Thứ 7, 28/12/2024, 03:48[GMT+7]

Cối xay thóc

Thứ 4, 01/09/2010 | 07:31:18
20,089 lượt xem
Nhớ ngày còn bé, những buổi tối sáng trăng ngồi giữa sân nhà, bà tôi thường đố các cháu: “Không răng mà cắn nát nhừ / Miệng to, họng nhỏ, từ từ nuốt vô/ Bụng không có chỗ chứa đồ / Cho nên em phải đổ ra liên hồi”…

Cối xay thóc

Chúng tôi hỏi bà “Không răng mà cắn nát nhừ…” Thế nhà ta có không ạ? Bà bảo: Có đấy! ở quê ta, nhiều nhà có đấy. Nó thường đứng dưới bếp hay đứng ở nhà dưới. Chúng tôi nghĩ mãi không ra. Bà giảng giải: Đó là cái cối xay thóc! Chúng tôi đồng thanh “à” lên một tiếng.

Cối xay thóc là dụng cụ của nhà nông dùng để bóc vỏ hạt thóc, tách trấu ra khỏi hạt gạo. Cối xay thóc được đặt trên một cái giá có bốn chân gọi là chân cối. Chàng xay được làm bằng một đoạn tre hoặc gỗ dài khoảng hơn một mét, hình chữ T. Phần cuối chữ T có mấu xỏ vào tai cối ở thớt trên. Còn phần đầu chữ T được buộc dây treo lên xà nhà hoặc kéo nhà.

Khi xay, người ta đổ thóc vào cối cho gần đầy cối sao cho khi xay - thóc không văng ra ngoài. Rồi người xay cầm chàng xay quay ngược chiều kim đồng hồ cho thớt trên quay tròn trên thớt dưới quanh trục là cái ngõng cối. Người xay thóc quay đều đều, nhịp nhàng. Cối xay phát ra tiếng kêu cút kít, cút kít…

Muôn nghìn hạt thóc bị tróc vỏ rơi nhoài xuống vành cối hình phễu rồi chảy theo đường rãnh rơi xuống cái nia đặt dưới chân cối. Nhà nào thóc mẩy, phơi săn, rê sạch thì khi xay sẽ được hạt gạo trộng, đẹp. Nhà nào thóc lép, thóc ủi, men, mộng thì khi xay hạt gạo sẽ đớn, nát.

Sau khi xay thóc xong, ở dưới nia, ta được gạo trôm và vỏ trấu. Các bà, các mẹ, các chị phải sàng để lấy gạo đựng vào thúng. Còn trấu thì hót đổ vào bồ trấu để róm bếp. Gạo trôm đem giã sẽ được gạo trắng và cám.

Có lẽ cái cối xay thóc được ra đời ngay từ những ngày đầu của nền văn minh lúa nước. Hồi xưa ở làng quê, chẳng nhà nào lại không có cái cuốc, cái cào, cái cầy, cái bừa và cái cối xay thóc, cối giã gạo. Và, cũng ngay từ thời ấy, có một nghề được bà con ta rất trọng vọng mà ngày nay nghề ấy không còn nữa. Đó là nghề đóng cối.

Người thợ đóng cối gọi là ông phó cối hay bác phó cối.

Vật liệu để đóng cối là tre (thường là tre đực gióng dài), một ít gỗ, đất sét và trấu. Tre thì được chẻ nhỏ thành nan để đan thân cối. Gỗ thường dùng là gỗ nhãn, gỗ mít được cưa thành khúc ngắn để chẻ làm dăm cối theo thớ dọc của gỗ, sao cho dăm thật dóc, không bị tướp, cứng nhưng không dòn, được phơi khô đủ độ để không bị co, không bị nứt. Đất sét trộn với trấu dùng để đắp phần mặt cối của cả thớt trên và thớt dưới.

Khi phần thịt cối (mặt cối)  bằng đất sét đã được đắp nện bám chắc vào vỏ áo cối gắn trục quay và tai cối xong, người thợ đóng cối mới tiếp tục làm đến khâu chêm dăm cối. Chêm dăm cối là phần việc khó nhất, tỉ mỉ nhất thể hiện trình độ lành nghề của ông phó cối. Khi chêm, ông phó cối phải chia mặt cối theo hàng lối và phải tạo thành chiều quay thuận của cối (theo chiều ngược kim đồng hồ), răng cối phải không cao không thấp bởi nếu răng cối nhô cao và thưa thì cối sống, nghĩa là thóc không dập vỏ thành gạo. Còn răng cối thấp và mau thì cối bí, gạo chảy chậm, hạt gạo bị nghiền vỡ thành tấm. Thường thì khi chêm xong một cái cối, người ta phải xay thử. Nếu chưa đạt yêu cầu thì phải chêm lại ngay sau khi đất sét còn chưa khô cứng.

Để đóng được một cái cối xay thóc hoàn chỉnh, ông phó cối phải làm việc cật lực trong vài ngày. Nếu ông phó cối ở xa thì phải lưu lại nhà chủ, được nhà chủ thết đãi rượu thịt, cơm gà, cá gỡ thịnh soạn vì gia chủ ai cũng muốn có một cái cối xay tốt.

Có lẽ cái cối xay thóc có từ thời xa xưa lắm. Chả có thế mà từ ngày xửa ngày xưa các cụ ta đã có câu tục ngữ “Gà què ăn quẹn cối xay” để chê những người hèn kém không dám đi xa để học hỏi làm ăn, không dám “đánh bắt xa bờ”, không có chí lập thân, lập nghiệp, không dám đi cho “thoả chí làm trai”, chỉ ru rú ở góc nhà, xó bếp…

Cuộc sống đổi mới, những chiếc cối xay thóc mất dần, mất dần rồi mất hẳn trong đời sống của chúng ta. Thế nhưng những chiếc cối xay thóc truyền thống đã làm bạn với người nông dân Việt Namon> từ ngàn đời thì vẫn còn, vẫn còn mãi trong tâm thức của dân làng, của đất nước.

Phạm Minh Giang

Tổ 50, phường Quang Trung -TP Thái Bình

  • Từ khóa