Thứ 6, 10/01/2025, 22:05[GMT+7]

Đâu rồi lời ru của mẹ

Thứ 6, 24/02/2023 | 15:24:38
10,485 lượt xem
Hát ru là một trong các loại hình nghệ thuật truyền thống được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân. Hát ru xuất hiện từ rất sớm, cùng với lao động sản xuất và được truyền từ đời này sang đời khác thông qua truyền miệng. Hát ru là món ăn tinh thần không thể thiếu trong sinh hoạt gia đình truyền thống, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Theo nhiều nhà nghiên cứu về văn hóa dân gian, trong nghệ thuật hát ru vùng đồng bằng Bắc Bộ, lời ru có thể sử dụng các câu ca dao, đồng dao, các truyện thơ, bài thơ theo thể lục bát. Lời ru đóng vai trò rất quan trọng đối với sự hình thành nhân cách của đứa trẻ. Sự kết hợp giữa ý nghĩa răn dạy của lời ru với tình thương yêu và những cử chỉ âu yếm: vỗ nhẹ, xoa đầu… của người mẹ, người chị góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm của con người ngay từ khi đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời.

Thông qua ý nghĩa của lời ru giúp đứa trẻ từng bước hình thành, nhận biết được công lao trời biển của cha mẹ, vun đắp tình yêu quê hương, đất nước, lòng hướng thiện, biết căm ghét cái ác. Lời ru thể hiện sự kính trọng cha mẹ: Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con; rồi bài ru: Con ơi con ngủ cho lâu/ Mẹ còn đi cấy đồng sâu chưa về/ Bắt được con trắm con trê/ Cầm cổ lôi về, nấu nước làm lông/ Miếng nạc thì để phần chồng/ Miếng xương phần mẹ, miếng lòng phần con/ Bống ơi thân dạ héo mòn/ Đắng cay buồn tủi để con nên người. Lời ru vun đắp tình cảm anh, chị em: Anh em như thể chân, tay/ Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần… Khôn ngoan đối đáp người ngoài/ Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau. Lời ru diễn tả cuộc sống thanh bình, vun đắp cho trẻ tình yêu quê hương, đất nước: Cái cò, cái vạc, cái nông/ Sao mày dẫm lúa nhà ông hỡi cò/ Không không, tôi đứng trên bờ/ Mẹ con nhà diệc đổ thừa cho tôi/ Chẳng tin ông bắt mà đôi/ Mẹ con nhà nó còn ngồi đằng kia… Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương… Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn. Những câu ca dao, đồng dao, bài thơ thường được sử dụng trong hát ru đã góp phần hình thành cảm xúc hướng thiện, căm ghét cái ác, bọn trộm cướp, giặc giã: Con ơi nhớ lấy câu này/ Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan… Thằng tây chớ cậy xác dài/ Chúng tao người nhỏ nhưng dai hơn mày/ Thằng tây chớ cậy béo quay/ Mày thức hai buổi là mày bở hơi/ Chúng tao thức bốn đêm rồi/Ăn cháo ba bữa chạy mười chín cây/ Bây giờ tao gặp mày đây/ Sức tao vẫn đủ bắt mày hàng tao… Ngay ở tỉnh Thái Bình, thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều câu đồng dao, vè kháng chiến cũng được các bà, các mẹ dùng làm lời ru nhưng cũng là để cổ vũ tinh thần quân dân trong tỉnh thi đua giết giặc lập công: Ai về qua mạn cống Kem*/ Dừng chân đứng lại mà xem quân nhà/ Súng trường mã tấu xông pha/ Xông lên bắt sống quan ba tiểu đoàn… Hay bài: Chị em phụ nữ Thái Bình/ Ca lô đội lệch vừa xinh vừa giòn/ Người ta nhắc chuyện chồng con/ Lắc đầu nguây nguẩy, em còn đánh tây.

Điểm một vài dẫn chứng nêu trên để thấy rằng: hát ru là một loại hình nghệ thuật mang tính đại chúng; là nét đẹp văn hóa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Thông qua hát ru đã thể hiện trách nhiệm của gia đình, những bậc cha mẹ, anh chị trong việc giáo dục con trẻ hiểu về chân - thiện - mỹ (cho dù còn rất sơ khai) ngay từ khi chúng chưa đi học, chưa tham gia vào các hoạt động xã hội; là việc kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục thanh, thiếu nhi. Về ca từ trong hát ru rất phong phú vì đã có sẵn trong kho tàng văn hóa dân gian, trong các bài thơ, truyện thơ. Nghệ thuật hát ru không khó, không phải tập tành “thầy thợ” nhiều, chỉ cần các bậc làm cha, làm mẹ “để tâm” là thực hiện được.

Những thập niên 1950 - 1960 của thế kỷ trước, khi còn nhỏ, chúng tôi thường được nghe người lớn hát ru mỗi khi trẻ khóc gắt ngủ, hoặc lúc trẻ hờn giỗi. Mẹ tôi không được đi học. Sau này bà đánh vần từng chữ được là nhờ phong trào “Bình dân học vụ”. Nhưng ngoài việc sử dụng ca dao: con cò, con vạc… bà còn sử dụng ca từ trong các truyện thơ như: Truyện Kiều, Tống Trân Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa… để ru các em (và chắc khi bà ru tôi cũng vậy). Mẹ không biết chữ nhưng thuộc truyện thơ, thuộc ca dao để ru con là nhờ bà ngoại dạy bằng phương pháp truyền miệng. Rồi đến lượt chị em chúng tôi cũng thuộc và biết ru em khi cha mẹ vắng nhà. Lớp chúng tôi khôn lớn, trưởng thành trong tiếng ru của bà, của mẹ; cùng những kiến thức học tập ở trường và sự giáo dục của đoàn thể đã giúp chúng tôi trở thành lớp thanh niên “biết yêu thương, căm giận, biết chiến đấu và làm nên thắng trận”. Nhiều người đã viết đơn tình nguyện bằng máu để được vào chiến trường đánh Mỹ. Không ai tuyệt đối hóa hát ru nhưng rõ ràng hát ru có tác dụng không nhỏ trong việc giáo dục bồi dưỡng đạo đức, nhân cách con người ngay từ khi lọt lòng mẹ.

Trước đây, Bộ Quốc phòng đã một vài lần tổ chức cuộc thi hát ru và cuộc thi mẹ duyên dáng, con khỏe ngoan trong toàn quân. Chẳng những đông đảo nữ quân nhân, nữ công nhân viên nhiệt tình tham gia, say sưa luyện tập, mà cả “đấng phu quân” trong và ngoài quân đội cũng hăng hái động viên vợ, con cùng tham gia. Nhiều người còn tranh thủ thời gian đến xem biểu diễn - một loại hình diễn xướng phong phú, sinh động. Thông qua hội thi, chị em vừa được giao lưu học hỏi vừa có tác dụng giáo dục trực tiếp, giúp chị em và các cháu hiểu sâu sắc hơn về lời ru của mẹ.

Bây giờ, tiếng ru hời của các bà, các mẹ hầu như không thấy, chẳng phải trên phố thị, mà khi đi dọc các làng quê, trong đó có nhiều thôn, làng đạt danh hiệu đơn vị văn hóa nhưng cũng thiếu vắng tiếng hát ru của các bà, các mẹ. Lý do thì nhiều và có cái cũng có lý: nào là các bà, các mẹ phải đi làm ở công ty cả ngày; rồi trẻ ba tuổi đã đi học ở trường mầm non. Và rồi ở đâu đó, nếu cần hát ru thì nhờ công nghệ. Nhưng những lúc người mẹ cho con bú, hoặc những ngày nghỉ, giờ nghỉ, mẹ bế con đung đưa trên võng cũng không hề nghe thấy tiếng hát ru và có một thực tế là rất nhiều người mẹ trẻ thuộc nhiều bản nhạc nước ngoài, lại không biết hát ru con.

Chợt nhớ, bài thơ Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa của nhà thơ Nguyễn Duy. Ông đã viết những câu thơ, theo tôi là cực hay về ý nghĩa và tính nhân văn sâu sắc của hát ru: Mẹ ru cái lẽ ở đời/ Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn/ Bà ru mẹ, mẹ ru con/ Liệu mai sau, các con còn nhớ chăng. Rồi câu: Ta đi trọn kiếp con người/ Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru.

Năm 2023 là năm kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943; là năm cả nước nói chung, tỉnh Thái Bình nói riêng đẩy mạnh triển khai học tập, quán triệt, tuyên truyền Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021. Tỉnh ủy Thái Bình ban hành Kế hoạch số 131-KH/TU, ngày 30/9/2022; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 10/KH-UBND, ngày 18/1/2023, để triển khai thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư. Mặt khác, trong bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu cũng có quy định: mỗi thôn, làng phải có một câu lạc bộ văn hóa, thể thao thuộc một trong các loại hình như: bóng đá, bóng chuyền, cầu lông; câu lạc bộ thơ, chèo... Tuy nhiên, phần nói về việc khôi phục và duy trì nghệ thuật hát ru trong các văn bản nói trên chưa được đề cập đúng với vị trí, vai trò vốn có của môn nghệ thuật này. Thực tế ở các thôn, làng trong tỉnh, các loại hình câu lạc bộ văn hóa thể thao nói trên, nhiều nơi hoạt động thường xuyên, hiệu quả nhưng câu lạc bộ hát ru thì vẫn vắng bóng.

Khôi phục và duy trì nghệ thuật hát ru, làm cho hát ru trở thành phong trào sâu rộng trong tỉnh là việc rất khó nhưng không phải bất khả thi. Nếu được lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, các ngành, các địa phương vào cuộc, nhân dân thông suốt đồng lòng, chắc chắn sẽ thực hiện được. Và lúc đó, việc giáo dục đạo đức, lối sống, lẽ sống trong thanh, thiếu nhi và toàn dân nhất định sẽ đạt hiệu quả tốt hơn.

NGUYỄN VĂN HÁN
(Cựu chiến binh thành phố Thái Bình)


* Cống Kem thuộc xã Minh Tân, huyện Kiến Xương.