Công phu mâm cỗ cá thịnh soạn trong lễ hội đền Trần
Đó là cảm nhận của ông Mai Văn Thạnh, một du khách từ quận Đống Đa, Hà Nội khi về dâng hương tế lễ tại đền Trần, xã Tiến Đức (Hưng Hà), và được chiêm ngưỡng hội thi cỗ cá riêng có tại nơi đây. Sôi nổi hòa mình vào hội thi cỗ cá trong lễ hội đền Trần, được tổ chức vào sáng ngày 14 tháng Giêng, không chỉ ông Thạnh và rất nhiều du khách thập phương cùng nhân dân địa phương đều thán phục nét tài hoa của những người thợ làm nên mâm cỗ cá cũng như sự chu đáo, cẩn thận của các làng trong việc trình bày mâm cỗ cá thịnh soạn.
Ông Thạnh cho biết: điều khiến cho ông ấn tượng nhất là cả 8 thôn tham gia hội thi, có tới 24 con cá được chế biến kỳ công nhưng không con nào bị tróc vẩy, con nào cũng to, đẹp và có thế như đang bơi. Điều đó thể hiện tấm lòng của người dân địa phương đối với các vua Trần, đối với lễ hội truyền thống.
Đội tế cỗ cá là những bậc cao niên có uy tín trong làng, xã tiến hành nghi thức truyền thống.
Còn đối với bà Từ Thị Thuyên, một thành viên trong đội thi cỗ cá của thôn Phú Vật, xã Tiến Đức, hội thi này là điểm hẹn trong mỗi dịp đầu xuân mới. Bà Thuyên hào hứng cho biết: cả đội làm cỗ cá của thôn Phú Vật có khoảng 10 người nên năm nào mâm cỗ cũng được chuẩn bị rất kỹ. Từ trước Tết chúng tôi đã đi ngắm cá, chọn cá và đặt trước. Con cá được chọn phải có tiêu chuẩn trên 5kg, như năm nay, mâm cỗ của thôn Phú Vật có cá trắm hơn 6kg, cá chép, cá trôi hơn 5kg. Khâu làm cá được thực hiện kỹ lưỡng, cẩn thận làm sao cho cá không bị tróc vẩy, đẹp về hình thức. Làm cá đã công phu nhưng về khâu trang trí, trình bày cũng rất kỹ lưỡng, bao gồm các món giò, mọc, chân giò, hạt sen, nem chạo, trầu cánh phượng, hoa cắm để mâm cỗ cá dâng lên cúng vua.
Thường ngày là những thợ cày, thợ cấy nhưng cứ đến mỗi kỳ lễ hội đền Trần, người dân xã Tiến Đức lại trở thành những đầu bếp tài hoa và lành nghề. Họ luôn tâm niệm: Dù cuộc sống lúc thăng, lúc trầm nhưng còn gốc văn hóa sẽ là tiền đề để thúc đẩy sự phát triển chung của vùng đất dựng nghiệp nhà Trần. Để có cá làm mâm cỗ tiến vua, từ trước khi cuộc thi diễn ra nhiều tháng, các làng đã cử người có kinh nghiệm đi khắp nơi lựa chọn, tìm mua cá to về ao thả. Ao thả nuôi cá phải sạch sẽ, thoáng mát, nước trong ao không ô nhiễm, sao cho cá đủ lớn theo trọng lượng quy định.
Ông Lê Văn Vũ, Bí thư chi bộ thôn Tam Đường thông tin thêm: đội làng Tam Đường có cá trắm, cá chép, cá trôi, đã chuẩn bị cách đây gần 1 năm. Sáng ngày 13 tháng Giêng, thôn tổ chức kéo, bắt lên. Chúng tôi thống nhất trước với bên kỹ thuật không được để cá quẫy mạnh, như thế ảnh hưởng đến vây, vẩy.
Sau khi cá đã được mổ sạch, xát muối khử mùi tanh, những người làm cỗ cá lành nghề bắt tay vào khâu quan trọng nhất, đó là tạo hình cho cá, sao cho cá trông không bị óp, giống như chưa mổ. Sau khi bụng cá đã căng tròn, lúc này, những người thợ lành nghề làng Tam Đường sẽ thực hiện công việc như của một bác sĩ phẫu thuật, khéo léo khâu lại vết vổ, làm cho bụng cá như liền lại. Chính bởi vậy, dù đã được làm sạch, cá vẫn có hình dạng như lúc ban đầu. Người nghệ nhân không thể nóng vội trong khâu rán cá bởi nếu không giữ nhiệt độ tốt, để dầu nóng quá sẽ dẫn tới việc cá bị bong vẩy. Các bậc cao niên trong làng Tam Đường kể lại: Kỳ công là vậy nhưng trước đây cá được làm ở mức độ khó, mang tính nghệ thuật, thẩm mỹ rất cao.
Ban giám khảo chấm điểm 8 mâm cỗ cá tham gia hội thi.
Mâm cỗ cá tiến vua được chuẩn bị công phu của các làng trong xã Tiến Đức.
Cá sau khi được chế biến phải có hình dáng như đang bơi .
Cá được trang trí đẹp tham gia hội thi.
Khi mâm cỗ cá của cả 8 thôn được rước vào đền, đội tế cỗ cá là những cụ cao niên có uy tín trong làng, xã sẽ thay mặt toàn thể nhân dân đọc bài tế trước liệt tổ liệt tông nhà Trần. Bài văn tế cầu cho muôn dân an lành, hạnh phúc, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Sau khi phần chấm điểm của ban giám khảo đã được hoàn tất, du khách thập phương, các khán giả của hội thi mới được tiến sát đến từng mâm cỗ cá để chiêm ngưỡng, ghi lại những hình ảnh đẹp và trò chuyện cùng người thợ làm cỗ cá về nét văn hóa độc đáo của nơi đây. Lễ hội đền Trần trong đó có tục thi cỗ cá với tính nghệ thuật cao là điểm đến hấp dẫn về du lịch văn hóa tâm linh mỗi dịp đầu xuân mới.
Tú Anh
Tin cùng chuyên mục
- Táo quân 2025 sẽ đến trong đêm Giao thừa năm nay! 26.12.2024 | 10:56 AM
- Đêm Gala “Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn”: Đoàn kết là sức mạnh 21.12.2024 | 09:16 AM
- Vũ Thư tổ chức đêm hội hoa đăng tưởng niệm 1.008 năm ngày Thánh đản (1016 - 2024) 17.10.2024 | 10:47 AM
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 09.10.2024 | 21:15 PM
- Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI tại tỉnh Ninh Thuận, năm 2024 16.09.2024 | 21:16 PM
- Thiếu Văn Sơn - Chân dung một người cầm bút 03.06.2024 | 17:14 PM
- Ghé thăm ngôi đình hơn 130 tuổi nơi Bác Hồ trò chuyện cùng người dân Thái Bình 19.05.2024 | 17:35 PM
- Liên hoan Bé làm quen với làn điệu chèo truyền thống quê hương 19.04.2024 | 15:43 PM
- 37 thí sinh, nhóm thí sinh dự thi vòng bán kết cuộc thi tài năng nghệ thuật trẻ tỉnh Thái Bình 07.04.2024 | 17:52 PM
- Hưng Hà: Dâng hương tưởng niệm 790 năm ngày Đức Thái Tổ Trần Thừa băng hà 27.02.2024 | 16:14 PM
Xem tin theo ngày
- Công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng công nhận thị trấn Tiền Hải mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại IV
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
- Gặp mặt cán bộ, hội viên Câu lạc bộ Lê Quý Đôn
- Khen thưởng 12 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác văn phòng cấp ủy
- Công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ
- Hội nghị Chính phủ với chính quyền địa phương
- Không ngừng nghỉ trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
- Họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI
- Chính thức khởi động cuộc thi trắc nghiệm trên internet tìm hiểu “Lịch sử Đảng bộ, lịch sử tỉnh Thái Bình”
- An Ninh: Khánh thành Trung tâm giáo dục cộng đồng