Thứ 6, 10/01/2025, 20:48[GMT+7]

Bữa cơm gia đình và những chiều biến đổi

Thứ 2, 27/06/2022 | 08:21:15
9,120 lượt xem
Từ bao đời nay, bữa cơm luôn được đặc biệt coi trọng trong mỗi gia đình Việt Nam. Dù giàu hay nghèo, nông thôn hay thành thị, bữa cơm mỗi gia đình đều chứa đựng những giá trị văn hóa sâu sắc, góp phần nuôi dưỡng, bồi đắp tình cảm, nhân cách con người. Trước tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, gia đình Việt Nam nói chung, bữa cơm gia đình nói riêng cũng không tránh khỏi những biến đổi.

Văn hóa dùng cơm của người Việt

Quan sát mâm cơm giản dị của các gia đình thường ngày hay những mâm cỗ lịch sự khi đãi khách, điều dễ nhận thấy là người Việt thường ăn theo lối tổng hợp (nhiều món) mà ít ăn theo kiểu chuyên đề (một món/một loại thực phẩm), đồng thời có thói quen dọn tất cả các món ăn lên mâm/bàn ăn cùng lúc. Một mâm cơm cơ bản của hầu hết các gia đình sẽ gồm cơm trắng, một đến hai món thịt hoặc cá và món canh, rau cùng bát nước chấm đặt chính giữa. Vào các dịp lễ, tết, hiếu, hỷ hoặc khi nhà có khách mâm cơm được làm cầu kỳ hơn gồm nhiều món hơn nhưng vẫn được trình bày vừa vặn trong 1 một cái mâm để cả gia đình, quan khách cùng thưởng thức.

Nhìn vào mâm cơm và cách ăn của người Việt, có thể thấy rất nhiều đặc điểm nổi bật của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước theo kiểu “ăn lấy chắc, mặc lấy bền”, coi cơm tẻ là “mẹ ruột”, trọng tình cảm, sự hài hòa cân đối... Đó là sự hài hòa về màu sắc, thành phần của thực phẩm, cân bằng giữa thời tiết với cơ thể, cân bằng âm - dương: canh cua tính lạnh thì được kết hợp cùng cà muối mang tính nóng; gừng, rau răm mang tính nóng kết hợp cùng với trứng vịt lộn mang tính lạnh; cảm lạnh thì phải ăn các thức ăn nóng như cháo, thêm gừng, tía tô; ăn theo kiểu “mùa nào thức ấy”...

Với người Việt, bữa cơm không chỉ là để ăn cho no bụng, có sức khỏe mà còn chứa đựng những nét tinh tế trong ứng xử, thể hiện tình cảm và đạo lý có trên có dưới, có già có trẻ trong một gia đình. Từ cách ngồi ăn, cách cầm đũa, mời cơm, so đũa, sắp bát, đặt muôi canh, cách nhai cơm... cũng thể hiện văn hóa của mỗi người. Chẳng hạn người lớn tuổi luôn được xếp ngồi ở vị trí thuận tiện, thoải mái nhất, trong khi đó phụ nữ thường ngồi đầu nồi để xới cơm cho cả nhà. Khi xới cơm, bát cơm phải gọn gàng, khi xin cơm, trao cơm bao giờ cũng là những giao tiếp rất tình cảm và đầu cuối: “Mẹ cho con xin bát cơm ạ - cơm của con đây - con xin”; “con cho bố bát cơm - con gửi bố ạ”.  

Khi ăn, đũa được cầm chắc chắn bằng 3 ngón tay (cái, giữa, trỏ), 2 đầu đũa phải bằng nhau, thức ăn được gắp vào bát riêng rồi mới và vào miệng, muôi múc canh tránh đặt nổi lên trên bát canh mà cần nhẹ nhàng ghé xuống cạnh bát. Khi bắt đầu bữa ăn thì thành viên nhỏ tuổi hơn luôn phải mời người trên mình để thể hiện sự kính trọng, đợi người lớn tuổi nhất mâm ăn trước rồi mới ăn. Cơm và thức ăn trong miệng cần nhai gọn gàng ở một bên hàm, tránh việc vừa nhai vừa nói làm thức ăn rơi ra ngoài. Những nguyên tắc và sự ý tứ trong bữa ăn đó được các gia đình không phân biệt giàu hay nghèo, nông thôn hay thành thị giáo dục cho con cái ngay từ lúc còn thơ bé “học ăn, học nói, học gói, học mở”, từ đó định hình nên nhân cách, thói quen, ý thức của mỗi cá nhân. Càng những gia đình nền nếp thì chuyện dạy bảo, giáo dục con cái từ những điều tưởng như nhỏ nhặt ấy càng được coi trọng.

Song, điều quan trọng nhất trong một bữa cơm của người Việt không phải ở chỗ có nhiều món, nấu ăn có ngon mà cốt yếu là ở không khí gia đình đầm ấm. Giá trị sâu sắc của bữa cơm gia đình chính là ở chỗ chứa đựng tinh thần đoàn tụ, đầm ấm ấy:“Râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon”.
Bữa cơm là thời điểm các thành viên quây quần cùng nhau sau một ngày bận rộn, vừa ăn vừa chuyện trò. Người Việt cũng rất tinh tế trong cách nói chuyện trong bữa ăn và thường nói những câu chuyện vui, cùng nhau ôn lại chuyện ngày xưa, một sự kiện đáng nhớ, nhắc nhở nhau sống tốt, chia sẻ cùng nhau niềm vui nỗi buồn mà rất hạn chế việc quát mắng, cãi cọ vì quan niệm “trời đánh còn tránh miếng ăn”. Nói không quá, chính bữa cơm gia đình là tâm điểm của tổ ấm gia đình, góp phần quan trọng vào sự cố kết bền vững của “tế bào xã hội”.

Và những chiều biến đổi

Theo kết quả một cuộc khảo sát trực tuyến với sự tham gia của gần 300 người ở các lĩnh vực, ngành nghề, độ tuổi và địa bàn sinh sống khác nhau, đa số ý kiến cho rằng bữa cơm của người Việt hiện nay đã khác và khác nhiều so với trước đây. Sự biến đổi ấy thể hiện trên nhiều góc độ: cơ cấu thực phẩm; nguồn gốc, cách thức chế biến; mức độ tham gia của phụ nữ và nam giới trong việc nội trợ… Bữa cơm gia đình ngày nay đầy đủ dinh dưỡng hơn trước do đời sống kinh tế các gia đình tốt hơn. Thay vì chỉ ăn những món ăn thuần Việt, nhiều gia đình ở các thành phố có thói quen lựa chọn thực phẩm nhập khẩu: sữa, trái cây, thịt bò, cá… hoặc các đồ ăn chế biến sẵn để đa dạng bữa ăn, tiết kiệm thời gian. Quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa… làm thay đổi thời gian, tính chất công việc của người lao động so với lao động thuần nông trước đây, kéo theo đó là sự thay đổi trong cách tổ chức các bữa cơm gia đình. Ở các thành thị, đa số theo hướng: sáng ăn tự do, trưa trẻ con ăn ở trường, người lớn ăn ở công ty, ăn ngoài, gặp gỡ bạn bè, tối về cả nhà mới có bữa cơm cùng nhau. Còn ở nông thôn, tỷ lệ các gia đình ăn chung từ 2 - 3 bữa trong ngày với nhau nhiều hơn.

Điều đáng mừng là nhiều nét văn hóa đẹp trong bữa ăn của gia đình Việt vẫn cơ bản được bảo tồn, lưu truyền và gìn giữ qua các thế hệ. Kết quả khảo sát cho thấy: 75,8% các gia đình duy trì tục “sắp bát, so đũa” trước khi ăn, 84,9% thường xuyên mời nhau trước khi ăn. Gian bếp vẫn là nơi thể hiện sự đảm đang, khéo léo và tình yêu thương của người vợ, người mẹ, người con gái trong gia đình nhưng đã có sự tham gia ngày càng nhiều hơn của nam giới, thể hiện sự bình đẳng, chia sẻ trách nhiệm trong gia đình: 65,6% người trả lời cho biết bất cứ ai trong gia đình về sớm và có thời gian rảnh hơn sẽ nấu cơm; 88,8% cho biết các thành viên thường xuyên chuyện trò cùng nhau trong bữa ăn; 69,2% cho rằng gia đình mình thường dành trên 30 phút cho bữa cơm tối. Như vậy, cơ bản bữa cơm gia đình đang có sự biến đổi theo hướng năng động, linh hoạt và đơn giản hơn để thích ứng với điều kiện kinh tế - xã hội mới.

Bên cạnh những kết quả tích cực, có một thực tế là bữa cơm gia đình đang bị lơ là trong nhiều gia đình, nhất là ở các thành phố lớn vì những lý do bận rộn, không biết nấu nướng, ra ngoài mua cho tiện, ai thích ăn gì thì ăn. Đáng tiếc, nhiều nét đẹp trong bữa ăn đang có xu hướng mai một: sự lễ phép khi xin cơm, trao cơm; sự ý tứ trong cách nhai, gắp thức ăn, múc canh... Ở nhiều gia đình, không khí đầm ấm của bữa cơm có phần giảm sút. Nguyên nhân do con người bị chi phối nhiều bởi các quan hệ xã hội mà chưa dành thời gian thỏa đáng, mối quan tâm đúng mức cho gia đình. Mặt khác, sự chi phối của các phương tiện nghe, nhìn trong bữa cơm vô tình đã “đánh cắp” thời gian của trò chuyện.

Giữ gìn, bảo vệ và tiếp nối giá trị đích thực của bữa cơm gia đình

Rõ ràng, sự biến đổi về quy mô, tính chất của các gia đình nói chung, trong đó có bữa cơm gia đình nói riêng như là một trong những tất yếu của quá trình phát triển. Ở đó có những biến đổi tích cực nhưng cũng có nhiều vấn đề đặt ra cho công tác bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp của gia đình. Điều này không có nghĩa là bảo thủ, cố gắng duy trì những nguyên tắc cứng nhắc mà quan trọng là linh hoạt, hài hòa giữa các thành viên với gia đình, đồng thời phù hợp với sự năng động của cuộc sống mới. Chẳng hạn bữa cơm có thể đơn giản hay cầu kỳ, có thể ăn ở nhà hay ăn ngoài hàng, gia đình có thể không đầy đủ tất cả các thành viên vì lý do công việc nhưng nhất định phải đầm ấm, vui vẻ.

Không phải ngẫu nhiên mà từ năm 2014 đến 2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch liên tục chọn chủ đề ngày Gia đình Việt Nam là “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”. Năm nay, “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” vẫn là một trong những thông điệp truyền thông cho chủ đề ngày Gia đình Việt Nam và tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình “Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc. Điều đó cho thấy sự nỗ lực hành động của ngành văn hóa trong bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị tốt đẹp gia đình Việt Nam nói chung, bữa cơm gia đình nói riêng.

Thiết nghĩ bữa cơm gia đình cần phải được nhận thức như một trong những mô hình sum họp thiết yếu và là mô hình giáo dục nhân cách đạo đức thiết thực của một gia đình bền vững và hạnh phúc. Do đó, cùng với sự nỗ lực của ngành văn hóa trong tham mưu ban hành, triển khai chính sách, cần đẩy mạnh truyền thông về gia đình, nhất là ngày Gia đình Việt Nam 28/6 để nâng cao nhận thức, hành động của xã hội. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu về những giá trị văn hóa, nét đẹp của bữa cơm gia đình Việt, văn hóa ẩm thực của người Việt để bảo tồn, giữ gìn, giáo dục cho các thế hệ con cháu mai sau và quảng bá ẩm thực, văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Trải qua nhiều giai đoạn của tiến trình phát triển, gia đình đối với người Việt Nam chúng ta vẫn luôn là một thiết chế bền vững và là nhân tố tích cực thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Giữ gìn, bảo vệ và tiếp nối những giá trị đích thực của bữa cơm gia đình Việt Nam là góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, bồi đắp, nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm, nhân cách mỗi con người.

Trần Thị Loan
(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)