Chủ nhật, 22/12/2024, 10:12[GMT+7]

Ghé thăm ngôi đình hơn 130 tuổi nơi Bác Hồ trò chuyện cùng người dân Thái Bình

Chủ nhật, 19/05/2024 | 17:35:55
7,421 lượt xem
Kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2024), chúng tôi có dịp ghé thăm đình Phương Cáp, xã Hiệp Hòa (Vũ Thư), nơi Bác Hồ từng trò chuyện cùng người dân Thái Bình cách đây 57 năm khi Người về thăm Thái Bình lần thứ năm.

Vẻ đẹp trầm lặng của Đình Phương Cáp.

Đình Phương Cáp là một trong những ngôi đình lâu đời nhất trên địa bàn tỉnh. Được khởi công xây dựng đời vua Thành Thái, từ năm Kỷ Sửu 1889 đến năm Tân Mão 1891 thì hoàn thành. Công trình có tổng diện tích hơn 130m với khoảng 70 cột đình được dựng bằng gỗ lim bề thế.

Thời phong kiến, đây là nơi thờ thành hoàng làng, hội họp, bàn việc làng việc xã. Thời gian trước và trong Cách mạng Tháng Tám, đình Phương Cáp là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử như họp thành lập Chi bộ của xã đầu tiên, các đoàn thể cứu quốc. 

Ngôi đình cổ có kiến trúc độc đáo gồm đình ngoài 7 gian, đình trong 5 gian, mái đình cong, các đao tầu chéo góc, xà, câu đầu được chạm trổ mặt nguyệt, long, ly, quy, phượng với đường nét hoa văn tinh xảo.

Giai đoạn kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đình Phương Cáp là căn cứ cách mạng, nuôi giấu cán bộ. Nằm giữa vùng tự do, đình còn là trạm trung chuyển giao liên giữa khu tả ngạn, hữu ngạn sông Hồng. Sau năm 1975, đây là nơi quy tập hài cốt liệt sĩ xung quanh để làm lễ truy điệu và đưa đi an táng ở nghĩa trang xã Hiệp Hòa. 

Cũng tại nơi đây, ngày 1/1/1967, tỉnh Thái Bình vinh dự được đón Bác Hồ về thăm và trò chuyện cùng nhân dân. Nơi đây lưu giữ những di tích, những tư liệu lịch sử vô giá về Bác Hồ. 

Đình ngoài - nơi Bác Hồ từng ngồi nói chuyện, động viên người dân Thái Bình phát huy tốt nền nông nghiệp tỉnh nhà.

Dù đã 81 tuổi, nhưng vẫn khắc sâu trong tim những hình ảnh về lần Bác ghé thăm, ông Bùi Đình Mậu, Ban quản lý đình Phương Cáp tâm sự: “Tôi vẫn nhớ mãi ký ức năm ấy, Bác cùng đồng chí Hoàng Anh và đồng chí Tố Hữu về gặp gỡ cán bộ, nhân dân Thái Bình. Chúng tôi rất vinh dự được trò chuyện cùng Bác. Bác nói chuyện tại đình, Bác khen đội thủy lợi Quang Trung làm thủy lợi giỏi, Hợp tác xã Tân Phong đạt 5 tấn thóc trên 1 ha, riêng Hiệp Hòa trồng cây giỏi. Bác căn dặn nhiều, bác động viên nhân dân Thái Bình phát triển gương mẫu về mọi mặt”.

“Bác dặn dò, đối với nông nghiệp, cố gắng phát triển từ 5 tấn lên 7 tấn, dốc hết sức người sức của cho tiền tuyến đánh giặc, động viên thanh niên tỉnh nhà hăng hái lên đường nhập ngũ, vượt Trường Sơn vào miền Nam đấu tranh, thống nhất đất nước”. Ông Mậu chia sẻ thêm.

Tại đình Phương Cáp, tấm ảnh chụp Bác Hồ về thăm, mừng nhân dân đạt 5 tấn thóc/ha được giữ gìn và treo trang trọng.

Không gian đình trong - nơi thờ Bác Hồ và tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ xã Hiệp Hòa.

Sau 2 năm Bác mất, nhận được thông báo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân lập ban thờ tại đây để các cơ quan, chính quyền, đoàn thể, nhà trường về đây thăm, viếng Bác. Từ đó lễ nghi vẫn được duy trì hàng năm, ngày 1/1 được xem  là ngày kỷ niệm Bác Hồ về thăm Thái Bình.

Năm 1993, đình được công nhận là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt cần bảo tồn và gìn giữ. Trải qua nhiều năm tháng thăng trầm của lịch sử, nơi đây mãi là niềm tự hào của người dân quê lúa Thái Bình.

Quang Phú

(Sinh viên kiến tập)