Đặc sắc các hoạt động kỷ niệm 10 năm Tràng An là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới
Tại buổi họp báo sáng nay (24/1), tại Thành phố Ninh Bình, UBND tỉnh Ninh Bình cho biết sẽ có nhiều hoạt động đặc sắc được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên Thế giới (2014 - 2024).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Trần Song Tùng cho biết, Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình là Di sản hỗn hợp duy nhất ở Đông Nam Á được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi danh vào tháng 6/2014 căn cứ trên 3 tiêu chí về các giá trị nổi bật toàn cầu: tiêu chí V – các giá trị về văn hoá, tiêu chí VII – các giá trị về vẻ đẹp thẩm mỹ và tiêu chí VIII – các giá trị về địa chất địa mạo.
Quần thể danh thắng Tràng An nổi bật bởi vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ, cùng với bản sắc văn hóa truyền thống được gìn giữ và lưu truyền qua hàng nghìn năm lịch sử của cư dân địa phương. Đặc biệt hơn nữa, nơi đây được các nhà khoa học khẳng định là kho thông tin nguyên vẹn về truyền thống cư trú của loài người, truyền thống sử dụng vùng đất, vùng biển của người tiền sử với nhiều nền văn hóa tiếp nối liên tục và kéo dài hơn 30.000 năm.
Kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên Thế giới (2014 - 2024) tỉnh Ninh Bình sẽ tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi mang tính kết nối và lan tỏa văn hóa từ tháng 1-9/2024, trọng tâm là buổi Lễ Kỷ niệm 10 năm dự kiến diễn ra vào 20h, thứ Sáu, ngày 26/4/2024, tại Quần thể danh thắng Tràng An. Đây là sự kiện chính tôn vinh các thành tựu, những đóng góp của các tổ chức và cá nhân trong việc quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị của Di sản; lan toả các giá trị của Di sản, truyền cảm hứng và nhiệt huyết cho thế hệ trẻ, tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc để hiểu, để biết, để trân trọng và tự hào về vùng đất Cố đô Hoa Lư lịch sử, về vị trí và tầm quan trọng của Di sản đối với quốc gia, dân tộc và thế giới. Dự kiến Lễ Kỷ niệm sẽ thu hút hàng chục nghìn người tham gia và được truyền hình trực tiếp trên các kênh sóng của VTV, truyền hình Ninh Bình và các nền tảng số.
Bên cạnh đó là chuỗi các sự kiện kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, mở đầu là Lễ hội và phiên chợ Tết xưa diễn ra tại khu Phố cổ Hoa Lư, thành phố Ninh Bình từ ngày 19/1/2024 (9/12 Âm lịch) đến hết ngày 15/2/2024 (mùng 6 Tết Nguyên đán). Sự kiện này nhằm tôn vinh quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống, sản phẩm đặc trưng của địa phương, tạo cơ hội kết nối, giới thiệu, trao đổi, hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp. Đặc biệt tạo không gian Tết cổ truyền để cho nhân dân và du khách trải nghiệm, khám phá, qua đó xúc tiến quảng bá hình ảnh, thương hiệu điểm đến du lịch của tỉnh tới du khách thập phương.
Tiếp đó là Hội thảo khoa học Quốc tế với chủ đề "Phát huy vai trò, giá trị Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An trong xây dựng Đô thị Di sản thiên niên kỷ và kết nối các thành phố di sản UNESCO" được tổ chức vào tháng 4/2024 (vào dịp tổ chức Lễ kỷ niệm). Hội thảo nhằm đánh giá các kết quả đã đạt được trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị Di sản; xác định vị trí, vai trò của Di sản trong xây dựng Đô thị Di sản thiên niên kỷ. Đây không chỉ là việc bảo tồn mà còn thể hiện tầm nhìn, định hướng chiến lược phát triển toàn diện, kết hợp giữa văn hóa, du lịch, giáo dục và kinh tế. Kết nối Tràng An với các thành phố di sản UNESCO giúp tạo ra một mạng lưới hợp tác quốc tế, góp phần chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và thực hành tốt nhất trong việc quản lý và bảo tồn Di sản.
Ngoài ra, Hội thảo khoa học với chủ đề "Hành cung Vũ Lâm trong quá trình hình thành và phát triển tư tưởng phật giáo Trúc Lâm - Yên Tử của Trần Nhân Tông và giá trị lịch sử, văn hoá của bức họa 'Trúc Lâm đại sĩ xuất Sơn Đồ" nhằm khẳng định vai trò của Hành Cung Vũ Lâm cùng các di tích lịch sử - văn hóa có liên quan gắn với quá trình hình thành và phát triển Tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm – Yên Tử. Sự hình thành tư tưởng phật giáo Trúc Lâm - Yên Tử không chỉ là một phần quan trọng trong lịch sử Phật giáo mà còn là một Di sản tinh thần giá trị, làm phong phú bản sắc văn hoá Việt Nam nói chung và làm giàu các giá trị của Quần thể danh thắng Tràng An nói riêng.
Một số các hoạt động đặc sắc khác kỷ niệm 10 năm Tràng An là Di sản văn hóa và thiên nhiên Thế giới như: Tổ chức không gian trưng bày khảo cổ về các giá trị văn hoá của tỉnh và Quần thể danh thắng Tràng An; hình ảnh về 9 khu Di sản Thế giới tại Việt Nam và tọa đàm về phát triển sản phẩm du lịch khảo cổ học (dự kiến vào tháng 4/2024 tại đảo Khê Cốc - Khu du lịch sinh thái Tràng An); Tuần Du lịch Ninh Bình "Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An" (tổ chức vào cuối tháng 5, đầu tháng 6/2024); Liên hoan văn hóa ẩm thực du lịch toàn quốc; Cuộc thi báo chí viết về đề tài bảo tồn, phát huy giá trị Quần thể danh thắng Tràng An, phát triển du lịch bền vững (từ tháng 2/2024 đến tháng 9/2024); trưng bày, triển lãm sinh vật cảnh các tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Hồng mở rộng với chủ đề "Tinh hoa Cố đô" (tháng 4/2023; cuộc thi thiết kế mẫu quà tặng đặc thù của tỉnh gắn với các giá trị di sản và giá trị văn hóa, lịch sử của các di tích trong khu di sản (từ tháng 1/2024 đến tháng 6/2024)...
Tại buổi họp báo, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh cho biết, những giá trị nguyên gốc của di sản Tràng An đều được tỉnh Ninh Bình cùng cộng đồng dân cư chung tay bảo tồn. Đặc biệt, văn hóa truyền thống gắn vào ý thức hệ của người dân Ninh Bình đã hình thành ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản. Bên cạnh đó là sự vào cuộc tích cực các cơ quan truyền thông trên cả nước nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng và doanh nghiệp trong công tác bảo vệ danh thắng Tràng An.
Ông Bùi Văn Mạnh thông tin thêm, hiện có một số khó khăn trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị quần thể di sản Tràng An do đây là vùng di sản hỗn hợp với gần 30.000 dân sinh sống nên đôi khi có một số xung đột nhất định. Tỉnh Ninh Bình đã cố gắng nỗ lực từng bước làm tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa để vừa bảo tồn quần thể di sản Tràng An vừa bảo đảm sinh kế cho người dân. Bên cạnh đó, địa phương cũng đã có quy hoạch khu riêng nhằm giãn dân trong vùng lõi di sản.
Lễ kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được ghi danh chứa đựng nhiều kỳ vọng, phản ánh tầm quan trọng của Quần thể danh thắng này để thế giới hướng về Di sản hỗn hợp duy nhất của Đông Nam Á, trái tim của Đô thị Di sản thiên niên kỷ trong tương lai không xa.
Theo chinhphu.vn
Tin cùng chuyên mục
- Táo quân 2025 sẽ đến trong đêm Giao thừa năm nay! 26.12.2024 | 10:56 AM
- Đêm Gala “Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn”: Đoàn kết là sức mạnh 21.12.2024 | 09:16 AM
- Vũ Thư tổ chức đêm hội hoa đăng tưởng niệm 1.008 năm ngày Thánh đản (1016 - 2024) 17.10.2024 | 10:47 AM
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 09.10.2024 | 21:15 PM
- Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI tại tỉnh Ninh Thuận, năm 2024 16.09.2024 | 21:16 PM
- Thiếu Văn Sơn - Chân dung một người cầm bút 03.06.2024 | 17:14 PM
- Ghé thăm ngôi đình hơn 130 tuổi nơi Bác Hồ trò chuyện cùng người dân Thái Bình 19.05.2024 | 17:35 PM
- Liên hoan Bé làm quen với làn điệu chèo truyền thống quê hương 19.04.2024 | 15:43 PM
- 37 thí sinh, nhóm thí sinh dự thi vòng bán kết cuộc thi tài năng nghệ thuật trẻ tỉnh Thái Bình 07.04.2024 | 17:52 PM
- Hưng Hà: Dâng hương tưởng niệm 790 năm ngày Đức Thái Tổ Trần Thừa băng hà 27.02.2024 | 16:14 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri thành phố Thái Bình
- Gặp mặt đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình các khóa
- Năm mới, vững tin bước vào kỷ nguyên mới
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra, động viên công tác khóa sổ ngân sách năm 2024
- Xây dựng đội ngũ cán bộ cơ quan nội chính “chắc - sắc - đắc”
- Công bố các quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh về công tác cán bộ
- Gắn nhiệm vụ công tác công an với thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội
- Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025
- Kiểm điểm công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2024 của tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Hơn 34.000 đại biểu tham dự hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt chuyên đề năm 2025