Minh Chuyên - Người có duyên với sách giáo khoa Ngữ văn
.. Tôi phải nêu khá chi tiết “con đường" của một tác phẩm ngoài nhà trường vào trong sách giáo khoa như thế nào để bạn đọc có thêm thông tin cần thiết. Và cũng để nói rằng những tác phẩm của nhà văn Minh Chuyên từ ngoài nhà trường đã bước vào sách giáo khoa Ngữ văn – Tiếng Việt là một dấu mốc lớn, bắt đầu một giai đoạn mới: Tác phẩm sống lại và nhân lên trong lòng hàng triệu học trò.
Hội đồng Quốc gia sách giáo khoa (Bộ sách Cánh Diều) đã chọn 3 tác phẩm văn học của nhà văn Minh Chuyên gồm: Truyện ký “Vào chùa gặp lại” vào sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11. Truyện ký “Chuyện ông Hoàng Cầm" vào sách văn bản đọc hiểu, Ngữ văn 11 và bút ký "Bác học của ruộng đồng" trích vào sách Tiếng Việt lớp 4. Điều giản dị nhưng rất giàu ý nghĩa ấy không phải nhà văn nào cũng có được. Âu cũng là cái duyên của Minh Chuyên với sách giáo khoa trong nhà trường.
Nhân tác phẩm “Vào chùa gặp lại” được chọn vào sách Ngữ văn 11 ( Bộ sách Cánh Diều), tôi nhớ lại, cách đây hơn 20 năm, từ lần làm chương trình Ngữ văn Trung học phổ thông năm 2000 (do GS Trần Đình Sử làm Tổng chủ biên), chúng tôi đã định chọn tác phẩm Người không cô đơn của Minh Chuyên vào chương trình... Nhưng rồi do nhiều nguyên nhân, cuối cùng tác phẩm ấy vẫn không có mặt trong sách giáo khoa Ngữ văn 12.
Gần 20 năm sau, khi xây dựng chương trình Ngữ văn 2018, tôi được chỉ định làm Tổng chủ biên trong việc thiết kế chương trình Ngữ văn mới. Khi ấy chúng tôi lại nghĩ đến Minh Chuyên. Vấn đề không phải là sửa chữa cho việc làm chương trình lần trước, mà là xuất phát từ yêu cầu mới. Chương trình Ngữ văn 2018 đòi hỏi dạy học đọc hiểu theo thể loại. Với lớp 11 cần có tác phẩm để dạy cách đọc thể loại truyện kí. Ngoài ra tác phẩm ấy còn phải phản ánh được thành tựu văn học thời kỳ đổi mới, vẫn học thời hậu chiến, các tác phẩm viết về những cảnh ngộ xót đau, bi kịch; những số phận éo le, oan trái; những di họa khủng khiếp của chiến tranh ...để giáo dục và nhắc nhở thế hệ trẻ. Với yêu cầu ấy, nhà văn nào có thể đáp ứng được ? Đầu tiên chúng tôi đã nghĩ đến Minh Chuyên với hàng loạt tác phẩm kí và truyện kí sinh động, đầy ám ảnh. Tôi đã lần lượt đọc các tác phẩm của anh, từ “Thủ tục để làm người còn sống” (1988) làm xôn xao dư luận cả nước đến “Người không cô đơn”, “Nước mắt làng", “Vào chùa gặp lại", "Đứa con màu da thú", "Cha con người lính”... Ban đầu, chúng tôi định chọn tác phẩm Thủ tục làm người còn sống, viết về anh thương binh Trần Quyết Định, chịu bao cảnh cực kỳ gian khổ, bi đát chỉ vì từ chiến trường trở về, anh chỉ mang theo giấy chứng thương mà không có giấy phục viên, xuất ngũ... thế là phải mất bao năm tháng, công sức để chạy thủ tục làm người còn sống... Sau đó, đọc lại nhiều tác phẩm khác của Minh Chuyên. Bài nào cũng nêu lên một thực trạng khủng khiếp, nhiều việc đến khó tin, nhiều cảnh, nhiều chi tiết rùng rợn... Chuyện đều là có thực nhưng khó đưa vào sách giáo khoa để tránh những ý kiến cực đoan cho rằng sách giáo khoa toàn cảnh bi đát, u ám, nặng nề... Cuối cùng chúng tôi chọn Vào chùa gặp lại - một câu chuyện xúc động, vừa nói lên một cách nhẹ nhàng, lặng lẽ những hi sinh mất mát của người lính, vừa thể hiện rõ những đặc điểm của thể loại truyện kí.
Truyện kí là thể loại giao thoa giữa truyện và kí, trong đó, nhà văn dựa vào những con người và sự việc có thật, lựa chọn, sắp xếp và tổ chức thành câu chuyện hấp dẫn, làm nổi bật đối tượng được phản ánh bằng ngôn ngữ văn học. Truyện kí phát triển mạnh trong các cuộc kháng chiến do yêu cầu cổ vũ động viên, ca ngợi những người anh hùng, người thật, việc thật,... Những tác phẩm như Sống như anh của Trần Đình Vân viết về anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi viết về cuộc đời chị Út Tịch,... là những truyện kí tiêu biểu của thời kỳ chống Mỹ cứu nước.
Truyện kí có sự kết hợp giữa hư cấu và phi hư cấu, một mặt chú trọng tính xác thực về con người và sự kiện,... mặt khác sử dụng hư cấu với các chi tiết, tâm lý nhân vật, sự việc,.... do nhà văn tưởng tượng ra khiến câu chuyện hiện lên vừa chân thực, khách quan, vừa sinh động theo cách nhìn độc đáo của tác giả. Tác phẩm Vào chùa gặp lại của Minh Chuyên là một truyện kí như vậy.
Vào chùa gặp lại là những trang viết về: Sư thầy Đàm Thân vốn là Lương Thị Thân - một cô gái xinh đẹp quê Thái Bình tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trở thành một nữ quân y đường dây 559 Trường Sơn và từng bị thương, bị phơi nhiễm chất độc da cam. Sau chiến tranh, trở về quê hương, cô vào chùa tu hành và làm việc nghĩa vì không muốn để lại gánh nặng và nỗi đau cho gia đình, xã hội.
Người kể câu chuyện là nhà văn Minh Chuyên, người đã từng “qua gần chục ngôi chùa", rồi dừng lại một ngày để đến chùa Đông Am, xã Quang Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình - ngôi chùa có sư Đàm Thân. Đến đây, anh phải thốt lên: “Tôi thật không ngờ, Thân vừa tu hành, vừa nhận nuôi dưỡng năm đứa trẻ tàn tật, con của những người đồng đội bị nhiễm chất độc da cam, bố mẹ đều đã chết. Người quân y sĩ tôi gặp ở bình trạm 31 hơn hai mươi năm trước, giờ đây đã trở thành vị “bồ tát” nhân từ đang ngồi trước mặt chúng tôi... Đàm Thân vừa đi giám định nâng loại thương tật về. Cùng đến thăm chùa, tôi mời cả chị Vũ Thị Bích có một thời sống với nhà sư ở Trường Sơn.
Đoạn văn kể vừa nêu đã nói lên tính xác thực của câu chuyện, một đặc điểm nổi bật của tất cả các thể loại thuộc tác phẩm kí. Nhưng Vào chùa gặp lại không chỉ là bài kí ghi lại chuyện người thực việc thực mà nó còn là truyện, tức có vai trò của nhà văn trong việc hư cấu, tưởng tượng (the fiction). Yếu tố hư cấu ở đây là sự lựa chọn chi tiết, cách sắp xếp câu chuyện và những chi tiết do nhà văn tưởng tượng, bổ sung, dân dụng làm cho câu chuyện trở nên sinh động, nhân vật và sự việc có hồn mà vẫn đúng bản chất.
Câu chuyện tình yêu giữa Nguyễn Hồng Quân và Lương Thị Thân được nhà văn khéo léo để Đàm Thân kể lại với chị Bích người đã từng sống với Thân ở chiến trường. Để những người trong cuộc tự kể lại làm tăng tính thuyết phục. Cách sắp xếp và lựa chọn chi tiết, cách kể của tác giả khiến người đọc tin có một thời chiến tranh khốc liệt như thể. Một thời đạn bom, hai người yêu nhau cùng ra mặt trận, mỗi người một nơi, cả hai bị thương nặng và đều sống sót trở về... Nhưng cả hai đều nghe tin và nghĩ người yêu mình đã hi sinh, mãi mãi không trở lại. Và mỗi người đi một hướng tiếp tục cuộc sống sau chiến tranh... Bản thân câu chuyện ấy đã là một tác phẩm nghệ thuật, vừa thực và vừa mang tính hư cấu.
Nhưng Vào chùa gặp lại của Minh Chuyên không chỉ có thế, không dừng lại đơn giản thế. Từ chất liệu sự thực ấy, nhà văn đã hình dung, tưởng tượng và dựng lên một màn diễn có “cao trào”, đầy kịch tính. Người con gái người trở thành nhà sư ngày ngày tụng kinh gõ mõ và làm việc thiện cửu đời. Rồi bỗng một đêm, thật bất ngờ người con trai trở lại chùa tìm người yên sau khi biết người ấy vẫn còn sống. Quân trở lại tìm đến Thân trong một đêm như một giấc mơ. Cuộc gặp lại đầy bất ngờ và xúc động. Những tưởng họ tìm lại được hạnh phúc đã mất, nhưng rồi người đọc lại hẫng hụt chấp nhận nỗi đau của hai người: Thân từ chối trở về cùng người yêu. Lý do ban đầu để Thân từ chối là cô đã trở thành người của nhà Phật, đã theo đạo Phật... nhưng lý do thực chất mới tạo nên sự đau đớn, phẫn uất trong lòng người đọc: “Đó là do hậu quả di chứng chất độc da cam và vết thương cột sống. Nó thường xuyên làm nữa người phía dưới của Thân tê dại. Bác sĩ đã kết luận Thân không còn khả năng... Thân không thể đem lại tương lai và hạnh phúc cho Quân được."
Người đọc chưa hết bất ngờ, chưa hết đau về sự mất mát mà Thân phải chịu thì lại chuyển sang một bất ngờ khác, một nỗi đau khác. Thân gặp lại Quân ở một ngôi chùa. Quân cũng đi tu, đi tu vì Quân cũng bị nhiễm chất độc đi-ô-xin ngày còn ở núi Bà Đen. “Khi về quê nhìn thấy cảnh “tật nguyền quái dị" của những người đồng đội cùng bị nhiễm độc như anh". Khi Thân từ chối, ra về, “anh quyết không xây dựng tổ ấm gia đình nữa, vì biết mình cũng sẽ gây đau khổ cho vợ con như bạn mình".
Một câu chuyện mà bản thân cốt truyện đã mang cả tính hiện thực và hư cấu; với nội dung vừa nhân văn cao cả, vừa giàu tính hiện thực và có ý nghĩa giáo dục sâu sắc... lại được một nhà văn có nhiều kinh nghiệm trong mảng đề tài hậu chiến tranh chấp bút, tác phẩm ấy đã có đầy đủ tư cách để dạy trong nhà trường về thể loại truyện ký theo yêu cầu của Chương trình. Cũng cần nói thêm, thể loại này ở thời kỳ đổi mới không có nhiều tác phẩm thành công.
Chọn bối cảnh nhà chùa, thanh tao, yên tĩnh, để nhà sư kể lại câu chuyện của chính mình... lời văn trong vào chùa gặp lại cứ thủ thỉ tâm tỉnh như những lời tụng kinh vang lên nhẹ nhàng mà sâu lắng. Kể rất êm đềm về những tháng ngày dữ dội; những ngày tháng gian khổ không chỉ ở chiến trường mà ngay cả khi đã vào chùa, khi đã trở thành “sư bác, "sư thầy”; khi trở thành sư trụ trị vẫn thế. Vẫn “ngày ngày làm việc cần mẫn từ sáng sớm tình mơ đến tận sao khuya, ngoài đọc kinh, hành đạo còn phải "xắn tay" xốc vác những công việc của người đời".
Thông điệp nhân văn từ truyện kí Vào chùa gặp lại của Minh Chuyên vang lên từ chính nội dung câu chuyện – chuyện về “những con người con gái con trai – đẹp như hoa hồng, cứng hơn sắt thép" (thơ Nam Hà); chuyện của một thời đạn bom và khói lửa chiến tranh với biết bao hi sinh, mất mát. Những người lính không chỉ ngã xuống chiến trường mà ngay khi còn sống sót trở về cũng mang trên mình đầy những vết thương, cả thể xác lẫn tinh thần; nhức nhổi hơn cả là nỗi đau về hạnh phúc lứa đôi, hạnh phúc gia đình.
Thế hệ trẻ cần biết, hiểu và ghi nhớ về một thời chiến tranh như thế, có những con người như thế... để sống cho xứng đáng với lớp cha anh đã từng hiến dâng tuổi trẻ một thời.
Với Vào chùa gặp lại, nhà văn Minh Chuyên đã dành hết tình cảm trân trọng, yêu thương, mến phục của anh đối với những con người như thế. Tình cảm, thái độ ấy thể hiện ở hành động đi đến tận nơi, gặp gỡ từng người, tim hiểu cặn kẽ mọi sự... và hiển hiện ra trong từng lời văn, trang viết. Hầu hết câu chuyện được kể một cách khách quan theo lời người trong cuộc, nhà văn khéo léo ẩn mình đi, bộc lộ thái độ và tình cảm một cách gián tiếp... nhưng rồi cuối truyện cũng không kìm nén được tình cảm trân trọng ấy. Câu văn kết thúc văn bản đã thể hiện rõ điều đó: "Nhìn bóng Đàm Thân khuất sau cảnh của Tam bảo, tôi chợt nhớ lời nhà sư nói về sự linh ứng của kinh Pháp hoa, và cứ mường tượng như thể mình đã nhìn thấy hoa của lòng người".
Tôi luôn cho rằng, nhà trường phổ thông có một vai trò hết sức to lớn trong việc tạo ra một công chúng văn học có văn hóa, một lớp người đọc có trình độ, hiểu biết. Không nơi nào có điều kiện và cơ hội trang bị những tri thức cơ bản để hiểu văn học và thực hiện sứ mệnh giáo dục cho một công chúng đông đảo như nhà trường phổ thông.
Walt Whitman, từng nói: “Để có những nhà thơ lớn, cần phải có những độc giả lớn". Sự tương tác giữa bạn đọc, tác phẩm và nhà văn là một trong những yếu tố quyết định tạo nên tầm vóc và diện mạo của một nền văn học. Ai viết và viết cho ai? Ai đọc và đọc ai? Đó luôn là những câu hỏi của mọi thời.
Khi một tác phẩm vào sách giáo khoa, câu trả lời ai đọc, ai học đã rất rõ: hàng triệu người đọc, và học trong hàng chục năm. Câu hỏi đọc ai vì vậy trở nên rất quan trọng. Tác phẩm đưa vào sách giáo khoa trong nhà trường phổ thông sẽ có tác động rất lớn đến nhiều phương diện và yêu cầu giáo dục. Cải tốt, điều hay sẽ được cất cảnh, nâng cao, trải rộng đến nhiều nơi, qua nhiều năm tháng liên tục...
Bắt đầu từ tháng 9-2023, học sinh lớp 11 sẽ học sách này, sẽ được đọc truyện kí Vào chùa gặp lại. Hy vọng việc lựa chọn tác phẩm này của nhà văn Minh Chuyên vào sách Ngữ văn 11 (Bộ sách Cánh Diều) sẽ mang lại nhiều điều tốt đẹp cho giáo dục văn học trong nhà trường.
PGS-TS: Đỗ Ngọc Thống
Chủ biên chương trình Ngữ văn 2018, đồng Tổng chủ biên Ngữ văn Phổ thông Trung học (Bộ sách Cánh Diều)
Tin cùng chuyên mục
- Táo quân 2025 sẽ đến trong đêm Giao thừa năm nay! 26.12.2024 | 10:56 AM
- Đêm Gala “Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn”: Đoàn kết là sức mạnh 21.12.2024 | 09:16 AM
- Vũ Thư tổ chức đêm hội hoa đăng tưởng niệm 1.008 năm ngày Thánh đản (1016 - 2024) 17.10.2024 | 10:47 AM
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 09.10.2024 | 21:15 PM
- Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI tại tỉnh Ninh Thuận, năm 2024 16.09.2024 | 21:16 PM
- Thiếu Văn Sơn - Chân dung một người cầm bút 03.06.2024 | 17:14 PM
- Ghé thăm ngôi đình hơn 130 tuổi nơi Bác Hồ trò chuyện cùng người dân Thái Bình 19.05.2024 | 17:35 PM
- Liên hoan Bé làm quen với làn điệu chèo truyền thống quê hương 19.04.2024 | 15:43 PM
- 37 thí sinh, nhóm thí sinh dự thi vòng bán kết cuộc thi tài năng nghệ thuật trẻ tỉnh Thái Bình 07.04.2024 | 17:52 PM
- Hưng Hà: Dâng hương tưởng niệm 790 năm ngày Đức Thái Tổ Trần Thừa băng hà 27.02.2024 | 16:14 PM
Xem tin theo ngày
- Hơn 34.000 đại biểu tham dự hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt chuyên đề năm 2025
- Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ
- Quyết tâm đạt mục tiêu “5 không” trong bảo đảm an ninh trật tự tết Nguyên đán
- Đảng đoàn HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh: Kiểm điểm tập thể và cá nhân năm 2024
- Công tác tuyên giáo góp phần tạo sự thống nhất trong hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân
- Triển khai công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp năm 2025
- Tăng cường kiểm tra, giám sát ở những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm, tiêu cực
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra tiến độ thi công đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình
- Hội nghị kiểm điểm tập thể và cá nhân các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh