Thứ 3, 23/04/2024, 20:04[GMT+7]

CLB Họa sỹ trẻ Thái Bình với hành trình Phủ xanh biên giới Hà Giang

Thứ 6, 03/03/2023 | 14:46:49
2,515 lượt xem
20 thành viên của CLB Họa sỹ trẻ Thái Bình và 5 họa sỹ thuộc Chi hội Mỹ thuật Lào Cai, giảng viên Trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ) và thành phố Hà Nội lên đường tới Hà Giang tham dự trại sáng tác mỹ thuật từ ngày 17 - 20/2, thời khắc của mùa xuân trên vùng đất cao nguyên đá địa chất toàn cầu.

Các họa sỹ trong trại sáng tác.

Ngay sau lễ khai mạc, các họa sỹ của CLB họa sỹ trẻ Thái Bình chuẩn bị sẵn họa phẩm và thực hiện sáng tác. Hoạt động thu hút được rất đông những người dân bản địa, khách du lịch trong nước và quốc tế cùng nhau chiêm ngưỡng. Các họa sỹ hăng say trong những nét bút, vệt màu và hòa mình trong thiên nhiên tươi đẹp của vùng đất quyễn rũ này. 24 bức tranh được hoàn thành trong buổi chiều đầu tiên - một "thành tích" đáng nể của anh em họa sỹ Thái Bình. Du khách được cảm nhận tác phẩm ra đời trực tiếp, được tận mắt thấy sự hình thành và tài năng của các họa sỹ trực họa nên có nhiều sự đồng cảm. Đây cũng là sự truyền cảm đến công chúng và những người yêu hội họa theo cách tự nhiên và gần gũi nhất.

Buổi sáng ngày thứ 2 đoàn vào bản Nặm Đăm của người Dao cách nơi ở hơn chục kilomet. Các họa sỹ tỏa đi khắp các con đường của bản để tìm cảm hứng cho tranh. Nhiều người Dao lấy làm lạ bởi họ chưa chứng kiến các họa sỹ vẽ tranh bao giờ, mặc dù họ đã làm du lịch và tiếp xúc với rất nhiều khách trong và ngoài nước. Ông Vàng A Sùa, người dân địa phương chia sẻ: Tôi chưa bao giờ được xem họa sỹ vẽ, hôm nay các họa sỹ vẽ đẹp quá, bản mình được lên tranh, được lên tivi rồi, vui quá..

Buổi trưa như thường lệ là lúc những bức tranh được trưng bày tại khu nhà văn hóa cộng đồng của bản, câu chuyện nghệ thuật lại được chia sẻ, góp ý và đón nhận.

Điểm vẽ trực họa thứ hai là bản Cán Tỷ, đây cũng là một bản đặc sắc của đồng bào người H’mông sinh sống, tại đây có thành cổ Cán Tỷ được quân đội Pháp xây dựng ngay từ những ngày đầu chiếm đóng Hà Giang (1887). Trải qua thời gian dài thành đã bị hư hỏng khá nhiều nhưng vẫn giữ được những cấu trúc chính. Đây là điểm tham quan thú vị trên cung đường Hạnh Phúc khám phá cao nguyên đá Đồng Văn. Tới đây các họa sỹ hòa nhập ngay cảm xúc của mình và trực họa luôn vì chỗ nào cũng hấp dẫn và nhiều góc đẹp. Rất nhiều khách du lịch đi qua dừng lại xem và xin được chụp hình cùng các họa sỹ. Những lời ngợi khen, thán phục của du khách làm cho các họa sỹ thêm năng lượng mới cho tác phẩm.


Cuối buổi chiều, 44 bức tranh được trưng bày, các họa sỹ cùng nhau chiêm ngưỡng những thành quả của mình và đồng nghiệp, nhiều tác phẩm ấn tượng và mang hơi thở của vùng cao nguyên đá đã hòa quyện vào tranh.

Các tác phẩm được trưng bày.

Sang ngày thứ 3 các họa sỹ đi thực tế tại chợ Đồng Văn, tại đây các họa sỹ được tìm hiểu về văn hóa chợ của đồng bào các dân tộc trong chợ phiên sôi động hàng tuần. Rất nhiều hình ảnh được các họa sỹ ghi lại bằng điện thoại, đây cũng là cách lấy tư liệu khi chưa có đủ thời gian sáng tác trực tiếp. Đối với hội họa Việt Nam hiện đại thì nơi đây đã từng đón rất nhiều họa sỹ tên tuổi của “thế hệ Đông Dương” sáng tác về mảnh đất và con người Đồng Văn.

Sau khi mãn nhãn về chợ Đồng Văn, đoàn đến thăm cột cờ Lũng Cú và Dinh thự họ Vương, hay còn được gọi với tên Nhà Vương. Cột cờ Lũng Cú nằm trên đỉnh Lũng Cú có độ cao khoảng 1.470 m so với mực nước biển. Đây là điểm nằm cách cực bắc Việt Nam khoảng 3,3km theo đường chim bay. Cảnh quan dưới chân cột cờ là núi non trùng điệp xen kẽ bởi những khoảnh ruộng bậc thang tạo nên một vẻ đẹp kì vĩ, đặc trưng của vùng Hà Giang - Cực Bắc địa đầu của Việt Nam. Thật tự hào khi các thành viên trong đoàn được cùng nhau hát Quốc ca tại nơi thiêng liêng của Tổ quốc, ai cũng cảm thấy được niềm tự hào dân tộc. Một việc làm ý nghĩa trong hành trình của CLB Họa sỹ trẻ Thái Bình.

Họa sỹ Bích Ngọc và tác phẩm được bán đấu giá.Họa sỹ Hoàng Trung Dũng và tác phẩm được bán đấu giá. 

Tổng số tác phẩm sáng tác trong chuyến đi là 86 bức tranh. Hội đồng nghệ thuật chọn 38 tranh chất lượng tiêu biểu để trưng bày bán đấu giá. Nhiều mạnh thường quân, doanh nghiệp và nhà sưu tập cũng đến dự buổi bế mạc trại sáng tác và tham gia đấu giá tranh ủng hộ chương trình Phủ xanh biên giới Hà Giang. Kết thúc buổi đấu giá, Ban tổ chức đã thu được tổng số tiền là 77 triệu đồng, đồng thời trao tặng giấy chứng nhận cho các hội viên tham gia trại sáng tác.

Trại sáng tác mỹ thuật lần này đã mở ra cơ hội cho các hoạ sỹ được trải nghiệm khám phá vùng đất, phong cảnh và bản sắc văn hóa các dân tộc tại huyện Quản Bạ nói riêng, cao nguyên đá Hà Giang nói chung. Là dịp để các hoạ sỹ được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong sáng tác nghệ thuật, thông qua các tác phẩm góp phần quảng bá hình ảnh mảnh đất và người Hà Giang. CLB Họa sỹ trẻ Thái Bình đã có những đóng góp cho chương trình đầy ý nghĩa, giúp nghệ thuật lan tỏa yêu thương và gắn kết con người. Một hành trình xanh và tràn đầy hy vọng nơi biên cương địa đầu Tổ quốc.

Hoàng Trung Dũng
(Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình)


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày