Chủ nhật, 05/01/2025, 09:36[GMT+7]

Chợt về xanh mát hồn tôi hồn làng!

Thứ 6, 12/01/2024 | 16:47:19
1,794 lượt xem
Không rõ tre mọc trên mặt đất tự bao giờ, và từ đâu tre đã bó bện với làng quê Việt đến cỡ thành ra một biểu tượng kiên gan của con người xứ sở? Một câu hỏi không có lời đáp, mà cũng chả cần chi sự chính xác niên đại tuổi tre. Tôi nghĩ, cũng như vô vàn cây cối khác mọc trên mặt đất tùy sự cần của con người mà loài cây ở hay đi, rồi nữa tùy cái tâm tính của môi trường khí hậu, của đời sống quần thể xã hội mà nên danh vị tinh thần rồi qua đó xác lập thế trụ ở thế gian cho người và vật. Với đất Việt trời Nam này, sen thành biểu tượng cho tâm và linh, tre làm biểu tượng cho cốt cách, khí phách giống nòi.

Ảnh minh họa.

Đất nước ta ở làng quê nào mà không có tre. Tre mọc thành khóm/bụi, giăng hàng ngang hàng dọc, kết bè kết mảng cứ như có sự tính toán bài bản liên thủ với nhau để tự bảo vệ, giữ gìn lấy khóm/bụi của mình. Ban đầu mới chỉ là vậy. Sau con người đến định cư, lập làng xã, để rồi cách tồn tại của giống tre đã gặp cốt tình cảm tinh thần của tộc người mà nên bầu bạn, bó bện, sở dụng, cộng sinh cùng nhau mà định cốt cách riêng một xứ trời quê.

Làng tôi xưa nhiều tre lắm. Nếu tính tre với nhà thì cứ một đi đôi đi ba, nghĩa là mỗi ngôi nhà trồng vài khóm tre mà làng tôi ngày đó có trên trăm ngôi nhà bởi thế tre có khoảng vài ba trăm khóm. Tre ngự bên vườn, mé ao, tre giăng hàng xăng hàng xếu khắp đường làng lối xóm. Và tre là nơi trú ngụ của chim cò. Cò ngàn con bay trắng trong mai sớm nắng chiều. Trong đêm trăng, cò chen nhau đậu trắng cả nhành tre. Cò ngủ, tre không ngủ, cứ liên hồi ngả nghiêng theo chiều gió. Khi gió mạnh, tre khua cò thức, lại ngàn những chiếc cánh trắng dập dờn, xao xác, rào rào khiến người già tỉnh giấc.

Theo ký ức của tôi và nghe ông bà kể lại, làng những năm 1950 - 1960 và trước nữa, có mấy thửa đất nhiều tre nhất là khu đồng dưa, khu đồng miễu, gò mả trại, gò mỏ chả. Trong làng thì có những dải cồn như cồn nhà ông Hàm, vườn nhà cụ Thưởng đều có nhiều tre và chim cò đến ở. Ông Hàm là bác họ tôi, nhà bác ở ngay bên nhà tôi. Vào đầu những năm tháng tuổi thơ đó, tôi thường cùng mấy đứa trẻ xóm ra cồn nhà bác đợi xem cò về ngủ nhưng cũng chỉ dám đến vào lúc choạng vạng, nắng còn lấp lánh trên ngọn tre, chứ lúc đêm buông thì cho kẹo bọn tôi cũng chả dám mò ra bởi tre nhiều và ken dầy khiến khoảng trời nơi cồn đất bỗng chốc thành u tối và đầy gai góc. Ban đêm ở làng xưa, nơi những cồn tre thật nhiều quyền lực bí ẩn! Mà cứ gì ban đêm, dưới vầng dương nắng tỏa, ở làng quê bao đời qua, tre vốn là thứ cây trữ đầy quyền lực. Tre đi vào đời sống con người như một kẻ bảo trợ thánh thần. Tự xửa xưa, tre đã vì con người mà hóa thân làm nên những ngôi nhà trên nhà dưới, những dãy lán nơi bãi chợ bến sông. Rồi kế đó, tre làm ra từ cái bé tý là tăm đến những thứ vật dụng sản xuất, to hơn là đòn khiêng, đòn gánh, cán cuốc, cán xẻng, cái nơm, cái đó, cái cần câu, cái câu liêm, đinh ba, cùng những dần, sàng, nong nia, thúng mẹt. Tre và nứa cùng dòng thân đốt nhà tre, đóng thành thuyền nan thuyền thúng, thành những cây cầu, con đò cái sào chuyên chở người qua sông cái sông con. Lớn lao kỳ vĩ là khi tre giăng thành lũy che chắn bão dông, làm cây mác cây chông, làm cung làm nỏ làm tên đánh giặc đem lại sự bình yên cho những ngôi làng. Vào buổi thanh bình thì tre hóa thân thành cánh diều sáo vi vu thổi sớm reo chiều, và tre còn được chế tác làm âm nhạc trong những cần bầu cần nhị, cây sáo trúc, đàn T’rưng, đàn Chapi... Khi cảm mạo ốm đau, lá tre góp mặt trong nồi nước xông; khi cha già mẹ héo, tre hóa linh thành cây gậy chống cho con lúc đưa cha mẹ ra đồng… Vậy là từ ngôi nhà che mưa nắng, đến tất tật đồ dùng vật dụng công cụ sản xuất, giai điệu âm nhạc đều được chế tác từ tre. Sự tác hợp sinh tồn giữa người và tre thật đã như cốt nhục. Quyền năng uy lực của tre kể vậy mới thấy thiết thực thiết thân thiết cốt làm sao!

Có thể nói thế này chăng: Phi tre xanh bất thành làng Việt! Ấy thế mà nay, theo nhịp điệu và hình sắc kiến thiết làng quê Việt Nam đã nhiều thay đổi. Những kiểu nhà khác, những con đường làng ngõ xóm cũng khác, rộng rãi và bê tông hóa cả rồi. Tre phải âm thầm dạt ra ven bến bãi hay di thực lại rừng. Như làng quê tôi, tre cũng đã thưa vắng lắm. Nhiều lúc lòng chống chếnh vì nỗi nhớ tre. Đành rằng mỗi thời mỗi khác. Hình ảnh quang gánh kẽo kẹt trên vai người làng nay hiếm gặp, đến cái rổ, rá, dần, sàng đan bằng nan tre nay cũng ít người dùng… Dầu lòng vậy! Hẳn nhiều người lớp tuổi U40, U50 trở lên vẫn thường lưu nhớ về làng xưa tre xưa bao ngày rủ bóng xuống cõi lòng yêu thương trong mình. Nhớ làng, nhớ tre thêm nhớ bao người làng đã đi vào thăm thẳm. Mỗi bóng người làng khuất cơ hồ đều có bóng tre bơ bải khuất theo.

Chiều nay ra đứng ven đường
Gọi làng, vọng nỗi cố hương xa vời
Tre xanh hồn của bao đời
Chợt về xanh mát hồn tôi hồn làng!

Tôi từng có những chiều thở than cùng tre vậy. Nhớ tre thêm nhớ làng!

Đỗ Trọng Khơi
(Thành phố Thái Bình)