Thứ 7, 20/04/2024, 11:36[GMT+7]

Gia đình 3 thế hệ "giữ lửa" chèo

Thứ 2, 09/01/2023 | 08:50:05
16,904 lượt xem
Sinh ra ở nôi chèo Sáo Đền, lấy chồng về nôi chèo làng Khuốc, cả cuộc đời Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Phạm Thị Cậy như đã được định đoạt dành cho hát chèo. Từ tình yêu với chèo cổ được bố mẹ trao truyền, bà Cậy tự hào vì con và cháu của mình giờ đây đều đang nối nghiệp “giữ lửa” nghệ thuật truyền thống.

Với những đóng góp trong bảo tồn nghệ thuật chèo, bà Phạm Thị Cậy được trao tặng danh hiệu NNƯT năm 2022.

Chồng chơi nhạc cụ, vợ hát chèo, các con, các cháu đều theo nghiệp chèo, vì vậy trong gia đình NNƯT Phạm Thị Cậy hiếm khi nào vắng tiếng đàn, tiếng hát. Nói về làn điệu chèo độc đáo của làng Khuốc, bà Cậy hồ hởi: Trước đây, tôi là diễn viên của đoàn chèo tỉnh Lai Châu, nhưng vì đam mê với hồn chèo Khuốc nên năm 1984 tôi trở về xã Phong Châu (Đông Hưng). Cũng bởi yêu chèo Khuốc, tôi đã quyết định ở lại làng từ đó tới nay. Không có sách vở, giáo án, các nghệ nhân làng Khuốc dạy chèo bằng cách truyền khẩu và làm mẫu động tác cho mình bắt chước, chứ nào có được dạy xướng âm như bây giờ. Hát đã khó nhưng đệm với trống còn khó hơn gấp bội bởi những chỗ giai điệu hát ngân hoặc ngừng nghỉ mới được phép điểm dìu lên mặt, đánh trống mõ nghệ nhân mở miệng hát là điều cấm kỵ. Cùng một làn điệu, tiết tấu như nhau nhưng phong cách chèo Khuốc hát mộc mạc, giản dị, rộn rã và xao động hơn. Lối hát chèo Khuốc không đi sâu vào nhịp phách phức tạp, không nhả chữ theo lối khôn ngoan nhà nghề, không làm lẫn phụ âm.

Được các cụ cao niên trong làng Khuốc tận tình truyền dạy hát chèo, diễn chèo, tình yêu, niềm tự hào với chèo cổ của quê chồng cứ ngấm dần vào người con gốc Sáo Đền từ lúc nào không hay. Giờ đây, bà Phạm Thị Cậy  đảm nhận vai trò Chủ nhiệm CLB chèo làng Khuốc với gần 40 thành viên. Bà cũng là nghệ nhân trẻ tuổi nhất trong 4 Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân của làng Khuốc đang nỗ lực trao truyền chèo Khuốc cho các thế hệ. Xem NNƯT Phạm Thị Cậy biểu diễn, khán giả hả hê với vai mẹ mõ trong vở chèo “Quan Âm Thị Kính” có tính cách đốp chát nhưng thật thà, dám đả phá những sai trái của chế độ phong kiến; lại cảm thương với vai bà chài trong trích đoạn chèo cổ “Vợ chồng thuyền chài” - một cô gái thùy mị, nét na, có tình có nghĩa nhưng do căm giận kẻ bạc tình mà đã gieo mình xuống sông tự vẫn, được một ông chài ở tuổi 70 cứu giúp nên nguyện lấy ông lão làm chồng dù lắm kẻ gièm pha... Ngoài ra, tiếng hát của NNƯT Phạm Thị Cậy còn được biết đến qua những bài chèo cổ, điển hình như “Tuyết dạt sông Thương”, “Hề đơm đó”, “Ván cờ tiên”...

Tham gia biểu diễn và truyền dạy cho nhiều lớp học sinh của làng chèo Khuốc, bà Cậy tự hào tới nay đã có nhiều người trong số đó trở thành những hạt nhân tiêu biểu bảo tồn nghệ thuật chèo truyền thống. Đặc biệt, học trò ưu tú phải kể đến là giảng viên trẻ tuổi, tài năng Quách Hồng Xiêm, hiện đang công tác tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình. Ở nhà là mẹ - con nhưng đối với nghệ thuật chèo, là học trò. Từ 5 tuổi, Xiêm đã quen với việc đi lưu diễn nay đây mai đó cùng bố mẹ. Mẹ diễn chèo, con là khán giả say sưa theo dõi. Về nhà, mẹ tập chèo, con cũng tập theo. Mẹ tham gia CLB chèo của làng, con cũng háo hức theo từng buổi tập. Vì vậy, đã tôi luyện nên một Hồng Xiêm hiểu chèo, yêu chèo, duyên dáng trên sân khấu và am hiểu trong từng bài giảng.

Không chỉ con gái Quách Hồng Xiêm mà với cháu nội Quách Hà Linh, NNƯT Phạm Thị Cậy cũng chú trọng cho cháu làm quen và hiểu chèo, yêu chèo từ ngày còn thơ bé. Bố mẹ đi làm ăn xa nên cả tuổi thơ Hà Linh chủ yếu ở cùng ông bà nội. Bà đảm nhận CLB chèo của làng nên với em chèo thân quen như hơi thở trong cuộc sống thường nhật. Mới học cấp 2 nhưng Hà Linh đã dạn dày với sân khấu qua nhiều cuộc thi từ cấp tỉnh tới toàn quốc. Thường ngày là cô bé cá tính nhưng lên sân khấu bỗng chốc lại trở thành nữ chín của làng chèo, đảm nhận vai diễn về những người phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi, bất hạnh trong cuộc sống, có tâm hồn chất chứa nhiều ưu tư, trăn trở nhưng luôn cao thượng, giàu lòng nhân ái, vị tha.

Nặng lòng với quê hương là nôi chèo Sáo Đền, NNƯT Phạm Thị Cậy luôn trăn trở nơi đây đã từng là một trong ba làng chèo vang danh một thuở nhưng đến nay, trải qua nhiều thăng trầm, nghệ thuật chèo dần mai một. Ngay khi biết tin Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Vũ Thư tổ chức lớp tập huấn truyền dạy nghệ thuật chèo tại xã Song An nhằm góp phần từng bước khôi phục, phát huy giá trị nghệ thuật chèo tại vùng Sáo Đền, bà động viên, khuyến khích các thành viên trong gia đình mình tích cực tham gia. Kết quả, chị gái Phạm Thị Dung của bà là Chủ nhiệm CLB chèo Sáo Đền, còn em trai cũng đã có màn thể hiện xuất sắc vai diễn Lý trưởng ở trích đoạn “Lý trưởng mẹ Mõ” trong vở chèo “Quan âm Thị Kính”, mang đến nhiều phấn khích cho khán giả tại buổi ra mắt CLB chèo Sáo Đền.

Với sự định hướng của bà nội là NNƯT Phạm Thị Cậy, em Quách Hà Linh mới học cấp 2 nhưng đã có thể biểu diễn nhiều trích đoạn chèo cổ đặc sắc.

Cả cuộc đời dành cho chèo cổ, NNƯT Phạm Thị Cậy cũng như bao người con quê lúa mong và tin rằng một ngày không xa, nghệ thuật chèo với những giá trị và bản sắc riêng có sẽ sớm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Chính bà cùng những người thân yêu trong gia đình cùng bà con lối xóm, cùng những người hiểu chèo, yêu chèo trên khắp dải đất hình chữ S sẽ trở thành những nhân tố tiêu biểu để chung tay bảo tồn nghệ thuật truyền thống của cha ông.

Tú Anh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày