốn sầm uất hơn so với các dòng khác như dòng Tên, dòng con Đức Mẹ. Ngoài những nghi lễ và những sinh hoạt tôn giáo chung theo giáo luật, dòng Đaminh còn có những phong tục, tập quán theo những nghi lễ cổ xưa, chuộng hình thức, phô trương sự đạo. Trong các sự lệ vẫn thường đan xen các hình thức diễn xướng dân gian vốn có của từng địa phương. Chính vì vậy, tuy Thái Bình ít có làng Công giáo toàn tòng nhưng đạo Thiên chúa vẫn có những ảnh hưởng nhất định với đời sống văn hóa của cư dân Thái Bình. Cũng chính vì vậy mà nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian của giáo dân ít có sự cách biệt đối với những người ngoại đạo.
Dường như toàn bộ các giáo xứ ở Thái Bình đều thành lập được các tổ chức đoàn hội và duy trì sinh hoạt khá nền nếp. Ngoài các đoàn hội theo giáo luật, giáo lý như: Huynh đoàn Đaminh, hội Đức Mẹ Trinh Vương, hội con Đức Mẹ Cameeloo, hội Thánh Tâm... còn có các hội (hoặc ban) âm nhạc như: hội trống, hội trắc, ban ca, ban kèn (ban kèn nam, ban kèn nữ), ban kim nhạc, ban nhạc nhẹ, ban cồng chiêng...
Ở những giáo xứ lớn như: Bồng Tiên, Hoàng Xá (huyện Vũ Thư); Hà Xá (huyện Hưng Hà); Trung Đồng (huyện Tiền Hải)... thường có các đội kèn đồng, đội trống, trắc, sênh tiền, mõ lộn được đầu tư công phu, bài bản về các phương diện như mua sắm đạo cụ, trang thiết bị, đào tạo chuyên môn cho chỉ huy dàn nhạc và nhạc công... Ngoài biểu diễn phục vụ các sự lệ trong giáo xứ, giáo phận còn phục vụ các sự kiện lớn trong và ngoài tỉnh.
Theo một số nguồn tài liệu cho biết, giáo phận Thái Bình (bao gồm các giáo xứ, giáo họ thuộc hai tỉnh Thái Bình và Hưng Yên) có tới hơn 7.000 nhạc công. Nhằm cổ súy “văn hóa kèn trống trong phụng sự”, giáo phận Thái Bình thường tổ chức đại hội hoặc liên hoan kèn trống toàn giáo phận, quy tụ hàng nghìn nhạc công tham gia.
Vài thập niên gần đây, những đội kèn nam, kèn nữ, đội trống, trắc của các giáo họ, giáo xứ đã vươn ra hoạt động ngoài nhà thờ với các hình thức phong phú, đa dạng và linh hoạt, khi mang tính phục vụ, khi mang tính dịch vụ ở những sự kiện theo quy mô khác nhau tại các địa phương như kỷ niệm, mừng công, đón nhận danh hiệu thi đua, lễ hội, mừng thọ hoặc cử nhạc hiếu trong lễ tang...
Trong các giáo xứ ở Thái Bình có hàng chục đội kèn đồng nữ chuyên làm dịch vụ. Cách đây mấy năm, đội kèn đồng nữ Cam Đoài ở xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy đã thành lập Tổ hợp tác kèn đồng mang tên Hương Lúa do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã bảo trợ, chuyên cung cấp dịch vụ kèn đồng, phục vụ hiếu, hỷ, lễ hội... cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu. Những ngày đầu mới thành lập, các chị em trong Tổ hợp tác kèn đồng ở Cam Đoài thường chỉ tham gia biểu diễn tại các sự kiện văn hóa ở làng, ở xã; sau vươn ra hoạt động ở nhiều địa phương trong huyện, trong tỉnh, từ phục vụ tang lễ của các gia đình đến lễ khai trương, lễ khởi công của các doanh nghiệp và các sự kiện chính trị, văn hóa mang quy mô lớn nhỏ khác nhau trong tỉnh. Nhờ kỹ năng biểu diễn và tinh thần thái độ phục vụ tốt, tiếng lành đồn xa, kèn đồng nữ Cam Đoài đã được mời tham gia các sự kiện ở nhiều tỉnh, thành phố: Ninh Bình, Nam Định, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Tĩnh...
Là một trong những địa phương sớm có các đội kèn đồng của các giáo họ, giáo xứ vượt ra ngoài khuôn viên nhà thờ để tham gia các hoạt động xã hội nên ngay từ những năm đầu đổi mới, Thái Bình đã có lực lượng kèn đồng khá hùng hậu đi tham gia các cuộc liên hoan kèn đồng toàn quốc và giành những giải cao.
Có một thực tế về lịch sử Công giáo ở Việt Nam là dù ra đời sớm hay muộn nhưng các giáo họ, giáo xứ đều hình thành từ một làng; tên làng thường cũng là tên của giáo xứ như An Tập, Bồng Tiên, Cổ Việt, Dương Cước, Hanh Cù... Người Công giáo vẫn chịu sự chi phối của văn hóa làng với những lễ thức sinh hoạt hội hè vốn đã ăn sâu vào tâm thức người Việt. Những xứ họ lớn thường có hai ban nhạc song hành. Ban nhạc nam (sử dụng nhạc cổ truyền của Việt Nam), với những nhạc công trong phường bát âm mặc áo dài đen, đầu đội khăn xếp, chơi các làn điệu hành vân lưu thủy hoặc lưu thủy bình bán (phổ biến trong đám rước hội làng). Cũng trong ban nhạc nam còn có các nhạc công múa trống, múa trắc, múa mõ, trang phục truyền thống, khăn mòi chân đất. Mỗi đội trắc, sênh, mõ trong ban nhạc nam thường có 20 - 25 thành viên. Mỗi đội trống thì tùy theo số lượng trống to, nhỏ các loại mà nhiều hay ít, thông thường cũng từ 15 - 20 người. Ban nhạc tây gồm các nhạc công sử dụng nhạc cụ phương Tây (kèn đồng, trống đồng, thanh la não bạt...), tùy số lượng các chủng loại nhạc cụ mà hình thành số nhạc công. Có dàn kèn đồng tới hơn 40 nhạc công tham gia biểu diễn. Chỉ huy mỗi ban nhạc phần lớn đều được đào tạo bài bản.
Trong truyền thống, những ban (hội) nhạc của các xứ họ giáo ở Việt Nam nói chung, ở giáo phận Thái Bình nói riêng, hoạt động chủ yếu để phụng sự các nghi lễ trong nhà thờ. Từ những thập niên cuối thế kỷ XX đến nay, kèn đồng, trống trắc của các xứ họ giáo ngày càng mở rộng hoạt động ra xã hội. Trong chừng mực nào đó, những dàn kèn đồng, những đội trống trắc tham gia vào các sự kiện của mỗi địa phương đã là nhịp cầu đoàn kết giữa giáo dân với các giai tầng xã hội. Đó cũng là sự góp phần làm phong phú hơn diện mạo sinh hoạt âm nhạc ở mỗi làng quê.
Nguyễn Thanh
Tin cùng chuyên mục
- Táo quân 2025 sẽ đến trong đêm Giao thừa năm nay! 26.12.2024 | 10:56 AM
- Đêm Gala “Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn”: Đoàn kết là sức mạnh 21.12.2024 | 09:16 AM
- Vũ Thư tổ chức đêm hội hoa đăng tưởng niệm 1.008 năm ngày Thánh đản (1016 - 2024) 17.10.2024 | 10:47 AM
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 09.10.2024 | 21:15 PM
- Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI tại tỉnh Ninh Thuận, năm 2024 16.09.2024 | 21:16 PM
- Thiếu Văn Sơn - Chân dung một người cầm bút 03.06.2024 | 17:14 PM
- Ghé thăm ngôi đình hơn 130 tuổi nơi Bác Hồ trò chuyện cùng người dân Thái Bình 19.05.2024 | 17:35 PM
- Liên hoan Bé làm quen với làn điệu chèo truyền thống quê hương 19.04.2024 | 15:43 PM
- 37 thí sinh, nhóm thí sinh dự thi vòng bán kết cuộc thi tài năng nghệ thuật trẻ tỉnh Thái Bình 07.04.2024 | 17:52 PM
- Hưng Hà: Dâng hương tưởng niệm 790 năm ngày Đức Thái Tổ Trần Thừa băng hà 27.02.2024 | 16:14 PM
Xem tin theo ngày
- Công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng công nhận thị trấn Tiền Hải mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại IV
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
- Gặp mặt cán bộ, hội viên Câu lạc bộ Lê Quý Đôn
- Khen thưởng 12 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác văn phòng cấp ủy
- Công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ
- Hội nghị Chính phủ với chính quyền địa phương
- Không ngừng nghỉ trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
- Họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI
- Chính thức khởi động cuộc thi trắc nghiệm trên internet tìm hiểu “Lịch sử Đảng bộ, lịch sử tỉnh Thái Bình”
- An Ninh: Khánh thành Trung tâm giáo dục cộng đồng