Thứ 6, 10/01/2025, 08:18[GMT+7]

Chuyện ghi ở làng Keo

Thứ 6, 30/06/2023 | 15:23:09
2,538 lượt xem
Mỗi lần về tham quan và dự lễ hội chùa Keo, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tôi lại ghé thăm Tổ đình và trò chuyện với ông Nguyễn Thuyên, một nông dân làng Keo hàng ngày tự nguyện ra chùa làm “công quả” giúp nhà chùa hệ thống số hóa các công trình kiến trúc ở nơi này và giúp khách thập phương hiểu thêm về ngôi chùa cổ, di tích lịch sử cấp quốc gia chùa Keo gần 400 năm tuổi. Ông Nguyễn Thuyên được nhiều người tôn vinh là “nhà chùa Keo học”.

Ông Nguyễn Thuyên tự học chữ Hán Nôm, dịch và lưu giữ các di văn văn bia tại di tích lịch sử chùa Keo.

Tôi không có ý viết và giới thiệu về các công trình 128 gian của chùa Keo gắn với lịch sử huyền tích của Thiền sư Dương Không Lộ, bởi xét thấy sự hiểu biết và bút văn của mình chưa chạm đến được sự thâm sâu. Chùa Keo gắn với đời vua Lý Thánh Tông (1059 - 1065). Nhiều sách viết về thời Lý đều ghi câu chuyện của Lý Thánh Tông mắc bệnh “Hóa hổ” các danh y của triều đình thời đó đều bó tay. Thuở đó, có nhà sư Không Lộ vốn làm nghề chài lưới và làm danh y đương thời chữa cho vua lành bệnh. Tạ ơn ấy vua Thánh Tông bèn cho xây dựng chùa, cấp đất cho sư làm nơi trụ trì và phong làm Đại pháp Thiền sư kiến quốc sư chùa Keo, tên chữ là Thần Quang bắt đầu từ đây…

Có dịp ngồi cùng với ông Nguyễn Thuyên tại Tổ đình chùa Keo tôi đã hỏi ông có biết và hiểu tích này không? Ông nói có biết và đã cập nhật lưu lại trong máy tính, dự sẽ đóng thành sách để cung cấp thông tin cho khách về tham quan, thưởng ngoạn cảnh chùa. Những chia sẻ đầu tiên của “nhà chùa Keo học” dành cho tôi là như vậy. Ông Nguyễn Thuyên sinh năm 1971 là con út của cán bộ lão thành cách mạng Nguyễn Văn Đông, người làng Keo, xã Vũ Nghĩa nay là xã Duy Nhất. Anh trai của ông là Nguyễn Văn Nam đi bộ đội và hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968 tại chiến trường miền Nam. Ông Thuyên vì sức khỏe yếu nên sau khi học xong cấp 3 năm 1988 không đủ điều kiện đi bộ đội và cũng không học lên đại học mà ở lại quê nhà làm ruộng giúp bố mẹ rồi xây dựng gia đình. Từ hơn 30 năm nay ông tự nguyện ra chùa làm “công quả” giúp thầy chùa, khi thì làm vệ sinh trong nội tự, lúc quét dọn sân chùa, khi giúp thầy chùa cập nhật lại thông tin lịch sử của chùa Keo vào máy tính để lưu giữ cho đời sau.

Ông Thuyên khoe rằng, để có kiến thức về chùa Keo, ông đã phải nhiều năm bền bỉ thấm bốn chữ tự: Tự tâm, tự nguyện, tự học và tự cập nhật thông tin vào máy tính. Riêng với việc tự học, trau dồi kiến thức ngoại ngữ của mình, ông bảo: Trong suốt hơn 30 năm tự nguyện ra chùa công quả, tôi đã tự học được 3 ngoại ngữ, biết viết và nói tiếng Anh, biết đọc và viết tiếng Pháp, biết đọc, biết viết và dịch chữ Hán Nôm. Ông Thuyên nói tất cả các hoành phi, câu đối, di văn nói về chùa Keo bằng chữ Hán Nôm đều đọc và dịch ra Việt Ngữ được, có nhiều đoàn khách đến tham quan, vãn cảnh chùa đã nhờ ông làm hướng dẫn viên giới thiệu về di tích và dịch các văn bia đang có tại chùa. Ông Thuyên viện dẫn về Thành hoàng làng Keo - người có công xây dựng chùa Keo là Quận công Hoàng Nhân Dũng và phu nhân Lại Thị Ngọc Lễ. Chuyện là Quận công Hoàng Nhân Dũng có mối quan hệ rộng và sâu nặng trong triều Hậu Lê, còn bản thân bà Lại Thị Ngọc Lễ là con gái của gia đình quý tộc, khi được nhà vua cấp đất và cho phép xây dựng chùa Keo, hai vợ chồng Quận công Hoàng Nhân Dũng đã đi rất nhiều nơi vận động công đức xây dựng chùa. Ông bà đã mời được Thủ họa (kỹ sư thiết kế) là Nguyễn Văn Trụ, người quê vùng Thanh Trì, Hà Nội về thiết kế các hạng mục chùa Keo. Trải qua 19 năm (1611 - 1632), việc xây dựng chùa Keo hoàn tất. Riêng việc khởi công xây chùa từ năm 1630 đến năm 1632 thì hoàn công. Phía trước ngôi chùa là trục Thần Đạo nhìn ra sông Cái (sông Hồng). Sóng xanh nghìn gợn, ngẩng đầu trông ra nơi Triều Sơn, phía sau mây vàng muôn đám, ngoái cổ nhìn xem chốn Phượng Lĩnh. Mấy gò gấm vóc ôm ấp sông dài, một dãy đồi tròn trặn kê sát đại dương quả là chốn đẹp nhất trên đời… Ông Nguyễn Thuyên đã ghi chép và thuộc lòng lời văn này khi giới thiệu về chùa Keo và đọc cho tôi nghe như vậy. Ông cũng lần lượt kể cho tôi nghe các phong tục, các tích trò trong lễ hội chùa Keo hàng năm như thi nấu cơm cần, bơi trải, đấu roi, đấu vật, chọi gà, có cả thi đốt pháo… Các tích trò ấy được ông cập nhật và văn bản hóa lưu giữ cẩn thận trong máy tính, sẵn sàng cung cấp cho khách thập phương và những ai cần tìm hiểu về lịch sử chùa Keo. 

Phiến đá mài rêu phong phủ xanh đặt bên giếng cổ xung quanh được xếp chồng bằng những chiếc cối giã gạo thời xưa, nay được ông  ghi chép và số hóa vào máy tính. Ông tự hào và bật mí cho tôi biết người viết và kể lại lễ hội chùa Keo bằng thơ chính là ông nội của ông - cụ đồ Nguyễn Văn Hàm người làng Keo (1884 - 1929) và ông Thuyên đã chuyển cho tôi bài thơ gồm 41 câu đúc kết của cụ đồ Nguyễn Văn Hàm nói về lễ hội chùa Keo rằm tháng chín. Tôi xin trích dẫn 8 câu thơ đầu tiên cụ đồ Nguyễn Văn Hàm giới thiệu về lễ hội chùa Keo:

Làng Keo tôi nhất niên, nhất lệ

Cứ đến kỳ tháng chín, mười ba

Hồi giờ Dần rước vị Thánh ra

Thi kèn trống gọi là khảo thí

Rước ban đêm sang đầu giờ Tuất

Đâu đấy xem Thánh ngự hoàn cung

Sáng mười tư cờ mở trống giong

Lại rước Thánh ra tam quan ngoại…

41 câu thơ của cụ đồ Nguyễn Văn Hàm trao lại cho cháu nội Nguyễn Thuyên lưu giữ như là một báu vật riêng có của lễ hội chùa Keo mà ít có ngôi chùa nào lưu giữ được. Hơn 30 năm ông Nguyễn Thuyên - một nông dân trẻ, hiền hậu chất phác ở làng Keo, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư đã dành tâm huyết cho lịch sử làng Keo, tâm huyết với di tích lịch sử cấp quốc gia, tự nguyện về nơi cửa Phật và cửa Thánh công quả công sức mỗi ngày, dày công cập nhật những tinh túy về ngôi chùa cổ gần 400 năm tuổi để góp phần lưu giữ những tinh hoa văn hóa cho đời sau.

Nếu bạn có dịp về thăm chùa Keo sẽ gặp ở đây một người nông dân Nguyễn Thuyên có hiểu biết sâu sắc về chùa Keo và có thể đồng hành hướng dẫn bạn hiểu thêm về tài nghệ tuyệt vời của những người thợ Việt Nam trong việc ghép mộng gỗ liền khối mà tưởng như không có mộng. Bạn sẽ được ông Nguyễn Thuyên cung cấp thêm hiểu biết về một gác chuông chùa Keo cổ kính đẹp có một không hai trên đất nước này…

Nguyễn Công Liêm
(Thành phố Thái Bình)