Thứ 3, 23/07/2024, 01:21[GMT+7]

Tiếng tù và ở quê biển

Thứ 2, 18/03/2013 | 10:00:55
1,477 lượt xem
Thời xưa, hễ đặt chân đến vùng biển Thụy Anh, Thái Ninh nhiều người đều chung cảm nhận, giữa ồn ã sóng gió bất tận lẫn vang vọng âm thanh của tiếng tù và.

Vùng rừng ngập mặn ven biển xã Thái Thượng (Thái Thụy). Ảnh Ngọc Linh

Ðược coi như một “đặc sản âm thanh” xứ biển, tiếng tù và đã thật sự ngự trị truyền đời trong nhịp sống cộng đồng cư dân miền biển. Dân chài lưới chế tác vỏ một loài ốc biển cỡ lớn thành phương tiện truyền tin gọi là tù và. Hoang dã, giản đơn, chiếc tù và vỏ ốc sản sinh ra thứ âm thanh trinh nguyên, theo dòng thời gian mang đậm hơi thở nơi bốn bề ào ào sóng to gió cả.  Thủy chung, keo sơn cùng người vùng biển Thái Thụy, bất kể mùa hè hay mùa đông, cho dù đang nửa đêm, gà gáy, tiếng tù và đã cất lên là tức khắc cả làng tức tốc bật dậy để xuống thuyền nhổ neo giong buồm ra biển. Mưa gió, rét buốt tất cả đều không thể cưỡng lại nhịp gấp gáp thôi thúc từ tiếng tù và. Tiếng tù và là lời mời gọi, giục giã của phường hội vạn chài.

Tiếng tù và thể hiện đặc lệnh của hoạt động sinh tồn. Và như một quy luật định mệnh, hễ là người vùng biển đều chung một cách nghĩ: Ðã đầu thai vào đất này xin chớ lơ đãng mọi cung bậc âm thanh của tiếng tù và. Ðang đánh bắt trên ngư trường xa bờ nếu phát hiện ra những luồng cá, tía tôm mới, tiếng tù và” báo hỉ” lập tức được rúc lên mời gọi bạn thuyền quần tụ cùng chung tay buông lưới kéo giã. Phải khi dông gió bất thần, tiếng tù và nối nhau loan điềm dữ. Mẫn cảm nhịp dồn dập từ tiếng tù và, khắp mọi ngả các con thuyền cấp tập quay mũi hối hả thẳng hướng cập bờ tìm nơi tránh trú hiểm họa. Những buổi chiều nghe tiếng ”Tu tu, tu tu!..” đổ hồi ngoài phía biển ấy là tin báo đoàn thuyền nặng tôm cá đang rẽ luồng về đến cửa lạch. Nghe tín hiệu vui, cả xóm chài rộn rã hẳn lên. Già, trẻ, gái, trai tất bật gồng gồng gánh gánh ùa ra bến sông đón nhận, mua bán cua cá, không khí rộn ràng mãi tới tận khuya… Chẳng riêng những thủy thủ bó bện thuyền bè chài lưới mà tất thảy mọi người dân suốt đời chỉ quanh quẩn công việc trên bờ thấy ai cũng có sẵn “sở trường”… nhận biết rành rọt tiếng tù và. Nói đến tiếng tù và lại nhớ cái dạo thằng Tây quay lại hùng hổ nổ súng gây hấn khắp trong Nam ngoài Bắc. Ðáp lời Cụ Hồ, cả chuỗi làng chài huyện Thái Thụy rầm rộ đào hào đắp lũy hiên ngang tư thế đánh địch đổ quân từ hướng biển. Ðương đầu với ca nô pháo hạm tối tân của giặc, dân quân du kích không có súng to pháo lớn đã đành, ngay phương tiện viễn tiêu truyền tin cũng chẳng biết dựa vào thứ gì giữa bốn bề thủy triều gầm réo. Mấy ai ngờ rằng, giữa thời khắc “tay không chống giặc” như vậy, chiếc tù và vỏ ốc thái cổ của ngư dân lại biến thành loại khí tài hết sức đắc dụng. Tàu giặc xuất hiện, tiếng tù và lập tức “Tu tu!..” báo tin thượng khẩn. Trong khoảnh khắc, tiếng tù và được tiếp sức nhau quảng bá tín hiệu “ báo động” đến khắp hang cùng ngõ  hẻm. Nhạy cảm trước tiếng tù và, người già trẻ nhỏ ới nhau tản về hầm trú ẩn. Các lực lượng vũ trang, trợ chiến kịp thời tiếp cận những vị trí thế thủ đánh địch. Ðịch còn ở cự ly xa, tù và phát tín hiệu “xa”. Tàu địch áp gần bờ, tù và lập tức chuyển ngay sang tín hiệu “gần”. Thấy địch thoái lui ra biển, tiếng tù và đĩnh đạc vang lên âm hưởng “báo yên”... Ở vùng biển  Thái Thụy từng tươi rói một trang biên niên sử: Năm 1947, 1948 thủy quân lục chiến Pháp liên tục dùng ca nô tàu chiến tập kích khu vực cửa sông Diêm, sông Hóa. Nhờ trợ lực của tiếng tù và, các lực lượng vũ trang của Thái Thụy đã tỉnh táo chủ động dàn trận đón đánh phủ đầu quân địch buộc chúng phải chạy tháo thân ra biển. Ðánh hơi sự lợi hại của tiếng tù và, kẻ thù điên cuồng  huy động nào đạn pháo tầm xa nào thủy phi cơ dày công truy tìm tung tích nhưng có trời cũng chẳng biết tiếng tù và phát ra từ đâu. Có thể nói, suốt 9 năm khói lửa ngổn ngang thiếu thốn gian khổ, tiếng tù và nhất mực gắn bó thủy chung góp thêm gam màu tạo lên bức chân dung chiến thắng cho dải đất đầu sóng ngọn gió của huyện Thái Thụy Anh hùng …

Có vẻ như đã hoàn thành sứ mệnh, giờ đây tiếng tù và nhường phận sự cho đủ loại phương tiện truyền thông giữa thời đại khoa học. Về dải đất duyên hải Thái Thụy hôm  nay, dù trên những con tàu hiện đại hay lui tới mọi thôn xóm chài lưới ở đâu cũng dễ dàng tiếp cận với bộ đàm, loa điện, điện thoại hữu tuyến, điện thoại vô tuyến, điện thoại di động …

Song, dù đã hết cảnh lấy gân lấy sức để rúc tù và, nhưng mỗi người dân biển vẫn kiêu hãnh bởi từ tiếng tù và mà lớp lớp hậu sinh có thể hiểu trọn vẹn tâm thế của cha ông. Thiêng liêng biết mấy tiếng tù và quê biển!

Hoàng Ngọc Khuyến

(Khu 3 Thị trấn Diêm Ðiền - Thái Thụy)

  • Từ khóa