Thứ 6, 10/01/2025, 19:18[GMT+7]

Tự hào mảnh đất quê hương tôi

Chủ nhật, 16/04/2023 | 07:44:44
3,334 lượt xem
Những ngày này, ê kíp thực hiện bộ phim điện ảnh “Hồng Hà nữ sĩ ” đang thực hiện một số cảnh quay tại trường quay thôn Đại An, xã Tự Tân (Vũ Thư). Đây là một trong ba phim truyện điện ảnh được Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đặt hàng sản xuất trong 2 năm 2022 - 2023, do Nguyễn Thị Hồng Ngát làm biên kịch và giám đốc sản xuất.

Các đồng chí lãnh đạo huyện Vũ Thư và các văn nghệ sĩ thăm, động viên đoàn làm phim.

Nguyễn Thị Hồng Ngát là nghệ sĩ chèo, nhà thơ, nhà biên kịch nổi tiếng, nguyên Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục điện ảnh, Phó Chủ tịch thường trực Hội điện ảnh Việt Nam. Nghe tin đoàn làm phim đang thực hiện những cảnh quay tại quê hương, nơi trước đây đã quay một số cảnh cho phim “Đại thi hào Nguyễn Du với Truyện Kiều”, tôi cùng nhà văn Minh Chuyên, nhà thơ Nhuệ Trần, biên tập viên sách Bảo tàng hậu chiến tranh Nguyễn Tuynh, nhà quay phim Nguyễn Cận tới thăm, trò chuyện cùng các nghệ sĩ, để hiểu hơn về cuộc đời thăng trầm của danh nhân văn hóa, thi sĩ Đoàn Thị Điểm và cùng chia sẻ niềm phấn khởi, tự hào của những văn nghệ sĩ Thái Bình với các thành viên đoàn làm phim.

Đón chúng tôi vào nơi các diễn viên đang quay cảnh quan Thượng thư Lê Anh Tuấn (do NSND Trung Anh đóng) bay về trời, Hồng Ngát giới thiệu về chúng tôi với anh chị em đoàn làm phim và giới thiệu đạo diễn Nguyễn Đức Việt cùng một số diễn viên nổi tiếng như Lê Khanh, Trung Anh, Vĩnh Xương và diễn viên trẻ Anh Đào, người thủ vai nữ sĩ Đoàn Thị Điểm.

Qua giới thiệu của nhà biên kịch và một số tư liệu, được biết: Đoàn Thị Điểm sinh năm 1705, tại làng Giai Phạm (sau đổi thành Hiến Phạm), huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên; biệt hiệu là “Hồng Hà nữ sĩ”. Thân phụ của nữ sĩ là Hương cống Đoàn Doãn Nghi, chuyên dạy học và bốc thuốc. Năm 16 tuổi, Đoàn Thị Điểm được quan Thượng thư Lê Anh Tuấn nhận làm con nuôi, đưa về kinh thành Thăng Long. Vị Thượng thư có ý định dạy cho con nuôi những kiến thức cần thiết để tiến cử vào cung nhưng Đoàn Thị Điểm kiên quyết chối từ. Tại Thăng Long, Đoàn Thị Điểm được đọc rất nhiều sách của quan Thượng thư, vì vậy kiến thức của bà được rộng mở. Đoàn Thị Điểm nổi tiếng về tài văn thơ đối đáp, là người con gái có bản lĩnh, một nữ sĩ tài hoa, hội tụ đủ công, dung, ngôn, hạnh. Nhưng chính vì sự quá hoàn hảo và xuất chúng nên đường tình duyên của bà lại muộn màng. Mãi đến năm 1743, bà mới kết duyên cùng Tiến sĩ Nguyễn Kiều. Hạnh phúc lứa đôi chưa đầy một tháng thì chồng bà đi sứ sang Trung Quốc. Ba năm ròng rã chờ chồng, bà đã nhận được bản “Chinh phụ ngâm” viết bằng chữ Hán của Đặng Trần Côn. Bà dịch thành công tác phẩm “Chinh phụ ngâm” từ chữ Hán sang thơ Nôm. “Chinh phụ ngâm” của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm được xem là tác phẩm ưu tú nhất của nền thi văn trung đại Việt Nam. Và cũng chính tác phẩm này đã đưa tên tuổi nữ sĩ Đoàn Thị Điểm lên đỉnh cao trong nền văn học nước nhà.

Tại trường quay thôn Đại An, ba danh nhân văn hóa của Việt Nam là Nguyễn Du, Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm được quay nhiều cảnh. Riêng phim “Hồng Hà nữ sĩ” có cảnh Thượng thư Lê Anh Tuấn sau khi tuẫn tiết, hồn thiêng của ngài đã bay vút về trời và cảnh đám cưới của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm với Tiến sĩ Nguyễn Kiều.

Một góc phim trường tại xã Tự Tân (Vũ Thư).  Ảnh: hà phương

Để có được những cảnh quay đúng như kịch bản, giám đốc sản xuất cùng các họa sĩ dựng cảnh phải mất rất nhiều thời gian, sức lực để dựng nên những nếp nhà, gian bếp, lều tranh tre vách đất, giống hệt cảnh nông thôn nghèo đói thuở xa xưa. Một cái chợ xép với dăm ba túp lều mái lợp tranh, cột tre xiêu vẹo, những con đường đất ngoằn ngoèo... Ở Tự Tân còn một khoảnh đất toàn đầm hoang, cây cối cằn cỗi, già nua, đặc biệt nơi này không có một tòa nhà hiện đại, không có những cột điện, dây điện chằng chịt như mạng nhện nên đã đáp ứng tốt yêu cầu kịch bản.

Khi các diễn viên đang hóa trang để quay cảnh đám cưới thì đoàn đại biểu lãnh đạo huyện Vũ Thư đến thăm tặng quà đoàn làm phim. Hồng Ngát kể cho mọi người nghe về mối quan tâm của lãnh đạo xã Tự Tân, lòng mến mộ và sự giúp đỡ thịnh tình của nhân dân thôn Đại An. Tình cảm của nhân dân địa phương với anh chị em trong đoàn làm phim thật mặn nồng, ấm áp. Chủ tịch UBND huyện Phạm Thị Như Phong đề xuất với nhà biên kịch Hồng Ngát: Khi đoàn làm phim hoàn thành các cảnh quay tại Vũ Thư, bàn giao lại trường quay cho huyện, huyện sẽ đầu tư, tu bổ và biến nơi đây thành điểm du lịch. Chúng tôi rất phấn khởi với đề xuất của đồng chí Chủ tịch UBND huyện, bởi qua cầu Tân Đệ, rẽ theo hướng tay phải, điểm du lịch bắt đầu là đình, đền Bổng Điền (Tân Lập) thờ nữ tướng Quế Hoa, cạnh đó là làng vườn du lịch sinh thái Thuận Vy (Bách Thuận), tiếp đến là trường quay Đại An, theo đê đi tiếp là nhà thờ thủ lĩnh Hoàng Công Chất, từ đường Tiến sĩ Nguyễn Xuân Huyên, di tích lịch sử quốc gia đặc biệt chùa Keo, di tích làng Cọi Khê, nơi thành lập chi bộ Đảng Thư - Vũ, một trong sáu chi bộ đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thái Bình...

Ai cũng tự hào về quê hương yêu dấu của mình. Riêng tôi càng tự hào hơn vì ở ngay làng quê của tôi có một trường quay phim, một điểm du lịch thu hút nhiều khách đến tham quan. Theo Chủ tịch UBND huyện Phạm Thị Như Phong, huyện sẽ đầu tư kinh phí để bảo vệ những ngôi nhà, trồng sen trong các khu đầm, để nơi đây thực sự trở thành điểm du lịch đầy thi vị của huyện Vũ Thư.

Cao Bá Khoát
Tự Tân, Vũ Thư