Thứ 6, 10/01/2025, 06:53[GMT+7]

3 triển lãm đặc sắc vinh danh Cố đô Huế và Nhã nhạc Cung đình Việt Nam

Thứ 5, 15/06/2023 | 16:47:50
1,207 lượt xem
Theo thông tin từ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, Lễ kỷ niệm 30 năm (1993-2023) Quần thể Di tích Cố đô Huế và 20 năm (2003-2023) Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản thế giới sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 16 đến 18-6, với nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn và ý nghĩa.

Nhã nhạc cung đình Huế.

Cụ thể, bên cạnh lễ kỷ niệm diễn ra vào 20h ngày 17-6-2023 tại Quảng trường Ngọ Môn gắn với chương trình nghệ thuật tôn vinh các di sản, trong suốt thời gian này, sẽ có các hoạt động tham quan, trải nghiệm Quần thể Di tích Cố đô Huế, trình diễn Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam cùng các triển lãm: “Giang sơn Việt Nam trên Cửu đỉnh”; “Di sản diễn xướng cung đình và cảm hứng hội họa”; "Thần Kinh nhị thập cảnh, thơ vua Thiệu Trị".

Triển lãm “Giang sơn Việt Nam trên Cửu đỉnh” diễn ra tại Hiển Lâm Các, Đại nội Huế, giới thiệu 9 chiếc đỉnh đồng được vua Minh Mạng ra lệnh đúc năm 1835 và khánh thành vào ngày 1-3-1837. Đây là các di vật biểu tượng cho quyền lực, sự chính thống, mong muốn trường tồn của vương triều Nguyễn.

Triển lãm “Di sản diễn xướng cung đình và cảm hứng hội họa” diễn ra tại Trường lang Tử Cấm Thành, Đại nội Huế, giới thiệu hơn 60 tác phẩm là kết quả của trại sáng tác “Mỹ thuật và Di sản”, với các chất liệu sơn dầu, lụa, sơn mài, đồ họa, agrilic… 

Thông qua ngôn ngữ tạo hình mỹ thuật, các họa sĩ đã khiến các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của Kinh thành Huế xưa, như: Nhã nhạc, múa cung đình, tuồng cung đình và ca Huế tiếp tục tỏa sáng trong không gian kiến trúc cung đình Huế. Ngoài nội dung triển lãm, các tác phẩm kể trên còn được in trong tập vựng “Diễn xướng cung đình Huế qua tác phẩm mỹ thuật”.

Cửu đỉnh triều Nguyễn sẽ được giới thiệu tại nhiều sự kiện.

Triển lãm "Thần Kinh nhị thập cảnh, thơ vua Thiệu Trị" diễn ra tại Thái Bình Lâu, Đại nội Huế, gồm 20 bài Ngự chế của vua Thiệu Trị, mô tả các cảnh đẹp nổi tiếng của kinh đô Huế, bao gồm 7 thắng cảnh tự nhiên và 13 thắng cảnh do con người tạo nên. 20 bài Ngự chế này đã được các nghệ nhân, nhà nghiên cứu thư pháp thuộc hội Thư pháp Truyền thừa Đài Loan (Trung Quốc) tái hiện thành 53 bức thư pháp, với nhiều loại hình bút pháp khác nhau như triện, lệ, chân, hành, thảo…, để giới thiệu tới công chúng và du khách.

Các hoạt động nhằm giới thiệu, tôn vinh và nâng tầm giá trị di sản văn hóa thế giới tại Huế; mang đến cho du khách thêm cơ hội tìm hiểu về vùng đất cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, giàu truyền thống văn hóa, đồng thời tiếp tục bảo đảm thực thi nghiêm túc những cam kết với UNESCO trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản hướng tới mục tiêu gìn giữ và bảo tồn di sản cho thế hệ mai sau. 

Theo hanoimoi.com.vn