Thứ 6, 10/01/2025, 17:14[GMT+7]

Nghĩa tình Trường Sơn

Thứ 5, 05/05/2022 | 08:24:42
2,061 lượt xem
Theo dòng chảy nghĩa tình của cựu chiến binh Trường Sơn, mấy năm vừa qua “Chiến sĩ Trường Sơn quê lúa”, tập I, tập II, tập III đã tiếp nối nhau được xuất bản. Những ấn phẩm này mang hương sắc vườn nhà với những nét riêng có của Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Thái Bình, đã được đông đảo bạn đọc trong và ngoài tỉnh trân trọng đón nhận. Riêng “Chiến sĩ Trường Sơn quê lúa” tập III mang ý nghĩa là một ấn phẩm trong chuỗi sự kiện chào mừng Đại hội Trường Sơn toàn quốc lần thứ ba và chào mừng Đại hội thi đua “Tỏa sáng Trường Sơn” tỉnh Thái Bình lần thứ nhất.

Hơn 100 tác giả không chuyên vốn nửa thế kỷ trước là lính Trường Sơn thuộc các binh chủng: công binh, pháo binh, bộ binh, quân y, lái xe, giao liên, thông tin, đường ống xăng dầu,... đã góp mặt bằng những thi phẩm, văn phẩm, nhạc phẩm, kịch phẩm với nhiều thể loại, thể tài khác nhau.

Điều đáng nâng niu trân trọng hơn cả ở 3 tập “Chiến sĩ Trường Sơn quê lúa” là sáng tác nào cũng chân chất, mộc mạc nhưng đều đầy ắp nghĩa tình. Đó là nghĩa tình đồng đội thuở ấy - hôm nay, là nghĩa tình của người ở lại với người đã mãi mãi đi xa và với những người thân của họ. Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ rồi nhưng ký ức một thời thanh xuân ở Trường Sơn thường vẫn không hề nguôi ngoai với người lính. Đó là chất liệu chủ đạo để họ hóa thân trong sáng tác văn chương. Đó là những sáng tác không cầu kỳ, không quá câu nệ về câu chữ mà cứ hồn nhiên, hồn hậu, thấm đậm nghĩa tình Trường Sơn. Nếu đặt riêng từng tác giả, tác phẩm sẽ dễ nhận thấy những nét riêng của mỗi người nhưng khi gộp thành ấn phẩm chung thì bộ sách 3 tập “Chiến sĩ Trường Sơn quê lúa” rất đáng được coi là một bộ sử thi về Trường Sơn huyền thoại.

So với tập I và tập II thì “Chiến sĩ Trường Sơn quê lúa” tập III dày dặn, đồ sộ hơn, phong phú về thể loại, đa dạng về chủ đề hơn và có khá nhiều bài chau chuốt hơn. Những sáng tác theo cụm chủ đề thương nhớ đồng đội đã hy sinh thường dễ gieo vào lòng người đọc nghĩa tình sâu nặng của người lính Trường Sơn.

Lê Trần Bách có bài “Lên rừng đón bạn” với khung cảnh:
Hành quân bộ bám vách đá cheo leo
Qua thung lũng tìm được nơi bạn ở
Bạn vẫn ngủ yên dưới rừng cây ngập cỏ
Bia đóng vào cây nay vẫn vẹn còn...

Vũ Hồng Thái có người đồng đội thân thiết mà anh coi như một người em, cùng nhập ngũ một ngày, đã hy sinh ở A Lưới vào năm 1968, gần 50 năm sau anh mới có điều kiện trở lại chiến trường xưa để thắp nén nhang cùng nỗi nhớ sâu nặng với đồng đội:
Quả cối giặc làm em trẻ mãi
Chẳng kịp cùng anh xuống Huế mộng mơ
Trương Sĩ Thỏa ơi! Mãi đến bây giờ
Anh mới viếng mộ em yêu quý...

Bài “Về với mẹ đi con”, Nguyễn Hữu Bản đã khắc họa nỗi lòng mong ngóng của người mẹ chưa tìm thấy nơi con ngã xuống:
Con hãy về với mẹ, con ơi!
Hãy bảo mẹ nơi con nằm yên nghỉ?
Dưới cánh rừng của Trường Sơn hùng vĩ
Hay ở nghĩa trang những liệt sĩ vô danh?

Nghĩa tình Trường Sơn cứ lắng đọng, cứ thẳm sâu trong tâm can của mỗi cựu chiến binh, nhưng nghĩa tình thiêng liêng cao quý ấy lại thường trỗi dậy, thường da diết hơn trong những chuyến thăm lại chiến trường xưa và dường như ai ai cũng có chung một cảm xúc:
Bồi hồi thăm lại chiến trường
Càng đi, càng nhớ, càng thương bạn bè

(Thăm chiến trường xưa - Lê Thị Chắt)

Trong 16 năm bom cày, đạn xới, trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại đã có sự tham gia của hơn 2 vạn người con của Thái Bình, gồm bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và hơn 10 năm qua “lại có một Trường Sơn tình nghĩa giữa Thái Bình” để “thắp sáng thêm nghĩa tình đồng đội” như Chu Công Dâu đã viết trong bài “Có một Thái Bình trên đỉnh Trường Sơn”:
Mười sáu ngàn người kết thành một Hội
Xóa đói giảm nghèo xây dựng tương lai
Truyền thống Trường Sơn dấu ấn tượng đài
Thành ngọn lửa thiêng giữa Thái Bình sáng mãi

Sau chiến tranh, từ Trường Sơn trở về hậu phương, mỗi người mỗi ngả, mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng họ thường vẫn tìm đến với nhau và cùng giữ trọn nghĩa tình Trường Sơn: Nghĩa tình bền chặt trước sau/Trường Sơn vẫn mãi khắc sâu trong lòng (Thắm tình đồng đội - Nguyễn Thị Lan); Nhớ anh tôi nhắn đôi điều/Trường Sơn còn đó còn nhiều nhớ thương (Bom thù - Phạm Thị Liễu); Ai về thưa với quê mình/ Hội tôi đậm nét nghĩa tình Trường Sơn (Hội lính Trường Sơn - Nguyễn Thị Lý); Trường Sơn biết mấy yêu thương/Nay về tóc bạc pha sương cả rồi/Gặp nhau vẫn nở nụ cười/Cùng nhau giữ trọn một thời Trường Sơn (Nỗi nhớ Trường Sơn - Khương Đình Nhận); Câu thơ còn nặng ân tình/Trường Sơn như bóng với hình trong ta (Nhớ Trường Sơn - Mai Nhuận); Vượt qua biết mấy thăng trầm/Trường Sơn ý chí mạch ngầm trong em (Em là cô gái Trường Sơn - Nguyễn Thị Hồng Phiến); Trường Sơn Đông, nặng nghĩa tình/Trường Sơn Tây, mãi lung linh sắc màu/Thủy chung vẹn nghĩa bên nhau/Trường Sơn cánh võng lắng sâu trong lòng (Nỗi nhớ - Lại Ngọc Thư); Trường Sơn nay đã xanh màu/Có ai còn nhớ, nặng sâu ân tình (Trường Sơn ai nhớ ai quên - Nguyễn Văn Tuân); Dù cho sông cạn đá mòn/Trường Sơn - người lính mãi còn bên nhau (Bộ đội Trường Sơn - Phạm Hữu Tuấn); Nhắc nhau vẹn nghĩa trọn tình/Chúng ta là một gia đình Trường Sơn (Tình đồng đội - Nguyễn Đình Tự)...

Ngoài những trang thơ viết về ký ức, nghĩa tình Trường Sơn còn là những trang thơ viết về cuộc sống đời thường cùng 17 tác phẩm văn xuôi, 1 kịch ngắn và 5 ca khúc về chủ đề người lính Trường Sơn thuở ấy - hôm nay, tất cả đã làm nên một diện mạo mới cho “Chiến sĩ Trường Sơn quê lúa” tập III.

Trong lời tựa sách “Chiến sĩ Trường Sơn quê lúa” tập III, nhà văn Minh Chuyên đã có một nhận xét khá sắc sảo và xác đáng: “Các tác phẩm văn, thơ có mặt trong “Chiến sĩ Trường Sơn quê lúa” được rung lên từ tiếng lòng tác giả, một hiện thực thật đáng yêu. Bút pháp thể hiện không cầu kỳ, không làm duyên con chữ, không lấy sự ám ảnh của hình ảo để miêu tả. Cái bi hùng, cái chết chóc trần trụi của một thời ở Trường Sơn được hiện lên trần trụi qua mỗi ngòi bút. Bằng hồi ức và cảm tác, người viết đã thổi hồn vào hiện thực, làm sống lại những kỷ niệm nhớ đời. Những kỷ niệm về đồng đội, về các anh hùng liệt sĩ đã quên mình, dâng hiến cả tuổi thanh xuân cho con đường Trường Sơn huyền thoại...”.

Hẳn là, bộ sách 3 tập “Chiến sĩ Trường Sơn quê lúa” không chỉ “làm  sống lại những kỷ niệm nhớ đời” cho riêng các cựu chiến binh Trường Sơn mà còn có sức lan tỏa để các thế hệ hôm nay và mai sau hiểu về hai câu thơ: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai” sống động hơn.

Thanh Nguyên 

(Kiến Xương)