Tháng Ba mùa hoa gạo
Cứ mỗi độ thời gian gọi tháng Ba về, những vạt nắng chớm vàng là hai cây hoa gạo trước cửa đình làng Thuận Nghiệp bắt đầu bung nở đỏ rực cả một khoảng trời. Người dân trong thôn không biết cây hoa gạo có từ khi nào, chỉ biết từ nhỏ đã thấy hai cây hoa gạo này đã cao lớn; ước chừng cây gần 200 năm tuổi. Hai cây gạo cổ thụ cao khoảng 30m, phần gốc của cây gạo rất to lớn phải 3 người ôm mới xuể. Xung quanh gốc có nhiều ụ nổi, vỏ cây sần sùi nhuốm màu thời gian. Năm 2015, hai cây gạo được Hội Sinh vật cảnh Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Qua hơn hai thế kỷ, hai cây gạo sừng sững như một nhân chứng sống chứng kiến biết bao những thăng trầm của làng xã.
Các thế hệ người dân xã Bách Thuận luôn trân trọng, gìn giữ các cây gạo.
Ông Phạm Đăng Đệ, một lão niên 86 tuổi trong thôn cho biết: Vốn dĩ đình làng Thuận Nghiệp có 5 cây gạo tượng trưng cho 5 dòng họ trong vùng (họ Nguyễn, họ Phạm, họ Đỗ, họ Vũ, họ Trần), trải qua bao thăng trầm của thời gian, chiến tranh, thiên tai hiện đình làng còn 2 cây tuổi đời gần 200 tuổi và 1 cây người dân mới trồng. Những năm kháng chiến chống Pháp, du kích của làng trèo lên ngọn cây gạo cao tít tắp, theo dõi bước đi của giặc, dùng tù và, loa sắt để thông báo cho nhân dân chạy nấp, tránh họng súng kẻ thù. Trong trận lũ lụt lịch sử năm 1971, hai cây gạo này là nơi giáo viên và học sinh địa phương buộc bàn ghế khỏi bị nước lũ cuốn trôi. Dưới gốc cây gạo là nơi hội họp bàn việc làng, gắn bó với tuổi thơ của biết bao thế hệ người dân Thuận Nghiệp. Những năm bình yên trở lại, cây gạo tỏa bóng mát, là nơi dân làng ngồi nghỉ ngơi, chuyện trò sau mỗi buổi làm đồng mệt nhọc.
Sắc đỏ mê mẩn mỗi khi đến mùa hoa gạo bung nở, khiến lòng người lại thổn thức như lạc vào giữa khung trời bình yên, bồi hồi nhớ về năm tháng tuổi thơ.
Trong ký ức ông Nguyễn Hải Thanh, 76 tuổi, người dân trong thôn: Hai cây gạo gắn liền với tuổi thơ ông cùng cha ra đình tế lễ và nhặt hoa gạo rơi để ăn, cái vị nhơn nhớt, chát chát của hoa gạo dường như vẫn đọng lại vẹn nguyên.
Cây gạo thường được trồng ở cổng đình, cổng làng, có ý nghĩa rất linh thiêng trong tâm thức của người dân, là nơi trú ngụ của các vị thần. Hoa gạo thường nở vào tháng Ba, đúng mùa giáp hạt, lúc người nông dân xưa thường trong tình trạng thiếu thóc, gạo. Bởi vậy, cái tên hoa gạo là biểu tượng cho niềm hy vọng, ước mong một mùa vàng bội thu, lúa gạo đầy bồ, đời sống ấm no, hạnh phúc.
Ở thôn Bách Tính cũng có 3 cây gạo cổ thụ có tuổi đời khoảng 100 năm. Không chỉ lưu giữ nét đẹp của làng quê, hàng cây gạo từ lâu còn trở thành niềm tự hào của người dân trong thôn, không ai không biết tới hàng cây gạo tựa một bức tranh thơ mộng đặt ngay tại đầu làng. Với những người con xa xứ, ngày trở về chỉ cần thấy bóng dáng cây gạo lấp ló như biết rằng mình đã đặt chân lên mảnh đất quê hương.
Một cây gạo đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
“Mỗi dịp về quê là tôi đều dừng lại dưới gốc cây gạo lấy điện thoại ghi lại những khoảnh khắc đẹp nhất của mùa hoa gạo, vì nếu bỏ lỡ mùa này phải chờ đến tận năm sau. Lúc đấy một bầu trời tuổi thơ ùa về; một thời cùng đám bạn thân đùa vui dưới gốc cây, cùng nhặt những bông hoa rụng kết thành vương miện đội lên đầu, rồi chờ đến lúc hoa gạo tàn, quả gạo già đi tách ra có những cục bông trắng muốt bên trong nhặt về để làm ruột chăn, ruột gối.”- Chị Phạm Thị Yến Nhi, người dân thôn Bách Tính, xã Bách Thuận hiện đang sinh sống và làm việc ở Hà Nội chia sẻ.
Ông Nguyễn Kim Sáu, Chủ tịch UBND xã Bách Thuận cho biết: Toàn xã hiện còn 10 cây hoa gạo, trong đó có 5 cây tuổi đời trên 100 năm trở lên. Từ thế kỷ này qua thế kỷ khác, những cây gạo như những nhân chứng sống chứng kiến bao thăng trầm, buồn vui, đổi thay của quê hương Bách Thuận. Cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã cũng luôn nâng cao ý thức giữ gìn, bảo tồn các cây gạo cổ.
Hoa gạo hay còn được gọi là hoa mộc miên gợi cho mỗi người những cảm xúc riêng khi tháng Ba về.
Bắt đầu từ giữa tháng Ba, từng bông hoa gạo bung nở như một ngọn đuốc cháy rực rỡ nền trời làm xua tan cái lạnh, cái rét còn xót lại của mùa đông mang lại cho người ta cảm giác ấm áp, lạc quan và đong đầy yêu thương. Khi hoa rụng xuống như trải một lớp thảm đỏ dưới gốc; nhiều loại chim, ong bướm bay về hút mật. Khi hoa kết hạt, hạt và bụi bông trắng theo gió bay lãng đãng trắng trời để lại ươm mầm thành cây.
Một loài hoa dân dã như chính tên gọi của nó, chỉ có sắc, không hương nhưng khiến người ta nhớ mãi. Mỗi lần ngang qua cây gạo, mọi người dường như di chuyển chậm hơn, bởi ai cũng muốn giữ riêng cho mình một khoảng trời ký ức về hoa gạo, về những miền quê thân thương, về một thời tuổi thơ chăn trâu, cắt cỏ cùng lũ bạn mà nay chỉ còn được nhắc đến với hai từ “kỷ niệm”. Cuộc sống hiện đại vội vã, ai cũng mong mau trở về nhà sau ngày làm việc mệt nhọc nhưng vẫn có cảm giác bình yên, dịu vợi khi đi ngang những con đường ngập tràn sắc đỏ hoa gạo.
Tiên Dung
(Đài TT-TH Vũ Thư)
Tin cùng chuyên mục
- Vũ Thư tổ chức đêm hội hoa đăng tưởng niệm 1.008 năm ngày Thánh đản (1016 - 2024) 17.10.2024 | 10:47 AM
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 09.10.2024 | 21:15 PM
- Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI tại tỉnh Ninh Thuận, năm 2024 16.09.2024 | 21:16 PM
- Thiếu Văn Sơn - Chân dung một người cầm bút 03.06.2024 | 17:14 PM
- Ghé thăm ngôi đình hơn 130 tuổi nơi Bác Hồ trò chuyện cùng người dân Thái Bình 19.05.2024 | 17:35 PM
- Liên hoan Bé làm quen với làn điệu chèo truyền thống quê hương 19.04.2024 | 15:43 PM
- 37 thí sinh, nhóm thí sinh dự thi vòng bán kết cuộc thi tài năng nghệ thuật trẻ tỉnh Thái Bình 07.04.2024 | 17:52 PM
- Khánh thành ngôi chính điện chùa Vĩnh Gia 17.03.2024 | 20:09 PM
- Hưng Hà: Dâng hương tưởng niệm 790 năm ngày Đức Thái Tổ Trần Thừa băng hà 27.02.2024 | 16:14 PM
- Đại lễ giỗ tổ họ Trần Việt Nam 23.02.2024 | 15:53 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh