Thứ 6, 10/01/2025, 20:03[GMT+7]

Ngân tiếng chèo quê

Thứ 3, 28/02/2023 | 15:46:59
19,193 lượt xem
Theo thanh âm réo rắt, bổng trầm của chèo, chúng tôi tìm đến ngôi nhà của ông Phạm Đào Văn, thôn Kinh Hào, xã Đông Kinh (Đông Hưng) - nơi các thành viên câu lạc bộ (CLB) chèo của xã đang say sưa luyện tập các làn điệu chèo. Quên đi những vui buồn, mệt nhọc của cuộc sống thường nhật, gặp gỡ nhau, tiếng hát chèo lại ngân vang, hòa quyện với nhịp phách, cung đàn.

Các thành viên CLB chèo xã Đông Kinh trong một buổi sinh hoạt.

CLB chèo xã Đông Kinh được thành lập từ năm 2017. Từ 15 thành viên, đến nay qua 6 năm, CLB đã thu hút, tập hợp được gần 30 thành viên. Dù mỗi người một công việc, một hoàn cảnh, dù tuổi đời không còn trẻ nhưng đến với CLB, họ coi nhau như những người thân trong gia đình, đoàn kết, gắn bó yêu thương nhau vì tình yêu duy nhất - đó là tình yêu nghệ thuật chèo.

Ông Phạm Đào Văn tâm sự: Tôi yêu văn nghệ từ khi còn lứa tuổi thanh niên. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, tôi thường tham gia phong trào văn nghệ ở địa phương. Từ đây, tôi biết đến chèo, rồi say chèo lúc nào không nhớ. Tôi cũng tập chơi đàn hồ rồi chuyển sang đàn tam. Bây giờ đảm nhiệm vai trò nhạc công của CLB. Chúng tôi, người trẻ nhất cũng gần 50 tuổi, người cao tuổi nhất cũng ngót nghét 80 nhưng ai cũng say mê chèo.

Chúng chính “lửa” niềm đam mê nghệ thuật chèo mà “chất” nghệ sĩ thường trực trong mỗi thành viên. Chính vì thế, CLB trở thành ngôi nhà thứ hai của những người như ông Văn. Ban ngày bận rộn, vất vả với cuộc mưu sinh nhưng khi ngưng tay cuốc, tay cày, khi dừng công việc thường nhật là họ lại cùng nhau cất cao tiếng hát. Ngoài đời họ là những người nông dân chân lấm tay bùn hay cô bán hàng chợ sớm nhưng khi lên sân khấu, họ lại trở thành những người nghệ sĩ thực thụ, là anh Khóa, anh Hề, là cô Thị Màu hay nàng Tấm...

Để phát triển phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng cũng như gìn giữ nghệ thuật chèo truyền thống, huyện Đông Hưng thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu, hội thi, hội diễn các câu lạc bộ chèo. 

Bà Nguyễn Thị Bắc, thành viên CLB chèo Đông Kinh cho biết: Chèo đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của mỗi người dân xã Đông Kinh. Cuộc sống có hiện đại, chỉ cần một cú nhấp điện thoại là có thể nghe ca nhạc mọi lúc mọi nơi nhưng chiếu chèo quê vẫn có sức cuốn hút mọi người. Hễ trong thôn, ngoài xã tổ chức văn nghệ mà có sự góp mặt của CLB là người dân đến xem đông vui. Dù tuổi tôi cũng đã cao, hơi cũng dần cạn nhưng tôi vẫn thích hát chèo, vẫn muốn được lên sân khấu để biểu diễn phục vụ bà con cũng như gìn giữ bản sắc chèo của quê hương.

Chính vì CLB có những người tâm huyết như bà Bắc, ông Văn nên kể từ khi thành lập đến nay, CLB Chèo xã Đông Kinh vẫn tràn đầy “nhựa sống”. Mặc dù không có nguồn kinh phí ổn định, mọi hoạt động đều do thành viên tự nguyện đóng góp nhưng không có lời kêu ca, phàn nàn từ các thành viên. Mỗi buổi sinh hoạt CLB đều tràn ngập không khí hứng khởi, các thành viên nhiệt tình chỉ bảo, hướng dẫn cho nhau để câu hát thêm ngọt ngào, điệu múa thêm nhuần nhuyễn.

Ông Bùi Hữu Đàm, Chủ nhiệm CLB chèo Đông Kinh bộc bạch: Đi biểu diễn ở các hội nghị của thôn, xã, địa phương có bồi dưỡng chút kinh phí thì CLB lại tiết kiệm vào quỹ để mua sắm thiết bị, trang phục, nhạc cụ, đạo cụ. Các thành viên ai khá giả thì tự nguyện đóng góp thêm. Vì hoạt động trên tinh thần tự nguyện nên cứ đến với CLB là vui như tết. Chèo mà, chèo là có anh, có em, có nàng, có chàng, có thiếp. Chúng tôi đều là những người đã luống tuổi nên chỉ mong “vui, khỏe, có ích”, còn chút hơi cạn “góp nhặt" vào việc gìn giữ và phát huy nghệ thuật chèo truyền thống của huyện Đông Hưng nói riêng, Thái Bình nói chung.

Chẳng phải thế mà qua 6 năm thành lập, “vốn liếng” về chèo của CLB Chèo xã Đông Kinh không phải là ít so với những chiếu chèo chuyên nghiệp. Không chỉ “bảo tồn” được 5 trích đoạn chèo cổ như màn Vu quy, Lý trưởng mẹ Đốp trong vở Quan Âm Thị Kính; trích đoạn Lưu Bình – Dương Lễ; trích đoạn Hoàng tử về dự hội làng trong vở Tấm Cám hay nhiều trích đoạn trong vở Trương Viên, CLB còn tự dàn dựng, soạn lời mới các ca cảnh, vở diễn mới ca ngợi quê hương, đất nước…

Chủ nhiệm CLB Chèo Đông Kinh Bùi Hữu Đàm chia sẻ thêm: CLB có đủ thành phần từ nhạc công, diễn viên đến soạn giả, đạo diễn. Chúng tôi tự tin mang “gánh” chèo quê mình đi biểu diễn phục vụ nhân dân trong xã, ngoài huyện và tham gia biểu diễn tại các hội thi, hội diễn cấp huyện, cấp tỉnh mà không cần mượn thêm người ở các CLB khác.

 Trái ngọt được đền đáp xứng đáng khi 6 năm qua, CLB đã đạt nhiều giải trong các hội thi, hội diễn chèo không chuyên do các cấp tổ chức. Đặc biệt, cuối năm 2022 vừa qua, tại liên hoan các CLB chèo không chuyên do Phòng Văn hóa – Thông tin phối hợp với Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện Đông Hưng tổ chức, CLB chèo Đông Kinh tham gia 4 tiết mục, trong đó giành 2 giải A, 1 giải B và 1 giải Nhất toàn đoàn.

Bà Trần Thị Thanh Thủy, Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin huyện Đông Hưng nhấn mạnh: Hiện nay, trên địa bàn huyện Đông Hưng có khoảng 40 CLB chèo không chuyên hoạt động. Đây là những hạt nhân quan trọng để đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ở địa phương. Đối với CLB chèo xã Đông Kinh được đánh giá là một trong những CLB mạnh trong huyện. Tình yêu chèo của những “nghệ sĩ” không chuyên ở Đông Kinh ví như hạt giống gieo xuống vườn hoa nghệ thuật chèo của huyện nhà, từ đó góp phần cùng cấp ủy, chính quyền các cấp gìn giữ, phát huy giá trị một loại hình đặc sắc của quê hương Đông Hưng.

Hoàng Linh
(Đài TT-TH Đông Hưng)