Chủ nhật, 24/11/2024, 10:26[GMT+7]

Thưởng lãm 80 bức tranh của các “Nghệ sĩ là chiến sĩ”

Thứ 6, 24/02/2023 | 16:08:58
2,101 lượt xem
Triển lãm “Nghệ sĩ là chiến sĩ” gồm 80 bức tranh của nhiều tên tuổi lớn trong giới mỹ thuật Việt Nam thời kỳ đầu, cho thấy nhận thức và đóng góp của họ với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng nền văn hóa mới.

Khai mạc triển lãm "Nghệ sĩ là chiến sĩ".

Ngày 24/2, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mở triển lãm “Nghệ sĩ là chiến sĩ” tại địa chỉ 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội, nhân kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023).

Phát biểu tại lễ khai mạc, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh nhấn mạnh, để hưởng ứng Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, các văn nghệ sĩ mạnh dạn tham gia vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, dũng cảm nhận trách nhiệm xây dựng và phát triển nền văn hóa mới Việt Nam. Trong đó, có nhiều họa sĩ đã tham gia vẽ tranh, tổ chức triển lãm, làm báo, tuyên truyền, dạy mỹ thuật và trực tiếp cầm súng chiến đấu.

Triển lãm thu hút sự quan tâm thưởng lãm của công chúng.

Triển lãm “Nghệ sĩ là chiến sĩ” giới thiệu 80 tác phẩm từ bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, sáng tác từ năm 1945 đến 1954, trên chất liệu giấy, bằng kỹ thuật ký họa chì, mực, màu nước, bột màu, in… của 30 tác giả thuộc các thế hệ họa sĩ đầu tiên của nền mỹ thuật Việt Nam, trong đó có 22 hoạ sĩ trưởng thành từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. 

Đây là những bức tranh được thực hiện khi các họa sĩ hòa mình và tham gia và đoàn quân Nam tiến, dân công, Hội Văn hóa Cứu quốc, Thanh niên Cứu quốc, lực lượng quân đội, du kích… kịp thời ghi lại những hình ảnh chân thực, giàu cảm xúc về lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí quyết chiến quyết thắng, thi đua tăng gia sản xuất, truyền thống hiếu học của quân dân cả nước. 

Trong đó, có thể kể đến tác phẩm “Dao găm rèn cho du kích” (1945, Nguyễn Hiêm), “Làm kíp lựu đạn” (1947, Nguyễn Đỗ Cung), “Kéo bễ lò rèn” (1951, Trần Văn Cẩn), “Đoàn kết chống xâm lăng” (1947, Văn Giáo), “Du kích Bến Tre” (1948, Diệp Minh Châu), “Dân công kháng chiến” (1948, Lê Quốc Lộc), “Dân công sửa chữa cầu đường” (Tây Bắc) (1951, Nguyễn Sỹ Ngọc), “Bộ đội nghỉ trong hang” (1951, Tô Ngọc Vân), “Lội suối” (1952, Nguyễn Trọng Hợp), “Tay bừa tay súng” (1954, Huỳnh Văn Thuận), “Đi cấy” (1954, Nguyễn Văn Tỵ)… 

Triển lãm còn trưng bày bộ tranh địch vận - một hình thức tuyên truyền góp phần làm dao động tâm lý phía bên kia chiến tuyến, của họa sĩ Lương Xuân Nhị rất đặc sắc.

Triển lãm “Nghệ sĩ là chiến sĩ” diễn ra đến hết ngày 5-3, vừa thể hiện sự chuyển biến tích cực về nhận thức tư tưởng của các họa sĩ Việt Nam thế hệ đầu, vừa là dịp tôn vinh và tri ân những người đã sử dụng bút vẽ, bảng màu làm vũ khí, đem năng lực, nhiệt huyết và sự hy sinh để cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng nền văn hóa mới.

Một số tác phẩm tại triển lãm:

Tác phẩm "Đồng bào Tây Bắc vui sướng được thấy ảnh Hồ Chủ tịch" - Mai Văn Hiến.

Tác phẩm "Đi cấy" - Nguyễn Văn Tỵ.

Tác phẩm "Một hai đi hùng binh" - Trần Văn Cẩn.

Bộ tác phẩm địch vận của họa sĩ Lương Xuân Nhị.

Tác phẩm "Địch vận" - Nguyễn Sáng.

Tác phẩm "Tổ săn máy bay" - Huỳnh Văn Thuận.

Theo hanoimoi.com.vn