Thứ 5, 25/04/2024, 11:54[GMT+7]

Hội thi kéo lửa nấu cơm cần: Linh hoạt trong mọi tình huống nuôi quân

Thứ 3, 07/02/2023 | 08:27:10
5,141 lượt xem
Trong suốt những ngày diễn ra lễ hội đền Trần, xã Tiến Đức (Hưng Hà) đều sôi nổi những hội thi dân gian độc đáo, mang đậm nét văn hóa riêng có và là những bài học lịch sử dành cho thế hệ hôm nay đối với truyền thống của cha ông. Với ý nghĩa đó, hội thi kéo lửa nấu cơm cần được tổ chức vào ngày 16 tháng Giêng nhằm tái hiện thực tế ứng biến của quân và dân ta trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo đảm cho quân ta tiến quân bách chiến bách thắng, bảo vệ Tổ quốc.

Mỗi đội gồm 4 thành viên có sự phối hợp nhịp nhàng trong từng công đoạn.

“Về thành viên tham gia hội thi, chúng tôi lựa chọn những cựu chiến binh đã một thời xông pha khói lửa trận mạc, hiện nay là những người nông dân trực tiếp trên cánh đồng để làm ra hạt thóc, hạt gạo. Qua kinh nghiệm tham gia nấu cơm cần nhiều năm, niêu cơm của thôn Tây Nha chúng tôi khi đã hoàn thành có mùi thơm đặc trưng của gạo nếp trên cánh đồng quê hương, là tình cảm, sự trân trọng đối với hạt gạo - sản vật của đất trời” - đó là những chia sẻ tâm huyết của ông Nguyễn Trọng Kiên, Bí thư Chi bộ thôn Tây Nha, xã Tiến Đức về hội thi dân gian kéo lửa nấu cơm cần. 

Không giống với các hội thi dân gian khác, thành viên tham gia thi kéo lửa nấu cơm cần gồm 2 nam, 2 nữ, trong đó 2 thành viên nam được các đội lựa chọn là các cựu chiến binh. Tham gia hội thi, các thành viên của mỗi đội đều phải có sự sáng tạo ứng biến kịp thời, tinh thần đồng đội để phối hợp nhịp nhàng ăn ý. Đây là hội thi truyền thống nhằm tái hiện lại thực tế ứng biến của quân và dân ta trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và bảo vệ Tổ quốc. Chính bởi vậy, các cựu chiến binh đều có những cảm xúc đặc biệt.

Cựu chiến binh Trần Viết Bình, thành viên đội kéo lửa nấu cơm cần thôn Nhật Tảo, xã Tiến Đức xúc động chia sẻ: Chúng tôi rất phấn khởi là những người lính được quân đội rèn luyện, giáo dục, trở về quê hương phát huy truyền thống của Bộ đội Cụ Hồ tham gia. Khi tham gia hội thi, rất xúc động như được nấu cơm cho những người chiến sĩ trong chiến trận, cố gắng thật nhanh sao cho bộ đội được ăn no, có sức để chiến đấu. Khó khăn của nấu cơm cần là làm sao phải đều lửa, các thành viên phải cùng đi đều và các trang bị cho việc nấu cơm phải chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ từ trước. Nếu những người tham gia nấu cơm không có được sự phối hợp chặt chẽ, đồng lòng với nhau thì cơm không thể chín đều, chỗ khê, chỗ sống.

Còn cựu chiến binh Lê Như Đối, thôn Tam Đường, xã Tiến Đức - một khán giả tham gia cổ vũ hội thi cho biết: Tôi rất xúc động nghĩ lại thời gian còn ở chiến trường, hội thi này khiến tôi nhớ lại kỷ niệm ngày xưa và cảm thấy rất tự hào về những năm tháng chiến tranh gian khổ nhưng đầy hào hùng của dân tộc ta.

Thi nấu cơm cần tại lễ hội đền Trần không có nhiều nghi thức. Trong trang phục truyền thống, 2 thành viên nam khiêng một đòn quang đựng nồi đã tra gạo và nước. Khi hiệu lệnh bắt đầu hội thi vang lên, thành viên chịu trách nhiệm khiêng quang đựng nồi phải đi bộ vòng quanh nơi diễn ra hội thi, người tham gia chơi cùng vừa phải đi theo vừa phải châm lửa, giữ lửa, điều chỉnh ngọn lửa sao cho trong thời gian 30 phút quy định, cơm chín đều. Nồi cơm nào đủ hơi, cơm chín đều, không khô, không nhão, trình bày lên đĩa đẹp mắt, vệ sinh sạch sẽ được chấm giải cao. 

Bà Hoàng Thị Hiền, thành viên đội nấu cơm cần thôn Nhật Tảo, xã Tiến Đức cho biết: Chị em chúng tôi dậy từ 3 giờ sáng, chỉn chu các vật dụng từ nồi niêu, củi lửa đến cắm hoa, têm trầu trình bày mâm cơm sao cho đẹp mắt để phục vụ nấu cơm cần, mong cho các đội thi đều thuận lợi, cùng nhau bảo tồn nét đẹp văn hóa cổ truyền.

Sau 30 phút nỗ lực của các đội thi, niêu cơm được hoàn thành và trình bày lên mâm, trang trí đẹp mắt cho thấy sự chu đáo, cẩn trọng của mỗi người dân nơi đây đối với hội thi truyền thống. Tham gia hội thi, đội nào cũng cố gắng đạt giải cao như giải dành cho đội nấu cơm nhanh nhất, giải dành cho đội trình bày đẹp nhất... Niềm hăng say, phấn khởi và hào hứng tạo nên không khí thi đua, tinh thần gắn kết giữa người dân trong xóm ngoài làng trong những ngày đầu xuân mới. 

Là thành viên ban giám khảo, bà Phan Thị Phương Thanh nhận xét: Thành viên của cả 8 đội thi đều tham gia rất tích cực, cơm thơm, ngon, dẻo với thời gian bảo đảm tốt theo yêu cầu đề ra. Có những đội nhanh trước thời gian của ban tổ chức mà vẫn đạt giải cao. Từ hội thi năm nay, chúng tôi hướng các đội tham gia trong những năm tiếp theo cần đa dạng về độ tuổi của các thành viên như có thêm thành viên ở độ tuổi thanh niên để các em thêm hiểu, thêm trân trọng những năm tháng chiến tranh gian khổ.

Hội thi kết thúc trong tiếng cười rộn rã, niềm hân hoan đạt giải cao của các đội thi, để lại dấu ấn tốt đẹp cho các thành viên cũng như các cổ động viên và du khách thập phương. Họ hẹn nhau mùa lễ hội năm sau lại cùng tham gia thi kéo lửa nấu cơm cần - nét văn hóa dân gian độc đáo của nơi đây, để cùng truyền lại cho con cháu tình yêu, niềm kính trọng đối với những thành quả mà cha ông đã dày công gây dựng nên trong suốt chiều dài lịch sử bảo vệ đất nước.

Tú Anh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày