Thứ 2, 12/05/2025, 10:58[GMT+7]

Nói trống không ở trẻ, điều cần lưu tâm

Thứ 3, 11/06/2013 | 08:18:50
37,245 lượt xem
Nói trống không với người lớn tuổi là hiện tượng khá phổ biến của trẻ em hiện nay. Mặc dù liên đội các trường thường xuyên phổ biến, thực hiện các phong trào “Nói lời hay, làm việc tốt”, “Gọi bạn xưng tôi” ... nhưng dường như nói lễ phép, nói có đủ chủ ngữ - vị ngữ không phải là điều dễ thực hiện với các em.

Ảnh nguồn Internet

Ngày cuối tuần, tôi có thời gian trò chuyện với cậu em con chú, mới học hết lớp 5, về tình hình học tập. Khi chị hỏi: “Hải được nghỉ hè chưa em?”, cậu trả lời ráo hoảnh: “Rồi, mới thi xong tuần trước”. Tôi hỏi tiếp: “Thế năm nay em được nghỉ hè dài không?”, cu cậu vẫn hồn nhiên: “Mấy nữa đi nhận điểm thi cô giáo mới bảo”. Tôi nhắc: “Em phải nói là: “Mấy nữa em đi nhận điểm thi cô giáo mới bảo chị ạ” chứ, sao lại nói trống không với chị?”. Thằng bé yên lặng, cúi mặt.

 

Ðây không phải là lần đầu tiên tôi gặp trường hợp trẻ nói trống không với mình như vậy. Khi trẻ nói trống không, người đối thoại trực tiếp với trẻ thường có cảm giác các em “không lễ phép”, “không ngoan”. Tâm sự với tôi, Loan - sinh viên Khoa SP Sử - Ðịa, Trường CÐSP Thái Bình cho biết: “Về quê, em thấy trẻ nói trống không với mình nhiều quá chị ạ. Giá như chúng mới 3 - 4 tuổi thì mình bảo còn non nớt, không biết, đằng này toàn các em là học sinh tiểu học, trung học cơ sở. Mình không nói trống không với người lớn, khi nói chuyện với các em, chúng nói trống không với mình, thấy nghe không được chị ạ, lại nghĩ bố mẹ, anh chị chẳng biết bảo ban”. 

 

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, có muôn vàn những nỗi “không yên tâm” của phụ huynh về con em mình nhưng việc trẻ nói trống không với người lớn tuổi chưa thực sự được các bậc phụ huynh quan tâm đúng mức. Nói trống không không chỉ gây cho người lớn tuổi cảm giác trẻ không biết lễ phép mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến nhân cách, khả năng diễn đạt, cách hành văn của trẻ sau này. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những trẻ thường xuyên nói không đủ chủ ngữ - vị ngữ, nói những câu cụt, nói trống không khi lớn lên rất dễ mắc một số tính không tốt như thiếu kỷ luật, vô tâm, bướng bỉnh...

 

Theo một số giáo viên ở huyện Hưng Hà: Sở dĩ có tình trạng học sinh nói trống không với người lớn tuổi là do ngay từ nhỏ, khi các em có hiện tượng nói trống không, phụ huynh, gia đình thường không để ý, thậm chí cho qua do đó không có ý thức sửa ngay và sửa thường xuyên cho các em. Mặc dù mục tiêu của giáo dục là trang bị tri thức và phát triển nhân cách cho các em, nhưng ở trên lớp, học sinh đông, cô nào cũng phải lo dạy cho kịp giờ, kịp tiết, thời gian tiếp xúc với các em ngoài giờ rất hạn chế nên rất khó để nhận biết và sửa cho các em.

 

Có thể thấy rằng, nói trống không với người lớn tuổi là một “căn bệnh” không hiếm gặp ở trẻ em hiện nay nhưng chưa thực sự được gia đình, nhà trường quan tâm đúng mức. Hầu hết các trường thường chú trọng dạy văn hóa, giáo dục nhân cách thông qua những bài giảng trên lớp mà chưa chú trọng đầu tư vào việc uốn nắn đạo đức cho các em thông qua những hoạt động ngoại khóa, những buổi nói chuyện ngoài giờ, sinh hoạt trên lớp. Trong khi đó, ở nhiều gia đình, tình trạng các bậc phụ huynh đua nhau cho con đi học thêm hết lớp này đến lớp khác mà không quan tâm đến lời nói, việc làm của các em ngay tại nhà ngày càng phổ biến. Thiết nghĩ, dù ở thời đại nào đi chăng nữa, việc ứng xử có văn hóa là một tiêu chí quan trọng để “đo” nhân cách, đạo đức của mỗi người; việc nói trống không của rất nhiều trẻ em hiện nay nếu không được gia đình, nhà trường quan tâm kịp thời sẽ gieo mầm cho một thói quen xấu, không có lợi cho sự phát triển nhân cách, đạo đức sau này của thế hệ tương lai.

Vũ Hường

  • Từ khóa

cao huế - 5 năm trước

uốn tre thì uốn thuở còn măng.

Tải thêm

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày