Chủ nhật, 24/11/2024, 16:04[GMT+7]

Nơi hội tụ và nuôi dưỡng đam mê

Thứ 4, 31/08/2022 | 08:21:41
1,297 lượt xem
Hội Sinh vật cảnh thành phố Thái Bình vừa tổ chức triển lãm sinh vật cảnh mở rộng lần thứ nhất năm 2022, quy tụ gần 100 nhà vườn từ 10 tỉnh, thành phố đến tham quan, trưng bày hơn 1.000 sản phẩm. Đây là cơ hội để những người chơi sinh vật cảnh học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, thể hiện niềm đam mê và sự khéo léo của mình trong mỗi tác phẩm được trưng bày.

Ông Lê Trí Lân, phường Bồ Xuyên (thành phố Thái Bình) mang đến triển lãm nhiều mẫu cây sanh, si mini.

Nhiều năm theo nghề sinh vật cảnh, ông Nguyễn Khắc Lưu, xã Nam Cao, huyện Kiến Xương mang đến triển lãm sinh vật cảnh bộ “Tứ trụ hoàng cung” gồm 4 cây sanh cổ được ông dày công tìm kiếm, chăm sóc gần 40 năm nay và được mua lại của các nhà địa chủ phong kiến thời xưa. Trong 4 cây sanh quý có 1 cây có tuổi đời gần 100 năm và được những vị khách đến tham quan, người chơi cây định giá rất cao. Ông Lưu chia sẻ: Chơi cây cảnh đem lại cho con người cảm giác thư thái, đức tính nhẫn nại, rèn luyện sự chịu khó của bản thân. Tôi đem đến triển lãm 4 cây sanh cổ để nhiều người cùng chiêm ngưỡng, góp ý để tôi chăm cây đẹp hơn nhưng cũng là để tìm ra chủ nhân xứng đáng với 4 cây sanh này.

Anh Trần Văn Mạnh, xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải là một trong những người trẻ tuổi nhưng đã có trong tay bộ sưu tập cây cảnh khiến nhiều người lần đầu chiêm ngưỡng cũng phải ngưỡng mộ. Anh Mạnh cho biết: Hơn 20 năm chơi cây, tôi mang đến triển lãm một cây sanh Nam Điền được tạo dáng chữ tâm; cây của tôi cũng được nhiều khách hàng đánh giá cao bởi sự tỉ mỉ trong từng chi tiết, dáng và thế của cây. Cây sanh Nam Điền này được tôi mua của người quen bên Nam Định, trải qua 3 - 4 lần thay đổi từ dáng trực tới dáng trực tán tầng, dáng trực ngũ phúc 5 bông rồi tới dáng chữ tâm với thời gian hàng chục năm mới được kiểu dáng ưng ý như ngày hôm nay. Tại triển lãm, cây sanh của tôi đã có người trả giá gần 1 tỷ đồng.

Còn ông Lê Trí Lân, phường Bồ Xuyên, thành phố Thái Bình lại đem đến triển lãm những mẫu cây sanh, si kiểu dáng mini. Ông Lân chia sẻ: Tôi chơi cây được gần 30 năm nay và có hơn 50 gốc cây cảnh các loại. Tôi không trưng bày các loại cây cảnh to, thế độc đáo mà đem đến triển lãm những gốc cây sanh, si, tùng... với kiểu dáng mini, được tạo theo dáng cổ để người chơi cây có thêm sự lựa chọn cho phòng khách, phòng làm việc, phòng ngủ của mình. Nếu người chơi có nhu cầu xem thêm các loại cây khác, tôi sẵn sàng cung cấp thông tin, hình ảnh với đa dạng dáng, thế để người chơi có nhiều lựa chọn.

Đông đảo người dân từ các tỉnh, thành phố đến tham quan triển lãm sinh vật cảnh.

Đối với người chơi sinh vật cảnh, thành công không chỉ ở việc tạo được những cây cảnh đẹp với nhiều dáng, thế độc lạ mà còn bảo tồn nét đẹp văn hóa của người xưa, bảo tồn những giống cây quý hiếm. Chính vì vậy, người chơi cây cảnh luôn tự tìm tòi và khai thác, lai tạo nhiều giống hoa, cây cảnh mới, đồng thời cũng bảo tồn những sinh vật cảnh cổ, có giá trị bằng phương pháp tự nhiên và sinh học. Nhiều hội viên sinh vật cảnh đã dày công sưu tầm hoặc sáng tạo nên nhiều tác phẩm đẹp có giá trị từ tự nhiên như gốc cây, đá núi, cắt ghép các loại cây với nhau để làm phong phú thêm loại hình nghệ thuật sinh vật cảnh giúp cho nhiều tác phẩm có giá trị lên đến hàng tỷ đồng.

Anh Đặng Kim Nhưng, xã Vũ Ninh, huyện Kiến Xương cho biết: Nhà vườn của tôi hiện có khoảng 500 cây với đa dạng dáng, thế, chủng loại. Tôi phải lặn lội từ Nam ra Bắc, sẵn sàng bắt xe lên đường để có thể kịp thời sưu tầm được những cây cổ với kiểu dáng đẹp, mang nhiều ý nghĩa. Ngoài những cây theo dáng cổ, tôi cũng chủ động nghiên cứu những dáng cây hiện đại, cập nhật đa dạng sản phẩm để người chơi cây đến tham quan, chọn mua có thêm sự lựa chọn. Những năm gần đây, nhà vườn của tôi thu hút rất đông khách đến mua những loại cây chơi hoa, chơi quả có kiểu dáng cổ, dáng bon sai để trưng bày dịp tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc. Nhờ nghề chơi cây sinh vật cảnh mà tôi có điều kiện cho con cái học hành đầy đủ, gia đình cũng sắm được nhiều thiết bị tiện nghi, hiện đại.

Ông Nguyễn Văn Mười, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh thành phố Thái Bình cho biết: Mặc dù mới lần đầu tổ chức triển lãm sinh vật cảnh nhưng hoạt động đã thu hút rất đông nhà vườn, chủ cây cảnh cùng nhân dân đến chiêm ngưỡng, tham quan và học hỏi kinh nghiệm làm sinh vật cảnh; điều đó chứng tỏ người dân rất quan tâm đến thú chơi này. Sinh vật cảnh được xem là thú chơi tao nhã được người xưa truyền lại, là nét văn hóa truyền thống mang tính chân, thiện, mỹ của dân tộc và đến nay có rất nhiều người đam mê sinh vật cảnh tiếp nối truyền thống, nét đẹp của cha ông. Chơi cây, chăm cây, giúp con người rèn luyện được tính kiên nhẫn, ý chí, nghị lực khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống để hoàn thiện chính bản thân mình. Thời gian tới, Hội Sinh vật cảnh thành phố Thái Bình sẽ tổ chức thêm nhiều hoạt động thiết thực nhằm tạo sân chơi, thu hút đông đảo hội viên không chỉ trên địa bàn thành phố Thái Bình mà cả các tỉnh, thành phố khác đến tham gia, đưa phong trào sinh vật cảnh của tỉnh ngày càng phát triển, tạo được chiều sâu, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho hội viên và người dân.

Tiến Đạt